Đây là mục tiêu xã Vị Đông,ểnnngnghiệptheohướngbềnvữlịch fa anh huyện Vị Thủy thực hiện để nâng cao giá trị hàng hóa và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Ông Nguyễn Minh Trắng, ở ấp 3, xã Vị Đông, thường xuyên kiểm tra sự tăng trưởng của cây giống để cung cấp cho người trồng đạt chất lượng. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông, cho biết: Trên cơ sở mục tiêu đã định hướng, theo đó bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với vùng quy hoạch của huyện, tạo ra sản phẩm hàng hóa nông sản phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng nhiều mô hình kinh tế có lợi nhuận cao, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Theo đó, xã Vị Đông tập trung quyết liệt vào các giải pháp thực hiện, chỉ đạo chăm sóc và thu hoạch đạt chỉ tiêu 3 vụ lúa trong năm 2020 đúng lịch khuyến cáo của ngành chức năng, quan tâm đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật. Phát huy có hiệu quả hệ thống cống, đê bao chống lũ và xâm nhập mặn nhằm phục vụ tốt vùng chuyên canh sản xuất lúa của địa phương gắn với xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, tăng cường công tác phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản, nhân rộng các mô hình làm ăn có hiệu quả trên địa bàn. Năm 2020, chỉ tiêu về sản xuất nông nghiệp xã Vị Đông đề ra là diện tích xuống giống trong năm 6.769ha, năng suất đạt từ 6,5 tấn/ha, với sản lượng lúa 44.258 tấn. Nhân rộng mô hình trồng cây ăn trái, rau màu hiệu quả kinh tế cao, trong đó phát triển diện tích cây ăn trái các loại 247ha và phát triển diện tích rau, màu các loại là 285ha. Trong thời gian qua, năng suất trồng lúa của người dân ở xã đạt cao hơn so với các địa bàn xã khác của huyện. Bà Lâm Thị Sang, cán bộ bảo vệ thực vật xã Vị Đông, chia sẻ: Đạt năng suất cao là do nhiều yếu tố, trong đó sự am hiểu về kỹ thuật trồng của người dân. Bên cạnh đó, xã được huyện đầu tư hệ thống đê bao khép kín, chỉ đạo xuống giống đúng lịch thời vụ. Đồng thời, xã thường xuyên quan tâm đến việc mở các lớp tập huấn về kỹ thuật cho người dân kịp thời. Điển hình như năm qua xã đã tổ chức tập huấn kỹ thuật về trồng lúa, rau màu, cây ăn trái được 15 lớp, bình quân mỗi lớp từ 30-50 nông dân tham dự. Theo đó, cán bộ kỹ thuật thường xuyên thăm đồng 2 lần/tuần để tư vấn cho người dân, cùng với nông dân phát hiện sâu bệnh, theo dõi sự tăng trưởng của cây. Từ đó, giúp năng suất cây trồng trên địa bàn đạt được kết quả tốt. Năm nay, xã tiếp tục mở khoảng 30 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, phòng ngừa sâu bệnh trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu, thủy sản cho nông dân trong xã. Bên cạnh tập trung phát triển lúa chất lượng cao, xã Vị Đông đang nhân rộng diện tích trồng mít ruột đỏ và đây cũng là sản phẩm mà xã hướng đến xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, đăng ký sản phẩm OCOP. Bà Võ Đặng Ý, cán bộ khuyến nông xã Vị Đông, cho hay: Hiện tại, trên địa bàn xã đã thực hiện được 15ha trồng lúa giống chất lượng ở ấp 1A, ấp 7 và trồng được 2,5ha mít ruột đỏ ở ấp 3, ấp 6. Dự kiến trong năm 2020, phát triển thêm diện tích trồng lúa theo hướng an toàn 30ha ở ấp 1A và vận động người dân trên địa bàn các ấp nhân rộng mô hình trồng mít ruột đỏ khoảng 5ha. Hiện tại, mô hình trồng mít ruột đỏ đã mang lại giá trị kinh tế ổn định cho nhiều hộ dân ở ấp 3. Ông Nguyễn Minh Trắng, ở ấp 3, xã Vị Đông, cho hay: “Trước đây, gia đình tôi trồng các loại cây ăn trái như cam, măng cụt, xoài cát Hòa Lộc, tuy nhiên thấy hiệu quả kinh tế không cao. Cách đây 12 năm, tôi thử mua vài chục cây mít ruột đỏ về trồng, trong số cây được trồng có một cây cho trái rất ngon. Thấy mít ruột đỏ giá ổn định, đầu ra không đủ cung, từ đó tôi nhân giống ra, đến nay tổng diện tích đất trồng mít ruột đỏ của gia đình là 1,6ha, với 1.000 cây mít. Giá hiện nay tôi bán ra cho thương lái là 80.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí một năm bình quân 1.000m2 trồng mít cho lợi nhuận từ 100 triệu đồng trở lên”. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Trắng còn nhân giống mít bán cho người dân. Trong năm qua, ngoài thu lãi từ bán mít trái, ông còn thu về gần 600 triệu đồng tiền bán cây giống. Tuy nhiên, để cây mít ruột đỏ được phát triển mạnh, ông Trắng sẽ bán cây giống cho người dân quanh vùng trồng, sau đó thu mua lại trái với giá thị trường. Đồng thời, nhờ các ngành chức năng hỗ trợ gia đình ông xây dựng nhãn hiệu mít ruột đỏ Vị Đông, để giúp nâng cao giá trị mít ruột đỏ và giúp người dân nâng cao thu nhập. Sắp tới, ông Nguyễn Minh Thái, ở ấp 3, sẽ lên liếp thêm 6 công đất ruộng còn lại để trồng mít ruột đỏ. Ông Thái chia sẻ: “Tôi thấy anh tôi trồng mít ruột đỏ hiệu quả nên tôi đã trồng 200 cây trên 2.000m2 đất, mỗi năm gia đình tôi kiếm từ 200 triệu đồng. So với trồng lúa thì thu nhập cao hơn mấy chục lần, cho nên thời gian tới gia đình tôi tiếp tục trồng thêm mít ruột đỏ trên diện tích còn lại”. Để hàng hóa của người dân làm ra được tiêu thụ ổn định, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Vị Đông, cho biết: Xã xin huyện và các ngành chức năng hỗ trợ cho xã trong việc tìm doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bên cạnh thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững, trong năm 2020, xã Vị Đông sẽ thực hiện các giải pháp để đạt các chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra. Trong đó, tiếp tục chỉ đạo nâng chất các tiêu chí đã đạt được, tập trung chỉ đạo xây dựng tiêu chí đăng ký thực hiện trong năm 2020 và đề nghị huyện công nhận các tiêu chí đã đăng ký, phấn đấu đến cuối năm xã đạt 12- 14 tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt là tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư xây dựng chợ Hội Đồng... Bài, ảnh: T.XOÀN |