Vĩnh Phúc lập kỷ lục mới trong thu ngân sách nhà nước Vĩnh Phúc sẵn sàng đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về nguồn cung ứng điện Vĩnh Phúc: Tích cực tháo gỡ vướng mắc để khởi công dự án KCN Sông Lô 1 đầu năm 2024 |
| 11 tháng năm 2024 Vĩnh Phúc thu hút được 493,06 triệu USD vốn FDI. Ảnh: Internet |
Khu vực FDI luôn là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Theo Báo cáo của Ban Quản lý các KCN Vĩnh Phúc, 11 tháng đầu năm 2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 29 dự án FDI mới và 38 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 493,06 triệu USD. Trong đó, dự án cấp mới đạt 188,43 triệu USD và dự án tăng vốn đạt 304,63 triệu USD). Kết quả này bằng 89% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 141% kế hoạch năm 2024. Dự kiến, trong tháng 12/2024, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 2-3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 10-15 triệu USD. Khu vực FDI luôn là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu ngân sách và nâng cao đời sống người dân. Hằng năm, khu vực này đóng góp trên 65% cho tổng thu ngân sách Nhà nước và từ 56 - 70% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Theo Sở KH&ĐT, có được kết quả trên là do Vĩnh Phúc đã thay đổi cách thức, giải pháp thu hút đầu tư và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách và triển khai các đề án cụ thể trong suốt những năm qua. Cụ thể như: Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2013 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh; Đề án hỗ trợ kết nối, liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp của tỉnh với các doanh nghiệp FDI từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; Đề án thu hút nhà đầu tư chiến lược tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030... Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đầu tư, phát triển hạ tầng các khu công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng bộ; tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu nguồn lao động chất lượng cao của các nhà đầu tư. Đến năm 2030 thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn FDI Theo đánh giá của Sở KH&ĐT, việc thay đổi cách thức, giải pháp thu hút đầu tư và phương thức tiếp cận đối tác đầu tư, đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành nhiệm vụ thu hút đầu tư của cả nhiệm kỳ 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 với tổng vốn FDI là 2,5 tỷ USD. Trong thời gian qua, phần lớn các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc là các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược đứng đầu các chuỗi cung ứng như ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, có các đề xuất hỗ trợ, hợp tác về năng lượng, cam kết Net zero, đầu tư sản xuất xanh. Đó là những tên tuổi lớn như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Tập đoàn Samsung Việt Nam, Công ty cổ phần T&Y SuperPort, Tập đoàn Sojitz, Tập đoàn Sumitomo, Tập đoàn Amanta… mở ra nhiều cơ hội việc làm và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút thêm từ 2 - 2,5 tỷ USD vốn đầu tư từ khu vực FDI; thu hút từ 1 - 5 tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới… Để đạt được mục tiêu thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược,UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung hoàn thiện các quy hoạch theo Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhất là quy hoạch xây dựng và quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp nhằm giúp tối ưu hóa sử dụng đất đai, tài nguyên, tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư - yếu tố then chốt để phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng chính sách ưu đãi cho các dự án FDI theo hướng vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của Nhà nước… Theo đó, xem xét, thực hiện việc hỗ trợ giá thuê hạ tầng đối với nhà đầu tư thứ cấp đầu tư vào các khu công nghiệp được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách thuộc phạm vi quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh. Đồng thời, thành lập các quỹ xúc tiến đầu tư, các chính sách liên vùng; tăng cường các hoạt động trao đổi, hợp tác với các bộ, ngành, Đại sứ quán, tham tán, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các tổ chức Jica, Jetro, KCCI, Kotra…; thường xuyên tiếp xúc với nhà đầu tư để giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Quan trọng hơn, tỉnh tiếp tục cải cách hành chính, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động, đầu tư kinh doanh, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo sự uy tín của tỉnh đối với doanh nghiệp trong việc mở rộng, tái đầu tư. Một giải pháp được tỉnh hết sức quan tâm là thúc đẩy phát triển của ngành công nghiệp logistics và dịch vụ hỗ trợ logistics; phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, lao động, nhà ở chất lượng cao cho chuyên gia… Với những giải pháp nhằm tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn, níu chân, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, Vĩnh Phúc đã sẵn sàng để đón làn sóng FDI mới trong thời gian tới. |