Hầu hết các cổ phiếu cần phải tăng tỷ trọng hôm nay xuất hiện giao dịch lớn của cả khối ngoại lẫn nhà đầu tư trong nước. STB vọt lên vị trí dẫn đầu thị trường về thanh khoản. Hiệu ứng “ăn theo” nhạt Việc quỹ VNM công bố cơ cấu danh mục thường ảnh hưởng đến thị trường trước đây. Nguyên nhân là do quỹ này đổ phần lớn tiền vào thị trường Việt Nam (17/26 mã thuộc thị trường Việt Nam) và quy mô quỹ khá lớn. Hoạt động giao dịch ăn theo quỹ này đã xuất hiện trong các đợt cơ cấu trước. Thông thường nhà đầu tư trong nước sẽ mua trước các mã dự kiến được vào rổ hoặc được tăng tỷ trọng để chờ bán ra cho quỹ này sau đó. Hoạt động này có thể cũng diễn ra trong phiên đầu tiên thị trường nhận được thông tin chính thức. Tuy nhiên dấu ấn chưa thực sự rõ rệt ngay cả khi hầu hết các mã sẽ được tăng mua đều tăng giá hôm nay. Thị trường đã không được chứng kiến những biến động lớn với thanh khoản cao như kỳ đảo danh mục trước. Một phần lý do có lẽ là nhằm vào thời điểm thị trường chung đang giao dịch khá ảm đạm và xu thế tăng chưa được xác lập rõ ràng. Trong số các cổ phiếu cần phải mua thêm để đảm bảo tỷ lệ, STB nổi lên là cổ phiếu cần phải được mua nhiều nhất, tới 3,53% giá trị quỹ. Thực ra khối ngoại cũng đã thực hiện mua STB ròng rã từ đầu tháng 5 vừa qua, nhưng có thể đó không phải là quỹ VNM mà là nhà đầu tư nước ngoài khác khi STB thực hiện điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước cũng đã thực hiện đầu cơ STB khá sớm nhưng giao dịch từ đầu tháng 6 tới nay đã nhạt đi đáng kể. Hôm nay STB được “đánh thức” trở lại với khối lượng khớp đột biến cao nhất trong vòng 3 tháng. Giá STB cũng tăng 1,94%, lên 21.000 đồng, mức cao nhất trong thời gian này.
Nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào 772.250 STB, chiếm khoảng 16% khối lượng giao dịch trong ngày. Điều đó cho thấy nhà đầu tư trong nước tiếp tục đẩy mạnh đầu cơ cổ phiếu này, nhưng hiệu quả giá không được như mong đợi. STB lúc mạnh nhất trong phiên đạt tới 21.500 đồng. Tổng giá trị khớp lệnh của STB hôm nay dẫn đầu thị trường với gần 104,1 tỷ đồng. Các cổ phiếu khác nằm trong diện quỹ VNM phải tăng mua để cân bằng danh mục là DPM, HAG, PVD, SHB, BVH. Khối lượng mua tùy thuộc vào giá cổ phiếu vì yêu cầu giải ngân của quỹ được tính trên cơ sở lượng tiền chứ không phải khối lượng cổ phiếu. Những cổ phiếu nói trên cũng chỉ có mức biến đông giá nhẹ trong phiên hôm nay. DPM tăng 1,24%, HAG tăng 0,83%, PVD tăng 0,6%. Riêng BVH giảm 0,5% và SHB giảm 1,09%. Các mã này đều xuất hiện khối lượng mua vào khá lớn của khối ngoại. Tuy nhiên lượng mua không có gì là lớn bất thường nên không tác động mạnh lên giá. Phía bán ra, 9 mã cần giảm tỷ trọng là PVT, VIC, MSN, PVS, ITA, OGC, DRC, VCB và GMD. Nhiều mã trong số này đã sụt giá khá