Nguồn nhân lực dồi dào Theo kết quả điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê, đến hết quý III/2019, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 55,7 triệu người, lao động từ 15 đến 59 tuổi đạt 49,1 triệu người, chiếm 88,2% lực lượng lao động. Khi một quốc gia có tỷ lệ dân số “trong độ tuổi lao động” chiếm ít nhất 66%, nghĩa là chiếm 2/3 tổng dân số trở lên thì được coi là quốc gia có “cơ cấu dân số vàng”. Lợi thế lớn của cơ cấu “dân số vàng” là đem lại chính là nguồn nhân lực dồi dào nếu được tận dụng tối đa trí tuệ, sức lao động, nhằm tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai của đất nước. Nói cách khác, nếu tận dụng được cơ cấu “dân số vàng” sẽ tạo ra sự vượt bậc về kinh tế. Về mặt xã hội, “dân số vàng” tạo điều kiện cho giáo dục phát triển. Tuy nhiên, các con số của Tổng cục Dân số và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy giai đoạn “dân số vàng” của Việt Nam ngắn hơn nhiều so với các nước khác do Việt Nam có thời kỳ “dân số vàng” và “già hoá dân số” diễn ra cùng một lúc. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người cao tuổi là những người từ 65 tuổi trở lên. Khi tỷ lệ người cao tuổi chiếm 7% tổng dân số thì dân số được coi là “bắt đầu già” và khi tỷ lệ này đạt 14% thì dân số được coi là “già”. Theo định nghĩa này, từ năm 2011, dân số Việt Nam đã bắt đầu già khi tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 7% tổng dân số. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, tỷ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam sẽ vào khoảng 12,9% và năm 2050 là 23%. TS. Lê Thị Phương Mai, chuyên gia Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đánh giá, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay vẫn đang là thách thức. Tuy có một lực lượng lao động trẻ dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn kỹ thuật thấp, chưa đáp ứng cho định hướng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Qua báo cáo chung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê và Tổ chức Lao động quốc tế cho thấy, có khoảng 162.000 lao động có bằng cử nhân và thạc sỹ hiện không tìm được việc hoặc phải làm các công việc không đúng với ngành/nghề được đào tạo. "Điều này cho thấy một lực lượng lao động lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường, cộng với năng suất lao động thấp sẽ khiến nền kinh tế rơi vào bẫy với các hoạt động giá trị thấp và tỷ lệ tăng trưởng thấp", chuyên gia UNFPA cảnh báo. Nâng cao năng suất lao động Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ cấu “dân số vàng” chỉ có nghĩa là dân số trong độ tuổi từ 15- 64 chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số, điều này mang lại “khả năng”, “cơ hội” chứ chưa phải là đã đem lại ngay kết quả cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. Do vậy, để “dân số vàng” không chỉ “vàng” về số lượng mà còn vàng cả về chất lượng thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. GS.TS.Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, ĐH Kinh tế Quốc dân cho biết, để tận dụng lợi thế “dân số vàng”, cần cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh lực lượng lao động đông về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, thiếu tác phong chuyên nghiệp… Còn ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho rằng, cần thực hiện tốt giải pháp nâng cao tỷ lệ những người “trong độ tuổi lao động” có khả năng làm việc vì những người “trong độ tuổi lao động” nhưng ốm đau, bệnh tật, khuyết tật, thương tật thì khả năng lao động bị hạn chế hoặc mất hoàn toàn. Bên cạnh đó, tạo đủ việc làm cho người “có khả năng làm việc”. Sở dĩ như vậy theo ông Tú, nếu những người “có khả năng làm việc” lại thiếu việc làm hoặc thất nghiệp thì cơ hội “dân số vàng” bị bỏ lỡ. Vì vậy, cần tăng cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao dựa trên tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động. "Bên cạnh đó, cần tăng cơ hội đào tạo nghề cho phụ nữ, thúc đẩy dịch chuyển lao động nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ", Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Kế hoạch hóa gia đình nêu. Về phía Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện cơ quan này đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động. Nổi bật là các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn học văn hóa song song với học nghề. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, nhằm bảo đảm chất lượng việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp. Thời kỳ “dân số vàng” được ví như tuổi thanh xuân của con người, chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, bởi vậy, không cách nào tốt hơn là các ngành, địa phương và mỗi người lao động cần tận dụng, phát huy "sức trẻ" để bứt phá.
|