(CMO) Theo kết quả khảo sát thực tế trên toàn tuyến đê Biển Tây, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: “Hiện toàn tuyến đê biển Tây có 6 đoạn sạt lở, sụt lún rất nghiêm trọng với tổng chiều dài 4.995m, trong đó sạt lở 3.325m, sụt lún 1.670m. Các đoạn sạt lở nói trên nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê và có thể vỡ đê trong mùa mưa bão, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân”.
Cụ thể, 6 đoạn đê đang bị sạt lở, sụt lún rất nghiêm trọng, gồm: Đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa, thuộc địa bàn huyện U Minh với chiều dài sạt lở 610m, đai rừng còn rất mỏng, một số đoạn không còn đai rừng, bên ngoài đã có kè bằng công nghệ kè ly tâm, diễn biến sạt lở rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đê biển, có khả năng gây vỡ đê (nguyên nhân là do các kè bên ngoài chưa hoàn thiện công đoạn đổ đá vào thân kè vì tình hình thời tiết xấu làm chậm tiến độ thi công, nên sóng biển vẫn tiếp tục ảnh hưởng gây sạt lở).
Khe lún chạy dọc trên đường đê Biển Tây, đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa, thuộc địa bàn huyện U Minh với chiều dài sụt lún 1.670m. Nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nước mưa thẩm thấu vào thân đê, có nguy cơ gây mất ổn định thân đê, thậm chí gây vỡ đê..
Đặc biệt, nghiêm trọng hơn đoạn bờ Nam và bờ Bắc Kênh Mới và đoạn từ Đá Bạc đến Sào Lưới thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời với tổng chiều dài sạt lở 500m không còn đai rừng, bên ngoài đã có kè bảo vệ bằng công nghệ kè bê tông cốt phi kim phá sóng, đê trụ rỗng tình hình sạt lở vẫn đang diễn ra rất nguy hiểm. Nguyên nhân do trước đây công trình kè được thực hiện trong các tình huống cấp bách, đồng thời thử nghiệm các công nghệ kè mới, qua thời gian, các công trình này chưa mang lại hiệu quả nên phía trong đê tiếp tục bị sạt lở, đe dọa trực tiếp và gây nguy cơ vỡ đê biển Tây bất cứ lúc nào. Riêng đoạn từ Đá Bạc dài 2000m đến Sào Lưới đã sạt lở đến chân đê, diễn biến sạt lở rất nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến đê biển, có khả năng gây vỡ đê (nguyên nhân là do các kè bên ngoài chưa hoàn thiện công đoạn đổ đá vào thân kè vì tình hình thời tiết xấu làm chậm tiến độ thi công, nên sóng biển vẫn tiếp tục ảnh hưởng gây sạt lở).
Đoạn từ Ba Tỉnh đến T25, thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời với chiều dài sạt lở 1.900m, đai rừng chỉ còn khoảng 12- 25m, bên ngoài chưa có kè bảo vệ, diễn biến sạt lở rất nguy hiểm, nếu không có giải pháp công trình bảo vệ bờ biển thì chỉ trong một thời gian ngắn, sóng biển sẽ phá hủy đai rừng vốn còn lại rất mỏng và lúc đó sẽ tác động trực tiếp đến thân đê làm vỡ đê biển Tây.
Cùng với con người, các phương tiện cơ giới và vật tư cũng được tập kết tại chỗ.
Không chỉ sạt lở, các khe lún chạy dọc trên đường đê biển tây, đoạn từ Hương Mai đến Tiểu Dừa, thuộc địa bàn huyện U Minh với chiều dài sụt lún 1.670m. Ảnh hưởng rất lớn đến giao thông đường bộ của người dân trong vùng, rất dễ xảy ra tai nạn, mặt khác nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nước mưa thẩm thấu vào thân đê, có nguy cơ gây mất ổn định thân đê, thậm chí gây vỡ đê.
Ông Tô Quốc Nam, Phó giám Đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết; các đoạn sạt lở nói trên nếu không được xử lý kịp thời sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thân đê và có thể vỡ đê trong mùa mưa bão, gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt là phá vỡ hệ sinh thái vùng ngọt, về lâu dài có thể dẫn đến phá vỡ quy hoạch sản xuất. Nghiêm trọng hơn, là các đoạn đê không còn đai rừng phòng hộ dẫn đến nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào, ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 26.100 hộ dân sinh sống ven biển và khoảng 128.900 ha đất sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp trong vùng.
Lực lượng hộ đê luôn trong tình trạng sẵn sàng để gia cố thân đê biển Tây mọi lúc
Cũng theo ông Nam,Theo dự báo từ nay đến cuối năm vẫn còn từ 08 – 10 cơn bão, ATNĐ, trong đó 04 – 05 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta và có từ 01 – 02 cơn bão, ATNĐ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền và vùng biển Nam Bộ trong các tháng 11 – 12/2020 và tháng 01/2020.Đặc biệt là trong mùa mưa bão có những đợt nước dâng kèm sóng lớn, rất nguy hiểm cho những đoạn không còn đai rừng phòng hộ bảo vệ.