Từ đầu năm đến nay, UBND huyện Trần Văn Thời đã ban hành nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo an toàn thông tin mạng, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm như: phần mềm quản lý văn bản và điều hành (iOffice), một cửa điện tử, chữ ký số...Uỷ ban Nhân dân huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, đề ra 21 mục tiêu, trong đó có 9 mục tiêu về chính quyền số, 6 mục tiêu về kinh tế số và 6 mục tiêu về xã hội số. Kết quả, đến nay huyện đã thực hiện hoàn thành 16/21 mục tiêu, gồm 9/9 mục tiêu về chính quyền số, 4/6 mục tiêu về kinh tế số và 3/6 mục tiêu về xã hội số. Hiện nay, huyện tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số (CÐS), Ðề án 06; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện CÐS của cơ quan, đơn vị, địa phương mình quản lý; chú trọng xây dựng mô hình, tạo hiệu ứng tốt về người tốt, việc tốt, cách làm hay, những điển hình tiên tiến trong công tác CÐS và triển khai Ðề án 06... Người dân xã Trần Hợi tiếp cận các văn bản hành chính qua mã QR code nhanh chóng, tiện lợi. Ông Lê Phong, Phó bí thư Thường trực Huyện uỷ, xác định: "CÐS là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Trong đó, vai trò tiên phong tuyên truyền, hướng dẫn của các cấp chính quyền là hết sức cần thiết. Huyện chỉ đạo cơ quan chuyên trách tham mưu công tác CÐS phối hợp với các đơn vị có liên quan dự thảo, tham mưu ban hành kế hoạch cải thiện và nâng cao chỉ số CÐS (DTI) năm 2023 của huyện; phân công cụ thể nhiệm vụ từng cơ quan, đơn vị trong công tác CÐS tại địa phương, làm cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ CÐS của địa phương”. Cùng với đó, huyện đã triển khai Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn huyện Trần Văn Thời”, góp phần số hoá hồ sơ, từng bước “số hoá” người dân. Xã Trần Hợi là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện CÐS của huyện Trần Văn Thời. Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp uỷ, chính quyền, xã đã thực hiện đạt và vượt tất cả 3 mục tiêu đề ra trong Chiến dịch. Cụ thể, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến đạt 90,63/60%; tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 73,91/65%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt 77,78/30%. Ông Nguyễn Văn Giáp, công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Trần Hợi, cho biết: “Do địa bàn rộng, người dân ban đầu tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến, các bước thanh toán trên môi trường mạng chưa quen và còn mới mẻ nên cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm cao của xã, lồng ghép vào các đợt họp dân, các tổ công nghệ số cộng đồng, Ðoàn Thanh niên đã đến tuyên truyền, vận động tận nhà, hướng dẫn các bước cho người dân thực hiện. Khi người dân hiểu được những tiện ích mang lại thì đồng tình hưởng ứng và ngày càng hài lòng khi thủ tục hành chính được thực hiện đơn giản, nhanh gọn hơn”. Ông Trần Văn Bắc, Ấp 5, xã Trần Hợi, chia sẻ: “Giờ đây mạng Internet phủ tới nhà mình, chỉ cần có tài khoản dịch vụ công trực tuyến là có thể giải quyết các thủ tục hành chính nhanh gọn, rất tiện lợi, đỡ công đi lại, chờ đợi; chỉ khi nào cần thiết lắm mới đi đến bộ phận một cửa làm việc”. Công chức Bộ phận Một cửa huyện đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng, tránh việc chờ đợi cho người dân. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác CÐS của huyện Trần Văn Thời vẫn còn một số khó khăn. Ông Lê Phong đánh giá, thủ trưởng một số cơ quan, đơn vị chưa quan tâm sâu sát trong chỉ đạo thực hiện các mục tiêu Chiến dịch "Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến" trên địa bàn tỉnh và kế hoạch CÐS năm 2023 của huyện, dẫn đến một số chỉ tiêu chưa hoàn thành, như: tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến; tỷ lệ số hoá hồ sơ; tỷ lệ thanh toán trực tuyến; tỷ lệ chữ ký số sử dụng thường xuyên; tỷ lệ văn bản xử lý trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Ngoài ra, thời gian cấp chữ ký số lâu, ảnh hưởng đến việc thực hiện số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa các xã, thị trấn. Hệ thống Cổng dịch vụ công thường xuyên bị lỗi, tốc độ truy cập đôi lúc bị chậm, gây gián đoạn trong truy cập hệ thống, ảnh hưởng đến việc xử lý hồ sơ của các cơ quan, đơn vị; thói quen sử dụng hồ sơ giấy, nộp hồ sơ trực tiếp của người dân vẫn phổ biến. Ông Lê Phong nhấn mạnh: “Thời gian tới, huyện tiếp tục theo dõi, đôn đốc thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến; tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tỷ lệ thanh toán trực tuyến; tỷ lệ chữ ký số sử dụng thường xuyên; tỷ lệ văn bản xử lý trên iOffice. Ðồng thời, kiện toàn thành viên tổ công nghệ số và khuyến nông cộng đồng, tổ công tác triển khai Ðề án 06, tổ hướng dẫn và hỗ trợ dịch vụ hành chính công; phát huy vai trò của các tổ trong việc tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến”./.
Gia Minh
|