Bớt rào cản – tăng niềm tin
Theộtnămphátquangràocảnhận định al nassro số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 11 tháng của năm 2017, cả nước có hơn 116.000 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 1.131 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% về số lượng và tăng 41,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016; đáng chú ý, cả nước có tới hơn 24.300 DN quay trở lại hoạt động. Các con số này đã cho thấy tinh thần lạc quan và niềm tin vào môi trường kinh doanh đã được tăng lên để các DN tích cực thành lập và quay trở lại hoạt động. Điều này có được là nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong việc chỉ đạo các bộ, ngành phải đưa ra nhiều giải pháp để hỗ trợ DN, tiến tới mục tiêu có ít nhất 1 triệu DN hoạt động đến năm 2020.
Hào hứng chia sẻ về những tác động tích cực của môi trường kinh doanh lên hoạt động của DN, ông Chu Đình Long, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Cát Lợi nói: Nếu như trước đây, DN muốn vay vốn ngân hàng phải qua nhiều thủ tục xét duyệt, thậm chí DN nhiều lần nhận được cái “lắc đầu” của các ngân hàng sau hàng tháng chờ đợi do DN nhỏ và vừa, tài sản thế chấp không lớn, thì nay với chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ về hỗ trợ DN, không những DN được tiếp cận nguồn vốn nhanh, chỉ mất 3-5 ngày mà còn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, lãi suất thấp. Đặc biệt, nhiều thủ tục hành chính được rút gọn, ứng dụng công nghệ giúp DN giảm được nhiều chi phí nhân công, đi lại và giảm hẳn chi phí “không chính thức”.
Chính vì nhận được sự ủng hộ từ DN, mà vào những tháng cuối năm 2017, các bộ, ngành dường như bước vào “cuộc đua” về cắt giảm điều kiện kinh doanh. “Phát súng” đầu tiên được nổ là tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương tại 16 ngành nghề đang rất được quan tâm như: Xăng dầu, khí hóa lỏng, hóa chất, rượu, logistics… Tiếp đó, hàng loạt bộ, ngành đưa ra con số cắt giảm với quyết tâm rất cao. Bộ Xây dựng dự tính bãi bỏ 41,3% điều kiện, đơn giản hóa 43,7% điều kiện đầu tư kinh doanh; Bộ Y tế đề xuất cắt giảm 8/50 điều kiện kinh doanh liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 36/263 điều kiện kinh doanh liên quan đến cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm…; Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất bãi bỏ 21 ngành nghề kinh doanh có điều kiện tại dự thảo Luật sửa đổi , bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Ngoài ra, các bộ, ngành đã và đang tiếp tục với “cuộc chiến” cắt giảm chi phí từ chính thức đến “không chính thức”. Tiêu biểu là Bộ Tài chính đã nhanh chóng, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để rà soát, thống nhất điều chỉnh giảm mức thu của 21 khoản phí và 2 khoản lệ phí ngay sau khi có những chỉ đạo của Chính phủ vào giữa năm 2017. Sau nhiều chỉ trích của giới DN XNK, Hiệp hội ngành hàng, Hải Phòng đã cắt giảm phí đối với hạ tầng cảng biển.
Từ những hoạt động và giải pháp nêu trên, nên mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, nhưng khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đưa ra kết quả đáng ngạc nhiên về con số 48% DN vẫn lạc quan khi có xu hướng mở rộng quy mô công khai. Do đó, tại Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam tiếp tục được tăng hạng về môi trường kinh doanh khi xếp hạng 68/190 nền kinh tế được đánh giá, tăng thêm 14 bậc so với năm 2017; với số điểm 67,93 trên thang 100. Cũng theo báo cáo này, Việt Nam và Indonesia là hai nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 15 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 39 cải cách. Hiện nay, doanh nhân tại TP.HCM chỉ mất 22 ngày và 6,5% thu nhập đầu người để đăng ký thành lập DN mới, so với 61 ngày và 31,9% vào năm 2003.
Phải làm vì cái ‘tâm” với DN để niềm tin luôn... tăng trưởng
Cách đây không lâu, một vị chuyên gia kinh tế có tiếng đã chia sẻ về chuyện có DN phải “khóc” trong các cuộc hội thảo, hội nghị góp ý với các bộ, ngành vì thủ tục quá nhiêu khê, sách nhiễu DN. Thậm chí vị này còn cho rằng, điều kiện, thủ tục, rào cản đã góp thêm một phần cho thất bại của DN, “một chữ các cơ quan quản lý viết ra có thể gây chi phí cả tỷ đồng cho DN, cho xã hội”. Vì thế, vấn đề là làm thế nào để phá đi những rào cản nhưng không để mọc lại, làm thế nào để cắt đi nhiều điều kiện kinh doanh nhưng không để phát sinh dưới hình thức khác gây ảnh hưởng đến DN. Điều đó có nghĩa là các cơ quan quản lý phải làm vì cái “tâm” với DN, để niềm tin của DN được tồn tại mãi.
Hoan nghênh chủ trương của Chính phủ trong việc quyết liệt cắt giảm các điều kiện kinh doanh với mục tiêu là cắt giảm một nửa các điều kiện trong 1-2 năm tới, đại diện cho cộng đồng DN Việt Nam, TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, nếu tất cả cùng hành động theo đúng mục tiêu thì sẽ “cởi trói”, tạo thuận lợi cho hoạt động DN; vì thế, việc này cần đưa vào các chiến lược, định hướng phát triển trọng tâm của các bộ, ngành thời gian tới. Thời gian qua, việc các bộ, ngành đưa ra những chỉ tiêu với sự định lượng cụ thể, thời hạn hoàn thành cụ thể đã tạo áp lực tốt cho thúc đẩy cải cách của các ngành, nên cần được phát huy.
Thực tế cho thấy, các DN vẫn gặp nhiều vướng mắc, rào cản trong quá trình sản xuất kinh doanh. Con số thống kê của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh ở đầu bài viết vẫn chưa nhắc đến số lượng DN giải thể, bởi đây không phải là con số khả quan, khi 11 tháng của năm 2017, số DN đăng ký tạm ngưng kinh doanh là hơn 20.820 DN, tăng 10,2%; số DN hoàn tất thủ tục giải thể là hơn 10.800 DN, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Nói rõ hơn về khó khăn của DN, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) cho hay, các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa có mức độ kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu thấp do gặp khó về khách hàng, thị trường. DN càng bé thì khả năng tiếp cận vốn càng thấp, trong khi DN càng lớn thì tần suất thanh kiểm tra càng nhiều, khiến DN không muốn lớn để tránh những rủi ro và tổn thất chi phí hoạt động. Đồng quan điểm, ông Trương Ngọc Toán, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần 22 cho biết, nhiều văn bản còn chồng chéo, thay đổi liên tục hoặc quy định mới ra nhưng phải rất lâu sau mới có văn bản hướng dẫn khiến DN và cả cán bộ hành chính không biết thực hiện theo phương án nào…
Có thể nói, năm 2017 là năm “phát quang” nhiều rào cản kinh doanh, đem lại “làm gió mới” cho việc mở rộng đầu tư, kinh doanh của DN. Đây là nỗ lực của cả 2 phía, khi DN đã biết cất lên tiếng nói của mình và các cơ quan nhà nước biết lắng nghe với tinh thần cầu thị. Dẫu rằng, con đường phía trước vẫn còn dài và nhiều khó khăn, thậm chí không ít chuyên gia vẫn lo ngại về hiệu quả và kết quả của việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, nhưng bằng quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành, cùng niềm tin và sự ủng hộ từ phía DN, môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện bền vững.