Tờ The Guardian đưa tin, tháng trước một số khu vực ở Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và Lào ghi nhận nhiệt độ cao bất thường, lên tới 45 độ C.
Theo nghiên cứu của tổ chức World Weather Attribution (WWA), nắng nóng đã khiến nhiều người thiệt mạng và nhập viện, gây hư hại đường sá, dẫn tới các vụ cháy rừng và buộc trường học trong vùng phải đóng cửa.
Tại Thái Lan, nhiệt độ cao kết hợp với độ ẩm khiến một số khu vực của nước này có cảm giác trên 50 độ C. Ở Ấn Độ, có 13 người thiệt mạng do nắng nóng khi tham gia một sự kiện tổ chức ở ngoài trời tại Mumbai. Bang Tây Bengal ở phía đông Ấn Độ cũng đóng cửa toàn bộ các trường học trong 1 tuần vì nắng nóng.
Nghiên cứu của WWA cho biết, nhiệt độ trong khu vực nóng hơn ít nhất 2 độ C do biến đổi khí hậu.
Nếu nhiệt độ trung bình toàn cầu ấm hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì đợt nắng nóng hồi tháng 4 vừa qua có thể tái diễn cứ 1-2 năm một lần ở Ấn Độ và Bangladesh. Hiện thế giới đang ấm hơn từ 1-1,2 độ C.
Friederike Otto, nhà khoa học về khí hậu tại Đại học Hoàng gia London và là một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến biến đổi khí hậu làm tăng đáng kể tần suất và cường độ của các đợt nóng".
Theo nhóm nghiên cứu, các kế hoạch hành động chống nóng do chính phủ điều hành và tài trợ, cần được triển khai nhanh hơn tại Ấn Độ và các quốc gia bị ảnh hưởng khác.
Nhiều nghiên cứu về khí hậu toàn cầu cho thấy, khu vực Nam Á được coi là nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học cho rằng cần hành động quyết liệt để giảm lượng khí thải carbon dioxide ngay lập tức và đó là giải pháp duy nhất.
Hình ảnh châu Âu 'bỏng rãy' vì nắng nóng kỷ lụcNắng nóng kỷ lục và thời tiết khô hạn đã gây cháy rừng ở khắp phía nam châu Âu và làm hàng trăm người chết vì nắng nóng. Tại Anh, ít nhất 6 người chết đuối trong khi cố làm mát cơ thể.