lớn như PVT giảm 4,65%, PVS giảm 1,12%, ITA giảm 1,23%, nhưng VIC lại tăng 0,78%, MSN tăng 1,02%, DRC tăng 1,17%. Nhìn chung là kế hoạch đảo danh mục lần này của quỹ VNM không gây được nhiều bất ngờ. Điều duy nhất thị trường chưa chắc chắn là tỷ lệ danh mục cụ thể cho từng mã. Mặt khác thị trường cũng đang trong trạng thái lình xình nên cơ hội đầu cơ ngắn hạn là không lớn nếu như không lôi kéo được số đông nhà đầu cơ trong nước cùng thực hiện chiến thuật. Dao động giá có thể sẽ mạnh hơn vào ngày cuối cùng của đợt mua, ngày 20/6 tới. Thanh khoản tăng nhẹ, VN-Index đảo chiều Như đã nói ở trên, tác động lên giá từ các giao dịch của khối ngoại trong phiên hôm nay là chưa rõ rệt. Dĩ nhiên việc bán ròng hay mua ròng đột ngột ở một số cổ phiếu có thể ảnh hưởng, nhưng trên mặt bằng chung, thị trường vẫn đang biến động bình thường. VN-Index có phiên giảm đầu tiên sau 6 phiên tăng liên tục chủ yếu do tác động vốn hóa. GAS không lọt vào rổ đầu tư của quỹ VNM nhưng rõ ràng là số lớn các tổ chức nước ngoài lẫn trong nước khác vẫn rất quan tâm đến mã này. GAS tác động lớn lên chỉ số và hôm nay, kể cả khi nhà đầu tư nước ngoài mua vào rất lớn thì GAS vẫn không thoát khỏi áp lực giảm khi nhà đầu tư trong nước chốt lời. GAS đóng cửa ở mức 106.000 đồng, giảm 1,85% so với tham chiếu. Đây là mức mất giá trong một ngày của GAS nhiều nhất suốt 25 phiên. Nhà đầu tư nước ngoài mua vào khoảng 68% khối lượng GAS phiên này, nhưng nhà đầu tư trong nước bán ra mạnh mẽ. GAS trong 20 phiên cho tới hôm thứ 6 tuần trước đã đem lại mức lợi nhuận trên 23%. Với một cổ phiếu có thị giá cao như GAS thì việc đẩy giá đi được đoạn đường như vậy cũng đã là quá bất ngờ. BVH, FPT, PGD, PET cũng không nằm trong danh sách bị bán bớt của quỹ VNM nhưng giá hôm nay giảm mạnh ảnh hưởng lên VN-Index. Ngược lại, chỉ số chỉ trông chờ vào DPM, DRC, HAG, HSG, PVD, SSI, STB. MSN và VIC có tăng nhưng rất nhẹ. Nhà đầu tư nước ngoài là động lực đẩy thanh khoản thị trường tăng hôm nay. Mức mua vào qua khớp lệnh hai sàn đã tăng gần 44% so với hôm thứ 6, đạt 175 tỷ đồng. Trong đó HSX đóng góp 158,6 tỷ đồng. Ở HSX, hôm nay là ngày mua lớn nhất trong 10 phiên của khối ngoại. Giá trị khớp lệnh thị trường nhờ đó tăng khoảng 7% so với phiên trước với 1.597,8 tỷ đồng. Thị trường bắt đầu bước vào tuần cơ cấu danh mục của quỹ VNM. Những biến động đầu tiên cho thấy thị trường khá yên tĩnh. Điều này chưa nói lên được điều gì trong vài ngày tới, nhưng yếu tố thực sự thúc đẩy biến động giá phải chính là xu thế chung. Thị trường hiện tại đang tích lũy và nhà đầu tư chưa sẵn sàng tham gia vào một đợt đua giá cao. Thanh khoản cũng chỉ cải thiện dần dần và thiếu đột biến. Hoạt động đầu cơ ăn theo đợt cơ cấu danh mục này có vẻ sẽ không thuận lợi. Khánh Nhi |