Tình hình sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây có những diễn biến khá phức tạp. Riêng trong tháng 8, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 4 ca SXH tử vong. Trước tình tình đó, ngành y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh củng cố công tác điều trị...
Một ca bệnh SXH đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa TX.Dĩ An. Ảnh: QUỲNH NHƯ Bác sĩ Dương Thành Mỹ, Giám đốc Trung tâm Y tế (TTYT) TP.TDM cho biết, năm nay, TP.TDM là địa bàn có số ca SXH tăng mạnh, đã có trường hợp tử vong tại khu phố 2, phường Phú Cường. Đây là điều hết sức đáng tiếc. TTYT TP.TDM cũng đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc ngành, chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vệ sinh môi trường, phun hóa chất diện rộng ở các nơi có ổ dịch được phát hiện. Cuối tuần này, UBND TP.TDM cũng sẽ họp để đánh giá tình hình phòng, chống bệnh trong đó có SXH từ năm 2012-2015. Từ đó có những ý kiến đóng góp, các chương trình cụ thể trong phòng, chống bệnh trong thời gian tới. Theo báo cáo của TTYT dự phòng tỉnh, đến tháng 8-2015 trên 9 huyện, thị, thành phố đều có bệnh nhân (BN) SXH. Trong đó, TP.TDM nhiều nhất với 118 ca, TX.Thuận An 73 ca, TX.Dĩ An 35 ca, TX.Tân Uyên 33 ca, Bắc Tân Uyên 3 ca, Phú Giáo 54 ca, TX.Bến Cát 25 ca, huyện Bàu Bàng 4 ca và Dầu Tiếng 10 ca. Theo nhận xét của cán bộ TTYT dự phòng, số ca mắc 3 bệnh trong tuần đầu của tháng 8-2015 tăng cao. Trước tình hình này, TTYT dự phòng tỉnh cũng đã triển khai phun hóa chất diện rộng tại các nơi có BN SXH. Tổng số ổ dịch SXH phát hiện được là 479 ổ. Số ổ dịch đã xử lý là 453 ổ. Cách xử lý là diệt lăng quăng và phun hóa chất dập dịch diện rộng tại các địa phương ở TP.TDM, TX.Dĩ An, huyện Bàu Bàng và Phú Giáo… Đồng thời mở chiến dịch tuyên truyền sâu rộng tại các xã, phường trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Y tế cũng đã tăng cường những biện pháp phòng, chống SXH, hướng dẫn các TTYT huyện, thị, thành phố lập kế hoạch và triển khai các hoạt động phòng, chống SXH. Bác sĩ Quách Hoàng Mỹ, Trưởng phòng Dịch tễ - TTYT dự phòng tỉnh cho biết: “Nguyên nhân số ca mắc bệnh SXH gia tăng gần đây là do ý thức vệ sinh môi trường của một số người dân chưa được quan tâm thường xuyên. Một số nơi tập trung đông dân cư vệ sinh chưa tốt, nhiều nơi ẩm thấp, phát sinh muỗi truyền nhiễm bệnh. Ý thức người dân về phòng, chống bệnh SXH chưa cao. Tại một gia đình có BN mắc bệnh SXH ở phường Phú Lợi, TP.TDM, khi được hỏi về bệnh tình của con em mình, người mẹ cho biết chỉ thấy con sốt nên nghĩ là bị mắc bệnh viêm hô hấp hay sốt siêu vi bình thường. Đến khi thấy da của con có những đốm đỏ xuất hiện mới đưa con đi xét nghiệm máu và phát hiện bệnh SXH. Để tránh tình trạng dịch SXH lây lan, các địa phương xuất hiện nhiều ca mắc bệnh SXH đang được trung tâm tiến hành phun hóa chất dập các ổ dịch nhỏ; tập trung diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) ở các khu nhà trọ tập trung đông người lao động ở; đến nay đã thực hiện phun diệt muỗi khoanh vùng, dập dịch tại các vùng cao điểm mắc bệnh SXH, đạt gần 100%”. Cũng theo SởY tế, hiện nay đang là mùa mưa, tình hình bệnh SXH vẫn tiếp tục gia tăng và có diễn biến hết sức phức tạp. Để giảm mắc và tử vong do SXH trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đề nghị các đơn vị khám, chữa bệnh trên địa bàn khẩn trương củng cố công tác điều trị SXH. Theo đó, các cơ sởy tế cần tổ chức tập huấn cập nhật ngay Quyết định số 458/QĐ-BYT ngày 16-2-2011 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue cho các cán bộ y tế tại đơn vị. Sở cũng giao TTYT dự phòng tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức tập huấn cho các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh. Song song đó, ngày 31-8 vừa qua, Cục Y tế dự phòng đã có công văn về việc phối hợp trong công tác phòng, chống SXH. Do đó, các đơn vịcần chủ động liên hệ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn để huy động lực lượng phối hợp triển khai các hoạt động phòng, chống SXH. Các cơ sở y tế khi tiếp nhận BN chẩn đoán là SXH cần chuyển về các cơ sở điều trị có chuyên khoa để được điều trị có hiệu quả, không nên giữ BN tại cơ sở, nhất là những cơ sở không có cán bộ y tế chuyên khoa và không đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị hồi sức, cấp cứu BN SXH nặng. Về công tác điều trị, BS Trần Thị Minh Nguyệt, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, tuyệt đối không để cho tình trạng SXH trở nặng. Có ca vào đến phòng cấp cứu của khoa nhi đã bị trụy mạch, khó thở… Theo BS Nguyệt, với những ca này điều trị rất khó khăn, dễ biến chứng. Với các ca bệnh nhi, phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH như nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu… Nếu có những biểu hiện này, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt. Kể cả khi trẻ hết sốt mà có một trong các dấu hiệu trên cũng phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay. QUỲNH NHƯ - HỒNG THUẬN
|