Thủ tục hành chính khá phức tạp. Đơn cử, chủ hộ được xem là người đại diện của hộ gia đình có thuê mướn, sử dụng LĐ là người giúp việc gia đình theo quy định của pháp luật. Điều này sẽ gặp một vài khó khăn khi thực tế ở nhiều gia đình có chủ hộ là cha, mẹ lớn tuổi. Người con trong gia đình mới là người quyết định chọn thuê người giúp việc, cũng như chi trả mức lương thỏa thuận. Ở trường hợp này, thông tư buộc chủ hộ phải làm giấy ủy quyền để người trong gia đình làm đại diện để ký kết hợp đồng LĐ với người giúp việc. Sau khi ký kết hợp đồng tối đa là 10 ngày, phía sử dụng LĐ phải gửi thông báo bằng văn bản tới UBND xã, phường, thị trấn nơi người LĐ làm việc về việc sử dụng LĐ giúp việc gia đình.
Trong nội dung hợp đồng LĐ, phải ghi thời điểm kết thúc hợp đồng; Số tiền lương, bao gồm cả chi phí ăn, chỗ ở của người LĐ (NLĐ) sống tại gia đình người sử dụng LĐ (nếu có), trong đó mức lương là số tiền trả cho NLĐ được tính theo tháng hoặc theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo giờ; Phụ cấp (nếu có) gồm loại phụ cấp, điều kiện hưởng phụ cấp, mức phụ cấp; Các khoản bổ sung khác (nếu có) gồm khoản, mức tương ứng, kỳ hạn trả (theo ngày hoặc theo tuần hoặc theo tháng); Điều kiện, thời gian điều chỉnh mức lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản bổ sung khác (nếu có); Hình thức trả lương bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, trường hợp chuyển khoản thì ghi rõ trách nhiệm của người sử dụng LĐ, NLĐ trong mở tài khoản ngân hàng, trả phí liên quan đến mở, duy trì tài khoản ngân hàng; Ghi thời điểm trả lương cố định trong ngày hoặc trong tuần hoặc trong tháng.
Đáng chú ý, bắt buộc người sử dụng LĐ phải trả tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người giúp việc nhà. Các khoản chi khác phải được thể hiện trong hợp đồng LĐ, có: Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng LĐ đúng thời hạn; Hỗ trợ học nghề, học văn hóa, gồm thời gian đi học (trong ngày hoặc trong tuần hoặc trong tháng), chi phí hỗ trợ, kỳ hỗ trợ (theo ngày, theo tuần hoặc theo tháng); hình thức hỗ trợ (bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản) cho NLĐ.
Người sử dụng LĐ có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng LĐ, bao gồm: Thời gian thử việc, thời gian làm việc tại hộ gia đình; thời gian được người sử dụng LĐ bố trí cho NLĐ học văn hóa, học nghề; thời gian nghỉ việc do ốm đau, thai sản, tai nạn LĐ; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của NLĐ; thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc, bị tạm giữ, tạm giam nhưng được trở lại làm việc do được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận không phạm tội; thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng LĐ đồng ý.
NLĐ làm việc ngoài thời gian ghi trong hợp đồng LĐ vào ngày thường được trả lương ít nhất bằng 150% tiền lương tính theo giờ làm việc; làm việc vào ngày nghỉ hàng tuần được trả lương ít nhất bằng 200% tiền lương tính theo ngày làm việc; làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương được trả lương ít nhất bằng 300% tiền lương tính theo ngày làm việc, chưa kể tiền lương của ngày lễ, tết có hưởng lương theo quy định của Bộ luật LĐ đối với NLĐ hưởng lương theo giờ, theo ngày, theo tuần. Thời giờ làm việc của NLĐ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi không được quá 8 giờ trong một ngày và 40 giờ trong một tuần.
Bộ máy hành chính địa phương cũng được thông tư yêu cầu bổ sung cán bộ chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý việc sử dụng LĐ là người giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý. Bao gồm, lập Sổ quản lý LĐ giúp việc gia đình với các nội dung chủ yếu quy định theo thông tư này; tiếp nhận, quản lý thông báo sử dụng LĐ giúp việc gia đình, thông báo chấm dứt hợp đồng LĐ với LĐ giúp việc gia đình của người sử dụng LĐ trên địa bàn thuộc quyền quản lý; kiểm tra tình hình thực hiện pháp luật về LĐ của người LĐ giúp việc gia đình và hộ gia đình có sử dụng LĐ giúp việc gia đình trên địa bàn thuộc quyền quản lý.