Số người mắc tay chân miệng (TCM) trên cả nước đã lên tới hơn 61.800 trường hợp với 6 ca tử vong. Cùng với đó là số người mắc dịch sởi và sốt xuất huyết (SXH) cũng đang tăng mạnh,ịchbệnhdồndậptrnlannguycơlynhiễkq union berlin gây quá tải nhiều bệnh viện... Đây là những thông tin mới nhất về diễn biến tình hình dịch bệnh mùa đông xuân được Bộ Y tế công bố tại cuộc họp báo diễn ra chiều 9-10 tại Hà Nội.
Số mắc tăng cao ở nhiều địa phương
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong số các dịch bệnh truyền nhiễm đang vào mùa cao điểm, dịch TCM đang có số người mắc rất cao.
Tính đến ngày 8-10, cả nước ghi nhận hơn 61.800 trường hợp mắc TCM rải rác tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có trên 29.300 trường hợp nhập viện và 6 trường hợp tử vong tại 5 tỉnh, thành phố thuộc khu vực phía Nam.
Mặc dù so với cùng kỳ năm 2017, số mắc TCM trong cả nước giảm 18,9% nhưng một số tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc TCM tích lũy cao và gia tăng nhanh trong các tuần gần đây, nổi lên là: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Tây Ninh và Hà Nội.
Cấp cứu bệnh nhân bị dịch tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Số mắc TCM chủ yếu ghi nhận ở khu vực miền Nam chiếm 77,6% số ca mắc của cả nước, miền Bắc chiếm 10,6%, miền Trung chiếm 10,1% và Tây Nguyên chiếm 1,7%. Đối tượng mắc TCM chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi chiếm tới 99,5% số ca mắc.
Trong khi đó, TS Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, qua giám sát về diễn biến tình hình dịch TCM cho thấy, hiện chưa có sự thay đổi về kiểu gen của virus gây TCM ở Việt Nam. Các tuýp virus gây bệnh TCM chủ yếu là EV71 chiếm 21%, các EV khác là 20%, Coxsackie A10 là 6%, Coxsackie A6 là 3%, virus đường ruột khác là 4%.
Trong đó đáng lưu ý, virus EV71 là chủng dễ gây biến chứng nặng và gây tử vong đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Trong khi đó, bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine dự phòng nên số người mắc còn tiếp tục gia tăng.
Trước tình hình dịch bệnh TCM đang diễn ra phức tạp, PGS-TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, biện pháp phòng ngừa hiệu quả dịch bệnh TCM là việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, cho trẻ ăn, bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Đồng thời, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Coi chừng lây nhiễm chéo
Không chỉ dịch TCM diễn biến phức tạp mà dịch sởi và SXH cũng đang có chiều hướng gia tăng số người mắc, gây tình trạng quá tải và nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh dịch trong cơ sở khám chữa bệnh, nhất là với các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TPHCM.
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 1.093 ca dương tính với sởi/2.942 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đối với dịch SXH ghi nhận hơn 67.400 trường hợp mắc với 11 ca tử vong.
Trước tình hình nhiều dịch bệnh bùng phát, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã yêu cầu các bệnh viện, đơn vị y tế tăng cường cường công tác khám, phân loại, điều trị bệnh sởi, TCM và SXH nhằm chống quá tải, giảm lây nhiễm chéo và giảm tử vong.
Theo đó, lãnh đạo các đơn vị y tế, bệnh viện các cấp khẩn trương, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác truyền thông trong cơ sở khám chữa bệnh để người bệnh, người nhà người bệnh, nhân viên y tế, học viên, sinh viên thực tập hiểu rõ đường lây.
Đó là bệnh sởi lây theo đường hô hấp; bệnh TCM lây theo đường tiêu hóa, nguồn lây chính từ nước bọt, phân của trẻ nhiễm bệnh; bệnh SXH lây do muỗi Aedes aegypti đốt truyền bệnh.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, đối với người bệnh sởi và nghi sởi cần mang khẩu trang khi đi khám bệnh, đối với trẻ nhỏ không thể mang khẩu trang thì người nhà dùng khăn giấy che miệng trẻ khi ho, hắt hơi; đối với bệnh TCM phải rửa tay bằng xà phòng mỗi khi chăm sóc, vệ sinh cho trẻ; đối với bệnh SXH thì phải phòng chống muỗi đốt khi nằm viện.
Đặc biệt, các bệnh viện phải tổ chức phân luồng và có khu khám riêng để sàng lọc bệnh sởi, nghi sởi (đối với bệnh TCM có thể khám chung với các bệnh khác nếu nhân viên y tế làm tốt việc khử khuẩn, vệ sinh tay); tiến hành cho nhập viện điều trị nội trú những ca bệnh sởi, TCM, SXH nặng theo đúng hướng dẫn, đúng tuyến điều trị để tránh quá tải và giảm lây chéo trong bệnh viện…
Việc điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh TCM của Bộ trưởng Bộ Y tế và tham khảo cẩm nang chẩn đoán và xử trí bệnh TCM ở trẻ em đã được Bộ Y tế ban hành.
Đối với bệnh SXH, các bệnh viện phải bảo đảm việc tránh muỗi đốt người bệnh SXH (để phòng ngừa muỗi đốt sang người bệnh khác).
Đối với các trường hợp ca bệnh nặng phải tổ chức hội chẩn khoa, liên khoa, bệnh viện theo quy định hoặc xin ý kiến hướng dẫn, trao đổi thông tin, hỗ trợ về chuyên môn với tuyến trên…
Theo QUỐC LẬP – SGGP Online