Nguồn rác khổng lồ từ hàng hóa
Doanh nghiệp (nhà cung cấp,ệplãikhigiảmrácthảinhựdabet vip đơn vị phân phối, vận chuyển…) đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng và cũng đang tạo ra lượng rác khổng lồ thông qua việc thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm.
Khách hàng càng ngày càng có trải nghiệm tốt hơn khi mua sắm trực tuyến và đây là bệ phóng để thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ. Theo một nghiên cứu của Đại học California, Berkeley, lượng rác thải bao bì do thương mại điện tử tạo ra ước tính chiếm khoảng 12% tổng lượng rác thải bao bì trên toàn thế giới.
Các loại bao bì thường được sử dụng trong thương mại điện tử bao gồm hộp carton, bao bì nhựa, màng xốp hơi... Đây đều là những loại bao bì khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường. Mua sắm trực tuyến tốn lượng giấy carton gấp nhiều lần so với việc người mua tự đến cửa hàng. Lượng tiêu thụ hộp carton càng nhiều cũng có nghĩa phải khai thác nhiều cây xanh hơn để làm nguyên liệu thô sản xuất giấy.
Báo cáo “Chất thải nhựa bao bì từ thương mại điện tử tại Việt Nam 2023” do WWF thực hiện và công bố khoảng đầu năm 2024 cho thấy, tại Việt Nam quy mô thị trường bán lẻ hàng hoá trực tuyến năm 2023 ước khoảng 17,3 tỷ USD với tổng số gói, kiện hàng hoá là 1,84 tỷ. Đồng thời, quy mô của dịch vụ gọi đồ ăn công nghệ ước đạt trên 1,4 tỷ USD.
Trung bình một gói hàng sẽ có 3-4 túi bọc: bao bì, túi chống sốc, hộp carton và nilong bọc ngoài chống xước, chống nước. Việc đóng gói quá kỹ dẫn tới sử dụng bao bì nhiều hơn mức cần thiết. Người bán hàng thường muốn đảm bảo rằng hàng hóa đến tay người mua trong tình trạng hoàn hảo nhất.
Hàng hóa thường được bọc bằng hai hoặc ba lớp giấy và bao nilông, thậm chí được chèn thêm màng xốp hơi trước khi đặt vào hộp. Với những sản phẩm dễ vỡ thì người bán chèn xốp, đóng gói rất nhiều lớp, làm tăng cao lượng rác thải. Bên cạnh đó, nhà bán hàng thường sử dụng bìa carton năm lớp thay cho bìa ba lớp để giảm tỷ lệ hàng móp méo.
"Mục đánh giá sản phẩm của sàn thương mại điện tử hiện nay, người mua sẵn sàng phản hồi cách đóng gói của nhà cung cấp sản phẩm. Nếu họ phản hồi đóng gói xấu, móp méo…dù ‘lỗi bên ngoài’ không hề ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nhưng nhận xét đó không vui tí nào", anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc công ty cung cấp linh kiện điện tử máy tính ở Hà Nội, cho biết.
Người bán cũng thường đặt mặt hàng nhỏ vào trong một hộp giao hàng lớn, sau đó lấp đầy khoảng trống bằng vật liệu chống sốc làm từ ni-lông hoặc xốp. Việc người bán đóng gói hàng rất cẩn thận và kỹ lưỡng dẫn tới lượng bao bì tăng cao.
“Thói quen mua từng sản phẩm riêng lẻ cũng gây ra lãng phí bao bì và các vật liệu đóng gói. Mỗi sản phẩm đều được vận chuyển trực tiếp đến người tiêu dùng thông qua các dịch vụ thương mại điện tử, và các nhà sản xuất phải tạo ra các hộp đựng riêng biệt cho từng sản phẩm này, thường là nhỏ hơn so với kích thước hộp đựng nhiều sản phẩm chung cho một đơn hàng” - trích từ báo cáo của WWF.
Giảm rác không chỉ là trách nhiệm
Đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 22/7/2021, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sử dụng 100% túi ni lông, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị; Đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng rác thải nhựa phát sinh…
Trên hành trình gìn giữ môi trường xanh, chưa bao giờ phong trào chống rác thải nhựa lại có được sự nhập cuộc mạnh mẽ, đồng bộ như hiện nay. Có nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh ở Việt Nam đang triển khai các động thái giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Co.op mart đã tiên phong thay túi ni lông khó phân hủy thông thường bằng túi nilông thân thiện với môi trường; ngưng kinh doanh sản phẩm ống hút bằng nhựa.
Nhãn hàng Milo thuộc Công ty Nestlé Việt Nam cũng chủ động trong việc nói không với ống hút nhựa. Theo kế hoạch, nhãn hàng này hoàn thành chuyển đổi 90% lượng sản xuất dùng ống hút giấy vào cuối năm 2021 (và đạt 100% vào tháng 5/2022). Ước tính việc sản xuất ống hút giấy giúp giảm được gần 700 tấn rác thải nhựa mỗi năm.
“Khi doanh nghiệp gắn với hình ảnh bảo vệ môi trường sẽ được cộng đồng chú ý và “sát sao” với hành động của họ” - PGS.TS. Vũ Thanh Ca (Giảng viên cao cấp Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, hình ảnh công ty sẽ được phủ rộng, “đấy là cái lãi của doanh nghiệp”.
Chính sách nổi bật trong việc giảm thiểu rác thải nhựa phải kể đến quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08 của Chính phủ. Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện tử, dầu nhớt và các loại bao bì phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải.
Các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025 và doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ôtô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Thách thức với các doanh nghiệp làm sao đảm bảo việc tái chế bao bì, không gây hại ra môi trường nhưng vẫn phải đảm bảo giá thành mà người tiêu dùng có thể chấp nhận được, không tạo sức ép lên người tiêu dùng. Ngay cả với Coca-Cola, đây cũng là bài toán khó.
Ông Trần Văn Trọng – Tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam - cho biết: “Mục đích cao nhất trong kinh doanh đó là lợi nhuận. Các doanh nghiệp lớn như Lazada, Vnpost…đã quan tâm đến giảm thiểu rác thải nhựa, còn các doanh nghiệp nhỏ vẫn chưa có nhiều hành động giảm nhựa trong đóng gói hàng hóa”.
Doanh nghiệp vừa phải “chiều lòng” người mua, từ hình thức đến chất lượng sản phẩm, vừa phải ưu tiên giảm chi phí bao bì tối đa. Và vì vậy, để sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường chắc chắn vừa tốn công, vừa tăng chi phí. Đồng thời, cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ cao rất khốc liệt. Từ đó, các đơn vị này có xu hướng trì hoãn việc bảo vệ môi trường và giảm sử dụng bao bì, vật liệu nhựa.
WWF đề xuất, cần tuyên truyền trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gắn việc bảo vệ môi trường với hình ảnh, uy tín kinh doanh và thu hút người tiêu dùng thông minh. Doanh nghiệp cần đánh giá các rủi ro khách hàng quay lưng khi họ thờ ơ với trách nhiệm bảo vệ môi trường.
Phía Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM), ông Trần Văn Trọng nêu ý kiến, cần đưa quy cách đóng gói thành tiêu chuẩn để các doanh nghiệp áp dụng. Ví dụ, sách vở hay những sản phẩm đã đóng hộp thì không cần phải nhiều lớp bọc. “Người tiêu dùng hãy ủng hộ những doanh nghiệp có hành động giảm thiểu rác thải nhựa và đây chính là động lực để doanh nghiệp chuyển đổi vì môi trường”.