Công tác nâng cao chất lượng cán bộ quản lý (CBQL) ở các trường THCS thời gian qua được Phòng Giáo dục huyện U Minh đặc biệt quan tâm. Song, thực tế khi được đề bạt, bổ nhiệm, một số CBQL chưa được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học quản lý, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đòi hỏi cần sớm tìm giải pháp nhằm khắc phục cho bằng được bất cập này.
Công tác nâng cao chất lượng cán bộ quản lý (CBQL) ở các trường THCS thời gian qua được Phòng Giáo dục huyện U Minh đặc biệt quan tâm. Song, thực tế khi được đề bạt, bổ nhiệm, một số CBQL chưa được trang bị đầy đủ kiến thức khoa học quản lý, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Trước yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đòi hỏi cần sớm tìm giải pháp nhằm khắc phục cho bằng được bất cập này.
Cơ bản đạt chuẩn
Huyện U Minh hiện có 10 trường THCS, bình quân mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 trường THCS; số CBQL các trường THCS trong huyện là 26 người (trong đó nữ 3 người). Cho đến thời điểm hiện tại, CBQL các trường THCS trên địa bàn huyện U Minh cơ bản đáp ứng yêu cầu trình độ đại học (22 CBQL, đạt 81,61%). Song thực tế vẫn còn 4 CBQL, chiếm 18,31% chưa đạt chuẩn. Ðây là vấn đề cần được quan tâm xem xét, khắc phục trong thời gian tới.
Giáo dục truyền thống tại Bia tưởng niệm Sở Giáo dục Nam Bộ, Trường THCS Hoàng Xuân Nhị, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh. Ảnh: K.PHƯƠNG
Ðối với trình độ chính trị, tuy đạt chuẩn trung cấp theo quy định, nhưng đến nay chưa có CBQL nào đạt trình độ đại học hoặc cao cấp chính trị.
Công tác bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý cho CBQL các trường THCS huyện U Minh được Phòng Giáo dục U Minh và Sở GD&ÐT quan tâm. Tất cả 26 CBQL đều được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ CBQL, đạt 100%. Bên cạnh đó, số CBQL có trình độ B ngoại ngữ, tin học đều đạt 100%.
Thực tế trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của CBQL các trường THCS huyện U Minh về cơ bản có bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực ngày càng cao thì vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức. Ðó là tính chuyên nghiệp trong việc thực thi công vụ chưa cao. Khả năng tham mưu, xây dựng chính sách, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật và đặc biệt là trong việc ứng dụng triển khai các phương pháp quản lý giáo dục trong xu thế phát triển của thời đại vẫn bộc lộ những hạn chế. Cán bộ quản lý giáo dục ở các trường còn thiếu chủ động, khó khăn trong việc phát hiện, giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra từ cơ sở do kiến thức và kỹ năng quản lý giáo dục còn nhiều hạn chế.
Phần đông CBQL các trường THCS làm việc dựa vào kinh nghiệm cá nhân, ít vận dụng khoa học quản lý giáo dục như: công tác dự báo, xây dựng chiến lược, kế hoạch và quy trình hoạt động... vào thực tiễn quản lý nhà trường, quản lý cơ sở giáo dục. Kiến thức về pháp luật, về tổ chức bộ máy, về quản lý nhân sự, tài chính còn hạn chế, lúng túng trong thực thi trách nhiệm và thẩm quyền.
Chế độ báo cáo còn thiếu thường xuyên và thống nhất, số liệu thiếu độ tin cậy, có khi còn chạy theo thành tích mà không nhận thức đầy đủ tác hại sâu xa. Trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tin học còn nhiều hạn chế trong việc thu thập, xử lý thông tin trong, ngoài nước về giáo dục và những yếu tố tác động khác.
Nâng chất nguồn nhân lực
Từ thực trạng trên, thiết nghĩ cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất và năng lực của đội ngũ CBQL trên các lĩnh vực: đạo đức nhà giáo, trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực quản lý giáo dục và khả năng tự phát triển của CBQL, coi đó là cơ sở nền tảng, là yếu tố quyết định, tác động trực tiếp đến chất lượng giáo dục ở các trường THCS huyện U Minh.
Về nâng cao trình độ chuyên môn, cần tạo điều kiện và khuyến khích CBQL học tập trên chuẩn; xây dựng kế hoạch cử đi bồi dưỡng các lớp chuyên môn; tạo điều kiện để CBQL có năng lực tham gia nghiên cứu khoa học, viết sáng kiến kinh nghiệm; bồi dưỡng học sinh giỏi; cử tham gia bồi dưỡng thay sách, đổi mới phương pháp dạy học; góp ý nội dung, chương trình, phương pháp dạy học.
Ðẩy mạnh công tác tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, trình độ chuyên môn, sự hiểu biết về pháp luật cho CBQL (kể cả diện trong quy hoạch); hướng dẫn việc quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; phong trào thi đua; nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn của giáo viên; kiểm tra, đánh giá, đề xuất khen thưởng, kỷ luật đối với giáo viên; hướng dẫn CBQL lập hồ sơ lưu trữ thông tin quản lý tổ.
Tăng cường mở các khoá đào tạo về kỹ năng khai thác và tổ chức thông tin, chú trọng đến kiến thức nghiệp vụ, kiến thức quản lý và cả kiến thức chính trị, kiến thức kinh tế, ngoại ngữ, tin học. Phải đào tạo toàn diện, coi trọng tính hiệu quả. Các cơ quan quản lý giáo dục cần làm cho đội ngũ CBQL giáo dục nói chung, CBQL trường THCS nói riêng ý thức đầy đủ rằng: nếu không đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, năng lực thì không thể hoàn thành được nhiệm vụ trước những yêu cầu phát triển của sự nghiệp GD&ÐT.
Về nâng cao khả năng phản biện, tự phản biện, CBQL giáo dục cần phải như một chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn, một người điều phối, thiết kế chương trình đào tạo và nội dung môn học, người tư vấn cho học sinh cũng như kiểm tra đánh giá hiệu quả giảng dạy, có hiểu biết tường tận những quy luật nhận thức diễn ra trong quá trình học tập của học sinh. Trong vai trò tư vấn và “đồng hành”, CBQL giáo dục phải nỗ lực để xác định “tầm nhìn”, phải gắng tạo nên tập thể sư phạm có tinh thần đồng đội và yêu cầu đánh giá đồng nghiệp một cách công bằng, chính xác.
Về nâng cao phẩm chất chính trị, tập trung nghiên cứu, quán triệt, học tập các nghị quyết của Ðảng, chỉ thị, các văn bản của Chính phủ, Bộ GD&ÐT để cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch công tác phù hợp. Nhất là xây dựng kế hoạch bồi dưỡng nhận thức, hiểu biết của đội ngũ CBQL; tìm hiểu và khảo sát năng lực của đội ngũ CBQL xác định nhu cầu nội dung bồi dưỡng.
Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị cho CBQL các trường THCS đạt chuẩn theo quy định. Về lâu dài, cần đào tạo nâng cao trình độ cao cấp chính trị cho CBQL./.