(CMO) Năm 1986, Đài Phát thanh - Truyền hình Cà Mau thực hiện phóng sự về phong trào làm lộ đất đỏ ở huyện Thới Bình. Hình ảnh cho cái kết của phóng sự này là Bí thư Huyện uỷ Tạ Thái Tôn cầm viên gạch đỏ tươi trên tay, mơ màng về những ngôi nhà mái ngói thấp thoáng dưới tán cây ăn trái. Hiện thực diễn ra sau này cho thấy, ông đã hình dung được tương lai của người nông dân huyện Thới Bình trước hàng chục năm. Không những vậy, nhà tường của nông dân nối tiếp nhau ở đồng năn Tràm Thẻ (xã Tân Phú), rạch Cái Sắn (xã Biển Bạch Đông), kênh Tám Ngàn (xã Trí Lực), kênh Công Nghiệp (xã Trí Phải)… đã biến các vùng đất hoang sơ này trông giống như những khu nghỉ dưỡng gần gũi nhất.Khi tôi hỏi đồng nghiệp ở Đài Truyền thanh huyện Thới Bình những xã đang làm tốt việc xây dựng NTM nâng cao, mấy anh đều khuyên: “Tới Trí Lực hay Trí Phải đi”. Vậy Biển Bạch Đông thì sao? Họ ngập ngừng: “Còn non non, nhưng nếu thích thì tới cũng được”. Dĩ nhiên là tôi thích rồi, vì tôi biết kỳ tích của xã NTM này. Liên hệ với Bí thư xã Nguyễn Hoàng Kiên, anh bố trí cho tôi xuống ấp cùng người đồng hành năng động và rất nhiệt tình, Bí thư Xã đoàn Nguyễn Văn Nguyễn. Những nhân tố không thể thiếu
Tôi và anh Nguyễn đang ở ngọn rạch Cái Sắn vào một sáng mưa dầm bởi ảnh hưởng từ cơn bão số 4. Nơi đây cách UBND huyện Thới Bình không xa về hướng Bắc. Con rạch này dài hơn 6 cây số, thông Kênh Kiểm (phía Đông - Bắc) với sông Trèm Trẹm (phía Tây). Vào đây tôi quen được 2 người, Bí thư Chi bộ ấp Cái Sắn Ngọn Huỳnh Thanh Khước (Ba Khước, người làm bí thư chi bộ 30 năm liền lạc, giờ vẫn còn làm) và lão nông Nguyễn Văn Nghĩa (Ba Nghĩa, người tự nhiên đâm mê cây kiểng khi phong trào xây dựng đời sống văn hoá lan tới ngọn rạch heo hút này vào năm 1998). Tuy cách trung tâm hành chính huyện Thới Bình không xa (chưa đầy 10 cây số), nhưng trong một thời gian rất dài kể từ khi có người đến ở, cả hàng trăm năm, con rạch Cái Sắn từ vàm đến ngọn dân cư rất thưa thớt, đất đai trũng phèn, ngập úng. Con rạch là lạch nước cạn xèo nhỏ bé, 2 bên dừa nước ken đặc, um tùm. Năm 1992, lần đầu tiên trong lịch sử có chiếc xáng cạp vào đây. “Đúng là sự kiện lịch sử của vùng đất này. Chỉ vài tháng sau, tất cả đổi thay y như chuyện cổ tích”, ông Ba Khước bồi hồi. Ông Ba Khước lúc đó đã là bí thư chi bộ nên đóng vai trò nổi bật ở sự kiện này, ông cùng các bô lão ở đây lập được kỳ công, qua 30 năm rồi nhưng vẫn còn nhiều người nhắc đến. Số là, ngày chiếc xáng vừa tới vàm rạch đã có ông Ba Khước cùng hàng chục lão nông khăn áo chỉnh tề chờ sẵn. Việc đầu tiên là họ bày cỗ bàn cúng kiếng để xáng khởi công; việc thứ hai là kỳ quyết bắt xáng phải chỉnh vàm rạch từ hướng Bắc về hướng Nam. Ông Ba Khước lý giải: “Vàm rạch Cái Sắn trước đây hướng về phía Bắc hứng nước ròng, theo các cụ đó là điềm không tốt. Sửa vàm rạch về hướng Nam, con rạch sẽ nhận được nước lớn từ biển Đông đổ vào. Đây là điềm lành trong phong thuỷ”. Lý giải của các cụ quá hợp lý. Tuy nhiên, đây là công trình Nhà nước đầu tư toàn bộ, hồ sơ khảo sát, thiết kế đã được nhiều cấp phê duyệt, thẩm định, muốn thay đổi đâu phải dễ, càng không thể làm trong một sớm một chiều, còn xáng thì hơi đâu đậu đó để chờ. Ông Ba Khước khoát tay: “Nói vậy thôi chớ mọi việc được giải quyết nhanh chóng. Chiếc xáng khởi công ngay trong ngày khi đích thân ông Ba Hỷ (Nguyễn Minh Hỷ, Giám đốc Xí nghiệp Xây dựng Thuỷ lợi huyện Thới Bình lúc bấy giờ - PV) vào đây”. Không biết có phải các cụ nói đúng không, nhưng khi chuyển hướng vàm rạch, cuộc