Người lao động phấn khởi... Là một trong những lao động của Công ty Cổ phần đầu tư Kiến trúc đô thị Hà Nội thuộc diện được nhận tiền hỗ trợ về chính sách thuê nhà trọ đợt 1 vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua, chị Trần Thị Phương chia sẻ, gia đình chị đã phải đi thuê nhà trọ gần 10 năm nay. Số tiền hỗ trợ của tháng 4 chị nhận là 500.000 nghìn đồng. Tuy là không lớn, nhưng giúp gia đình chị có thêm một khoản bù đắp chi phí thuê nhà khá lớn. Chị Đinh Thị Mai Trang, công nhân Công ty CP Công nghiệp thương mại Sông Đà Một cho biết, mức 500.000 đồng/tháng hỗ trợ tiền thuê nhà là không nhiều nhưng đối với nhiều công nhân lao động thì đó là 2 - 3 ngày lương làm việc, là khoản lớn. Nhất là những người quê xa đến Hà Nội lập nghiệp có thu nhập không cao, trong khi hàng tháng phải trả tiền thuê phòng, chi phí sinh hoạt, gửi tiền về quê hỗ trợ bố mẹ. “Tôi quê ở Hòa Bình, đã làm việc ở công ty này 12 năm và 12 năm sống cảnh nhà trọ. Lương công nhân may bao bì được 7 – 8 triệu đồng/tháng, cộng với chồng làm bộ phận bốc xếp hàng thu nhập cao hơn một chút, chỉ đủ chi tiêu hàng ngày, chữa bệnh và biếu bố mẹ nên không tiết kiệm được đồng nào. Tôi rất vui khi cả hai vợ chồng đều được hỗ trợ tiền thuê nhà, cộng thành 1.000.000 đồng/tháng, đủ trả nửa tháng trọ”, chị Trang xúc động chia sẻ. Để tiền hỗ trợ tiền thuê nhà đến tay người lao động sớm nhất có thể, nhiều doanh nghiệp cho biết đã đứng ra lo toàn bộ hồ sơ cho người lao động. Đơn cử như tại Công ty TNHH Shyang Hung Cheng, bộ phận nhân sự đã phối hợp với Công đoàn cơ sở thường xuyên đôn đốc địa phương sớm giải ngân tiền cho người lao động. Ông Nguyễn Thanh Tuyền, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Shyang Hung Cheng cho biết, thay vì để người lao động tự đi làm giấy tờ, doanh nghiệp chủ động làm cho họ, dựa vào thông tin trong hồ sơ xin việc trước đó, làm xong đưa xuống xưởng và người lao động chỉ việc ký tên vào là được. Với trường hợp người lao động có thay đổi thông tin Công đoàn sẽ chủ động giúp họ làm lại. Đến nay, hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ thuê nhà trọ của người lao động tại công ty đã làm xong, chỉ chờ địa phương chuyển tiền. ... nhưng Thủ tục còn chậm Theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg, dự kiến trên cả nước sẽ có 3,4 triệu lao động được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà để vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai chính sách này vẫn còn khá chậm. Thông tin tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 4/6 của Văn phòng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, tính đến ngày 3/6 đã có 19 tỉnh, thành phố nhận được hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà của doanh nghiệp. Tổng số đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị từ 2.007 doanh nghiệp với 46.461 lao động, hỗ trợ 33,2 tỷ đồng. Số hồ sơ đã thẩm định phê duyệt là 319 doanh nghiệp với 21.361 lao động, số tiền đã quyết định phê duyệt là 25,4 tỷ đồng. Hồ sơ đã giải ngân là 100 doanh nghiệp với 6.297 lao động, số tiền 3,1 tỷ đồng. Chia sẻ một số nguyên nhân chậm triển khai chương trình này, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, do cán bộ địa phương gặp lúng túng trong hướng dẫn doanh nghiệp; một số nơi chưa bố trí kịp nguồn, chờ kinh phí ngân sách Trung ương phân bổ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp e ngại người lao động trục lợi, nên tự ý phát sinh quy định, đòi người lao động cung cấp giấy tạm trú, hợp đồng thuê nhà, làm chậm tiến độ phê duyệt hồ sơ. Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp chưa chủ động, có số lao động lớn. Vì Quyết định 08 có quy định gộp 2, 3 tháng, do đó nhiều doanh nghiệp với số lao động đông có tâm lý chờ 2, 3 tháng mới làm hồ sơ cho người lao động. Vì vậy, UBND cấp huyện nhận được rất ít hồ sơ và đang chờ các doanh nghiệp gửi hồ sơ tới. TPHCM là địa phương có số người thuộc diện hỗ trợ nhiều nhất nước với gần 1,2 triệu người lao động, kinh phí dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội TPHCM, tính đến đến ngày 6/6/2022, có 5.324 doanh nghiệp với 85.495 lao động nộp hồ sơ hợp lệ và được cơ quan Bảo hiểm xã hội TPHCM xác nhận. Hiện chưa có người lao động nào nhận được tiền hỗ trợ. Tại Bình Dương, theo Quyết định số 08 sẽ có 820.000 lao động trên địa bàn tỉnh được hưởng tiền hỗ trợ thuê nhà với tổng số tiền khoảng 1.380 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương mới tiếp nhận hồ sơ của 430 doanh nghiệp với gần 10.200 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và hơn 350 lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Về hỗ trợ lao động quay lại thị trường lao động, mới có 7 lao động có tham gia bảo hiểm xã hội, nộp hồ sơ. Ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương cho biết, nguyên nhân ít hồ sơ đề nghị nhận hỗ trợ là do các doanh nghiệp đang hướng dẫn người lao động kê khai theo mẫu, tuy nhiên việc thu lại nộp còn chậm. Việc rà soát đối tượng lao động làm lâu năm hay lao động mới quay lại thị trường lao động để đủ điều kiện nhận hỗ trợ theo quyết định còn nhiều bất cập. Ngoài ra, việc xác nhận tình trạng tham gia bảo hiểm bắt buộc của người lao động còn nhiều vướng mắc. Hiện đơn vị đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nắm tình hình thực hiện ở các địa phương để kịp thời tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. |