TheángtăngcaoPhảikéogiáthịtlợnxuốngbằngmọibiệnphágia bong da yo nhận định của Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, CPI tháng 1 tăng cao gây khó khăn cho điều hành giá.
Thực phẩm tăng giá ảnh hưởng trực tiếp đến CPI
Báo cáo về tình hình giá cả dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Trưởng nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá cho biết, lượng hàng hóa dồi dào, được tổ chức lưu thông thông suốt trên địa bàn cả nước, đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại lớn tiếp tục là những địa điểm thu hút người tiêu dùng, giá cả bình ổn. Theo thông tin từ địa phương, trong thời gian trước, trong dịp Tết không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Tuấn, mặt hàng thịt lợn xu hướng giảm nhưng ở mức cao. Trong thực tế, chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2020 đã tăng khá cao 1,23%so với tháng 12/2019. Ngoại trừ các yếu tố tăng giá của một số nhóm hàng hóa, dịch vụ theo thông lệ hàng năm, thường chỉ tăng cục bộ trong tháng Tết thì nguyên nhân chủ yếu gây tác động làm tăng CPI là từ nhóm thực phẩm (tăng 2,6%) làm cho nhóm ăn uống ngoài gia đình tăng 2,26% so với tháng trước làm CPI chung tăng khoảng 0,2%. Đặc biệt đối với mặt hàng thịt lợn, tuy không còn ở mức đột biến như trong thời gian trước nhưng mặt bằng giá vẫn ở mức cao (80.000-86.000đ/kg hơi), tác động không nhỏ đến diễn biến chung của thị trường.
CPI tháng 1/2020 tăng cao, 1,23% (tuy đã được dự báo trước và hiện vẫn trong các kịch bản điều hành) nhưng sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác điều hành giá trong quý I cũng như cả năm 2020. Theo đó, để đạt mục tiêu CPI dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra, với những diễn biến mặt bằng giá của nhóm hàng thực phẩm như hiện nay và không có phát sinh những diễn biến khác, thì theo tính toán bình quân (số học) mỗi tháng còn lại trong năm CPI (11 tháng) sẽ phải tác động giảm khoảng 0,12%.
Đối với mặt hàng thịt lợn, theo Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, cần triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Thủ tướng, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo để điều hành mặt bằng giá giảm ngay trong tháng 2 và tháng 3. Theo tính toán, nếu giá thịt lợn giảm 10% ngay trong tháng 2 sẽ giúp CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019 chỉ tăng 5,62% và CPI bình quân cả năm ở mức khoảng 4,59%. Nếu giá thịt lợn giảm thêm 8 – 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân quý I/2020 so với cùng kỳ tăng khoảng 5,32% và CPI bình quân cả năm trong mức khoảng 4,22%. Theo Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá, việc điều hành giá góp phần kiểm soát lạm phát, CPI dưới 4% là nhiệm vụ rất khó khăn nếu không có chỉ đạo điều hành ngay từ quý I.
Quyết liệt các giải pháp để bình ổn giá
Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo điều hành giá nhận định, công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2020 sẽ gặp rất nhiều khó khăn thách thức. Nếu không quyết liệt trong khâu tổ chức thực hiện các giải pháp đã được đặt ra trong kịch bản điều hành giá từ đầu năm thì CPI bình quân năm 2020 sẽ vượt mức 4%. Do đó, Nhóm giúp việc đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai ngay các ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá.
Trong đó, đối với nhóm hàng thực phẩm nhất là đối với thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp tổ chức quyết liệt các giải pháp để bình ổn giá, giảm giá mặt hàng thịt lợn. Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đề nghị cần quyết tâm làm tốt các biện pháp điều hành cung - cầu giúp giá thịt lợn hơi giảm 10% trong tháng 2 và tiếp tục giảm tháng 3 về mức 60.000 - 65.000đ/kg hơi và các tháng tiếp theo giá bình ổn hoặc tiếp tục giảm về mức 45.000-50.000đ/kg hơi (mức bình thường trước khi có dịch).
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, bằng mọi biện pháp, chúng ta phải kéo giá thịt lợn xuống. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải có báo cáo cụ thể về tình hình dịch bệnh, nhập khẩu thịt lợn, tái đàn ra sao… “Phải đảm bảo chống cạnh tranh, độc quyền. Nếu đầu vào cao thì người dân sẵn sàng chia sẻ. Tuy nhiên, người dân đòi hỏi cần phải hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, phân phối và tiêu dùng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cuộc họp của Ban Chỉ đạo, lần đầu tiên có đại diện của một số doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thịt lợn, Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, Hiệp hội người tiêu dùng Việt Nam, 2 địa phương lớn là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... Theo nhận định của đại diện các hiệp hội, mặt hàng thịt lợn dự báo khả năng có thể giảm giá trong những tháng tiếp theo, tuy nhiên do ảnh hưởng thời tiết diễn biến bất thường, dự kiến giá rau xanh, đặc biệt là rau ăn lá sẽ tăng khoảng 5% - 10%.
Theo đại diện 2 doanh nghiệp cung cấp thịt lợn lớn hiện nay là Tập đoàn CP và Tập đoàn Dabaco, Tập đoàn CP không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thời gian qua, Tập đoàn Dabaco bị ảnh hưởng nhưng không được trợ giá. Trên thực tế, khi giá thịt lợn trên thị trường tăng cao, 2 doanh nghiệp này vẫn cung cấp thịt lợn với mức giá từ 75.000 – 82.000 đồng/kg. Tuy nhiên, theo đại diện Tập đoàn CP, doanh nghiệp chỉ chiếm 7 - 8% thị phần, nên không có khả năng điều tiết được giá cả thị trường. Chính vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ kiên quyết đề nghị, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương thành lập Ban chỉ đạo liên ngành kiểm tra có doanh nghiệp nào vi phạm luật cạnh tranh và chống độc quyền hay không. “Tổng cục Thuế cần sớm kiểm tra về thuế đối với một số doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thịt lợn, kiểm tra doanh thu, chi phí, giá thành, lợi nhuận nộp ngân sách, đảm bảo công khai, minh bạch cho người dân biết, chống độc quyền, cạnh tranh, lợi ích nhóm trong vấn đề này. Bộ Công thương và Bộ Tài chính phải triển khai ngay và sớm có báo cáo để Chính phủ và người dân biết”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Minh Anh