sống người dân nơi đây lập tức khởi sắc: đi lại thông thương, đồng đất khô cằn vào mùa nắng, ngập úng khi mưa, chỉ để cầm trâu mướn, bỗng chốc trở thành cánh đồng 2 vụ lúa ngút ngàn. Rạch Cái Sắn chuyển mình, như con rồng ngủ quên bao đời chợt giật mình trở giấc. Tuy nhiên, con rạch thông dòng mới chỉ là điều kiện cần, bà con nơi đây chỉ mới “ăn ngon” chứ chưa “mặc đẹp”. Việc “mặc đẹp” chỉ thật sự khởi nguồn khi phong trào xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư lan tới nơi đây. Hậu thuẫn vững chắc của mọi phong trào Năm 1998, ông Ba Khước làm Bí thư Chi bộ ấp Cái Sắn Ngọn. Ấp 7, thị trấn Thới Bình (cách ngọn Cái Sắn chỉ vài cây số) được công nhận là ấp văn hoá đầu tiên của tỉnh Cà Mau làm ông hết sức nôn nao. Tuy nhiên, để được công nhận là ấp văn hoá, trước nhất là đường sá phải thông thương, mà phải là đường bê-tông lớn mới được. Trăn trở nhiều đêm, cuối cùng ông mạnh dạn ra xã đăng ký. Khởi đầu gian nan, nhưng vào năm 2000, ấp Cái Sắn Ngọn được UBND tỉnh công nhận là ấp văn hoá, đây là ấp văn hoá đầu tiên của xã Biển Bạch Đông. “Sở dĩ tôi liều đăng ký làm ấp Cái Sắn Ngọn trở thành ấp văn hoá bởi sau lưng có hậu thuẫn vững chắc từ nhiều lão nông, như ông này nè!”, chỉ ông Ba Nghĩa, ông Ba Khước cười cười. Ấp Cái Sắn Ngọn thời điểm 1998 rất rộng (gồm cả ấp Phước Hoà hiện nay), dân thì sống 2 bên rạch nhưng chỉ 1 bên có điều kiện làm được lộ bê-tông. Muốn đủ đất để làm lộ không cách nào khác phải đưa xáng vào vét lại con rạch. Ngặt nỗi lúc này hình thức xây dựng kiểu “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” còn rất lạ lẫm với người dân nơi đây, bởi những thói quen hình thành thời kế hoạch hoá đã hằn sâu, tạo tâm lý khó thay đổi trong dân, là ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước. Đâu phải chỉ bấy nhiêu, trong quá trình xây dựng đời sống văn hoá, thách thức lớn nhất chính là nhiều người dân không cảm thấy điều này là cần thiết. Đối với họ, làm thế nào đủ ăn, đủ mặc là cuộc sống lý tưởng của gia đình. Môi trường trong lành, cảnh quan xanh, đẹp, gì gì… là điều họ chưa bận tâm. “Nói chung, ở đâu cũng có những nhân tố tích cực, vấn đề là biết khơi mào đúng lúc, biết tập hợp những con người với niềm đam mê khác nhau nhìn về cùng hướng phục vụ lợi ích chung, là làm cách nào để làng quê ngày càng giàu đẹp”, ông Ba Khước chiêm nghiệm. Những con người khát khao với niềm đam mê mà ông Ba Khước nói là trường hợp những lão nông kiểu như ông Ba Nghĩa. Ông Ba Nghĩa đất ruộng nhiều, chuyện đồng áng đầu tắt mặt tối, hết ngày chớ đâu khi nào hết việc. Ấy vậy mà, ông là người đầu tiên của ngọn rạch Cái Sắn dành hẳn cả khu vườn rộng 5 công chăm chút trồng mai, tạo dáng cho hàng trăm loại cây kiểng khác nhau. “Mấy gốc mai này bao nhiêu năm hả, phong trào xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư được phát động bao nhiêu năm là tụi nó bao nhiêu tuổi đó”, ông cười khà khà khi thấy chúng tôi đặc biệt thích thú những gốc mai cổ thụ, dáng vẻ thanh tao, tràn trề sức sống. Thời tiết xấu của ngày mưa dầm như hôm nay vẫn không làm u ám khung cảnh nơi tôi đang đứng. 2 con đường bê-tông rộng thênh thang uốn lượn theo con kênh hiền hoà đẹp như bức tranh mặc dù nằm dưới đám mây thấp màu chì. Dãy hàng rào mai chiếu thuỷ, bông trang, cần thăng, chuỗi ngọc, nguyệt quế, bông giấy… nối tiếp nhau làm cho đường quê đa dạng sắc màu, vừa là rào chắn tự nhiên, vừa tạo điểm nhấn riêng cho biết tính cách của từng gia chủ./. Bài 2: DẤU ẤN ĐẤT ANH HÙNG Nguyễn Phú - Sĩ Tắc |