Trong khi phần lớn châu Âu đang phải hứng chịu đợt nắng nóng thứ hai chỉ trong vòng một tháng, hai nghiên cứu riêng biệt phân tích 2.000 năm xu hướng trong lịch sử khí hậu gần đây của hành tinh chúng ta. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu nhiệt độ được tổng hợp từ gần 700 chỉ số: vòng cây, lõi băng, trầm tích và san hô, và nhiệt kế hiện đại... Nghiên cứu đầu tiên, được công bố trên tạp chí Nature cho thấy, trong "Kỷ băng hà nhỏ" (từ năm 1300 đến năm 1850), mặc dù trời lạnh bất thường ở châu Âu và Mỹ trong nhiều thế kỷ song nó không lạnh ở khắp mọi nơi trên hành tinh. "Khi chúng ta quay trở lại quá khứ, chúng ta tìm thấy các hiện tượng khu vực, nhưng không có gì là toàn cầu" – ông Nathan Steiger thuộc Đại học Columbia ở New York nhận định. "Trong khi đó, sự nóng lên xảy ra ở toàn cầu. 98% toàn cầu nóng lên sau cuộc cách mạng công nghiệp" – ông nói thêm. Một nghiên cứu thứ hai trên tạp chí Nature Geoscience xem xét sự thay đổi nhiệt độ trung bình trong khoảng thời gian ngắn, khoảng vài thập kỷ. Kết luận của họ rất rõ ràng: Không có thời điểm nào kể từ đầu kỷ nguyên của chúng ta, nhiệt độ tăng nhanh và đều đặn như vào cuối thế kỷ XX: thời kỳ hậu chiến, sản xuất - được thúc đẩy bởi nhiên liệu hóa thạch - và tiêu thụ đạt mức chưa từng thấy. Kết quả này "làm nổi bật bản chất bất thường của hiện tượng biến đổi khí hậu hiện nay" – ông Raphael Neukom thuộc Đại học Bern ở Thụy Sĩ, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết. Theo ông Mark Maslin thuộc Đại học College London, những nghiên cứu này "cuối cùng cũng ngăn chặn những người hoài nghi về khí hậu, những người cho rằng sự nóng lên toàn cầu gần đây là một phần của chu kỳ khí hậu tự nhiên". Nắng nóng kỷ lục tại châu Âu Các kỷ lục mới về nhiệt độ đã tiếp tục được ghi nhận trong ngày 25/7 tại Bỉ, Hà Lan và Đức, song theo dự báo, điều tồi tệ nhất vẫn còn ở Tây Âu. Tối 25/7, Dịch vụ thời tiết Đức DWD thông báo trên Twitter: “Kỷ lục nhiệt độ mới ở Đức! 40,5°C, kỷ lục trước đó là 40,3°C (Kitzingen, ngày 5/7/2015) đối với toàn nước Đức đã bị đánh bại hôm nay tại Geilenkirchen”. Vào buổi chiều ở Hà Lan, nhiệt kế thủy ngân đã lên mức 38,8°C ở Gilze Rijen, phía Nam đất nước, và 39,2°C ở Eindhoven. Kỷ lục cuối cùng là vào năm 1944 với 38,6°C theo Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan. Tại Bỉ, nhiệt độ cũng đã đạt mức cao kỷ lục. Viện Khí tượng Hoàng gia Bỉ (MRI) cho biết mức nhiệt 39,9°C được đo ngày 25/7 tại căn cứ quân sự ở Kleine-Brogel, phía Đông Bắc. Đây là "nhiệt độ cao nhất kể từ khi bắt đầu quan sát vào năm 1833" – Trưởng MRI David Dehenauw khẳng định. Tại Pháp, mức độ cảnh báo nhiệt độ cao "màu da cam" trên phần lớn diện tích lãnh thổ nước này đã được nâng lên mức "màu đỏ" tại khu vực phía Bắc, bao gồm cả thủ đô Paris. Anh cũng tương tự như vậy khi cơ quan thời tiết Anh (Met Office) dự báo nắng nóng có thể lên mức kỷ lục mới trong tháng 7 này, 36,7°C, và thậm chí còn có khả năng đánh bại kỷ lục tuyệt đối là 38,5°C". Tại London, cảnh sát đang tìm kiếm 3 người mất tích sau khi tắm trên sông Thames. Luxembourg cũng thông báo đã áp dụng báo động đỏ do nắng nóng kéo dài. Italy cũng bị ảnh hưởng và nhà chức trách ngày 25/7 đã nâng mức cảnh báo 3 (báo động đỏ) tại 5 thành phố: Bolzano, Brescia, Florence, Perugia và Torino. Một nửa đất nước Thụy Sĩ cũng đang trong cảnh báo màu cam vì nắng nóng./. Theo dangcongsan |