(CMO) “Mở sổ chi tiết theo dõi riêng các khoản đã tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện nhằm đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch, giải trình rõ ràng các khoản thu, chi. Ðiều này không chỉ hạn chế việc thất thoát, gian lận trong quá trình thực hiện từ thiện, mà còn tránh được những điều tiếng, thị phi không đáng có”, ông Mã Tấn Cọp, Phó giám đốc Sở Tài chính, thông tin rõ về việc Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 41/2022 hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các hoạt động xã hội, từ thiện (Thông tư 41), có hiệu lực từ ngày 1/9/2022.Ông Mã Tấn Cọp cho biết: “Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/2008/NÐ-CP cũng với nội dung về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ Nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hoả hoạn, sự cố nghiêm trọng, bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, trước những yêu cầu thực tế về tính minh bạch hoạt động từ thiện của một số cá nhân, tổ chức thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 93/2021/NÐ-CP, có hiệu lực từ ngày 11/12/2021 và thay thế Nghị định số 64/2008/NÐ-CP”. Theo đó, ngoài các tổ chức được kêu gọi, vận động từ thiện như hiện nay thì bổ sung thêm đối tượng là cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ðây có thể coi là hành lang pháp lý quan trọng để công tác từ thiện đạt hiệu quả thực chất, tránh tình trạng lợi dụng hoạt động từ thiện để trục lợi cá nhân, hay gây thất thoát, lãng phí nguồn tiền từ thiện. “Thông tư 41 được ban hành để làm kim chỉ nam thực hiện các chế độ kế toán, phối hợp chính quyền địa phương và tổ chức, hướng dẫn cách thực hiện hoạt động thiện nguyện không chỉ minh bạch về số tiền mà còn là tính hiệu quả về công tác này”, ông Mã Tấn Cọp khẳng định.
Ðể triển khai thực hiện Thông tư 41, ngày 14/9, Sở Tài chính đã có Công văn số 3281/STC-HCSN gửi Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố và Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Ðồng thời, đề nghị Cổng Thông tin điện tử tỉnh đăng nội dung Thông tư số 41 để các tổ chức, cá nhân có hoạt động xã hội, từ thiện được biết và tổ chức thực hiện đúng quy định hiện hành. “Trong quá trình thực hiện, nếu các tổ chức, cá nhân có khó khăn, vướng mắc thì phản hồi về Sở Tài chính, sẽ được hướng dẫn rõ”, ông Mã Tấn Cọp nhấn mạnh. Mặc dù ban đầu có nhiều e ngại, song, các tổ chức, cá nhân đã nhận thấy tính cần thiết của Thông tư 41 trong việc làm thiện nguyện - từ thiện. Là những người tâm huyết và có nhiều hoạt động từ thiện, tích cực giúp đỡ nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo “hồi sinh”, vợ chồng chị Quách Kiều Phụng và anh Quốc Bình (Phường 5, TP Cà Mau) chia sẻ: “Khi đọc về quy định cá nhân hoạt động từ thiện phải mở sổ kế toán, tôi và nhiều nhóm, cá nhân khác băn khoăn không biết làm như thế nào mới đúng, nhất là việc “mở sổ kế toán” có phức tạp hay không, không biết có nên dừng các hoạt động từ thiện hay không vì sợ sẽ làm sai. Nhưng dừng lại thì thương những bệnh nhân đang cần giúp”. Trong suốt hành trình thiện nguyện, vợ chồng chị Phụng luôn công khai minh bạch, rõ ràng, xác minh rõ hoàn cảnh người cần giúp, lập danh sách người hỗ trợ và hình ảnh người nhận có đại diện chính quyền, hoặc phòng công tác xã hội của các bệnh viện và gia đình bệnh nhân ký nhận. Những thông tin này anh chị đều có đăng tải trên trang cá nhân mà anh chị dùng để vận động. Chính nhờ cách làm uy tín này đã giúp nối dài hành trình yêu thương, giúp được rất nhiều bệnh nhân. “Gần nửa tháng qua, nhóm hoạt động từ thiện của tôi đã tìm hiểu và hỏi ý kiến hướng dẫn về quy định mới ban hành, mới thấy thực hiện quy định này không quá phức tạp như chúng tôi băn khoăn. Vậy nên tôi đã thông báo rõ trên trang cá nhân của mình là nhóm vẫn làm như trước nay nhưng sẽ mở thêm sổ theo dõi chi tiết để ghi rõ các hoạt động hỗ trợ, gồm: tên bệnh nhân, tổng số tiền trao (nếu tạm ứng thì photo lại giấy tờ và có xác nhận của người nhà), có chữ ký của đại diện bên nhận, nếu ở địa phương thì phải có xác nhận của chính quyền… Kết thúc mỗi đợt hỗ trợ sẽ báo cáo tài chính rõ ràng, minh bạch”, chị Phụng cho biết thêm. Chị cũng đã mở riêng tài khoản tại ngân hàng để tiếp nhận tài trợ bằng tiền, minh bạch quá trình từ thiện của mình bằng cách sao kê. “Minh bạch, tốt cho mình, tốt cho người được giúp đỡ và cả chính quyền địa phương, đảm bảo số tiền đóng góp trao đúng người, đúng hoàn cảnh. Làm theo hướng dẫn và đúng quy định sẽ thuận lợi hơn, có thêm nhiều sự hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo”, chị Kiều Phụng tâm tình. Ðồng thuận với cách làm của chị Phụng, nhiều nhóm, cá nhân hoạt động từ thiện khác cũng cho rằng Thông tư 41 và trước đó là Nghị định 93 đã giúp đảm bảo minh bạch về thu - chi từ thiện, giúp các nhóm tổ chức, cá nhân muốn làm từ thiện biết cách làm đúng, tránh được điều tiếng không hay. Một tài khoản trên mạng xã hội Facebook bày tỏ: “Siết chặt để tốt hơn thôi, mình làm từ thiện rõ ràng, minh bạch thì không cần phải lo... Chỉ mong an ninh mạng quan tâm nhiều hơn các thành phần xấu, copy hoàn cảnh đi kêu gọi lừa đảo mạnh thường quân”. Nhiều bạn khác cũng ủng hộ việc mở sổ theo dõi, thay vì chỉ đăng tải trên trang cá nhân để minh bạch thì có khi bài bị trôi mất hoặc bị kẻ xấu đánh cắp tài khoản… Mở sổ theo dõi còn giúp các nhóm, cá nhân thiện nguyện lưu lại các chứng từ. Theo ông Mã Tấn Cọp, nguyên tắc là tất cả các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân có hoạt động liên quan đến vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện đều phải mở sổ để ghi chép đầy đủ các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập báo cáo, minh bạch thông tin theo quy định của Thông tư 41 và pháp luật có liên quan. “Thiết nghĩ, mục đích cuối cùng của hoạt động thiện nguyện - từ thiện là giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn một cách hoàn toàn tự nguyện, tuỳ tâm. Vì vậy, hãy cho đi đúng cách để yêu thương và việc làm tử tế lan toả, thể hiện truyền thống nhân ái “lá lành đùm lá rách” của dân tộc”, ông Mã Tấn Cọp mong đợi./.
Phúc An
|