Tín hiệu lạc quan
Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội là một trong nhiều đơn vị đã triển khai khá thành công mô hình phòng khám bác sỹ gia đình (BSGĐ). Theo lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn, cơ sở đã triển khai thành công mô hình BSGĐ tại 26 trạm y tế xã và bốn phòng khám đa khoa. Hơn 324.000 người đã được lập phiếu quản lý; 97,5% dân số được vào phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân. Số lượt khám tăng hơn gấp đôi, từ khoảng 205 nghìn người vào năm 2013 lên tới gần 530 nghìn người vào năm 2017. Tỷ lệ chuyển tuyến cũng giảm từ 18,4% năm 2014 xuống còn 7,6% vào năm 2017.
“Sóc Sơn đã lập bệnh án quản lý liên tục cho hơn 38 nghìn người mắc bệnh mãn tính. Đã thực hiện chuyển tuyến y học gia đình cho một số trường hợp bệnh nhân có nhu cầu lên một số bệnh viện chuyên khoa”, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Sóc Sơn thông tin.
Ngoài Sóc Sơn, Phòng khám Đa khoa Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cũng là điểm sáng trong việc phát triển mô hình BSGĐ. Theo tìm hiểu phóng viên được biết, hiện Phòng khám có 37 cán bộ y tế, trong đó có 2 bác sỹ được cấp chứng chỉ hành nghề y học gia đình. Vì là hoạt động lồng ghép với chuyên môn nên ở đây có đầy đủ các chuyên khoa nội, sản, nhi, mắt, tai mũi họng… với đầy đủ máy móc thiết bị cận lâm sàng, nội soi tai mũi họng, siêu âm đầu dò, siêu âm… Hiện phòng khám có 1.384 danh mục kỹ thuật, trong đó 63 danh mục kỹ thuật vượt tuyến, được công bố là đơn vị đủ điều kiện khám sức khỏe và khám sức khỏe lái xe.
Theo lời bà Phạm Thị Hân, phường Dịch Vọng Hậu quận Cầu Giấy, bà bị huyết áp cao, tiểu đường đã 7 năm, trước đây mỗi lần đi khám và điều trị theo hẹn phải đến bệnh viện vừa đông, vừa đợi chờ lâu khiến cho bà rất mệt mỏi. Tuy nhiên, từ năm 2015, bà chuyển về khám và điều trị tại Phòng khám Đa khoa Yên Hòa và được các nhân viên y tế tại đây tư vấn tham gia vào quản lý sức khỏe theo mô hình phòng khám BSGĐ, bà đã đồng ý và theo từ đó đến nay.
"Từ khi về khám chữa bệnh theo mô hình này, bà được các bác sỹ quản lý hồ sơ và theo dõi sức khỏe rất sát sao, được nghe giải thích cặn kẽ về cách sử dụng thuốc, được hỏi đáp các thắc mắc và đặc biệt không phải chờ đợi lâu, tôi cảm thấy rất hài lòng và thoải mái", bà Hân hào hứng kể.
Chưa có chính sách riêng
Nói về quy trình vận hành của phòng khám theo mô hình BSGĐ, bác sỹ Nguyễn Hải Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Cầu Giấy cho biết, khi thực hiện thí điểm mô hình phòng khám BSGĐ, phòng khám gặp không ít khó khăn vì là cơ sở đầu tiên triển khai thí điểm mô hình này nên các tài liệu truyền thông về y học gia đình hầu hết không có, do đó người dân chưa hiểu đầy đủ về mô hình này. Vì chưa hiểu nên nhiều bệnh nhân không muốn tham gia mô hình, mặc dù đã được cán bộ y tế giải thích rất nhiều lần.
Một khó khăn nữa theo bác sỹ Yến là hiện chưa có cơ chế chính sách riêng cho BSGĐ và phòng khám BSGĐ vẫn thực hiện khám chữa bệnh theo hình thức chung của khám chữa bệnh BHYT. Do đó, với những bệnh nhân có thẻ BHYT ở tuyến trên khi muốn quay về đây khám chữa bệnh BHYT và quản lý sức khỏe theo mô hình BSGĐ thì không được thanh toán…
“Thêm một khó khăn nữa là sự kết nối tiếp nhận giữa hệ thống chuyển tuyến của BSGĐ cũng chưa có. Đó là khi một bệnh nhân thuộc diện quản lý của phòng khám BSGĐ có vấn đề sức khỏe phải chuyển tuyến điều trị. Tuy nhiên, phía bác sỹ phòng khám BSGĐ không nhận được phản hồi của tuyến trên về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, do đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình quản lý hồ sơ thường xuyên theo hướng toàn diện, liên tục. Cùng với đó là hiện nay chưa ban hành được danh mục kỹ thuật với y học gia đình...”, bác sỹ Yến nói.
Trên bình diện chung, ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh nhận định, hiện nay một số địa phương triển khai mô hình BSGĐ còn mang tính hình thức. Không chỉ người dân mà ngay cả nhân viên y tế cũng cho rằng, BSGĐ là bác sỹ đến khám tại nhà.
Chưa kể, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cũng thừa nhận, hiện vẫn còn nhiều khó khăn khi thực hiện mô hình này tại các địa phương. Theo đó, tại các phòng khám BSGĐ hầu hết chỉ có trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh thông thường như ống nghe, nhiệt kế, đèn pin, búa phản xạ... Bên cạnh đó, số thuốc còn hạn chế, đặc biệt tại trạm y tế thiếu số lượng và chủng loại thuốc theo danh mục, thậm chí không đủ khám chữa bệnh thông thường.
Do vậy, để dần khắc phục những hạn chế nêu trên, lãnh đạo nhiều sở y tế đang thực hiện thí điểm mô hình BSGĐ kiến nghị Bộ Y tế yêu cầu sớm hoàn thiện hệ thống phần mềm thông tin tại các phòng khám BSGĐ; liên thông phần mềm BSGĐ và phần mềm quản lý bệnh viện, giúp thuận lợi trong chuyển tuyến hai chiều giữa phòng khám BSGĐ và bệnh viện; tổ chức làm xét nghiệm tập trung, trả kết quả qua email để tránh tình trạng lãng phí máy móc và nhân lực tại các trạm; tiếp tục tăng cường truyền thông đến người dân về ý nghĩa của mô hình BSGĐ.
Từ năm 2013 đến nay đã có 8 tỉnh, thành phố triển khai mô hình BSGĐ với với hơn 300 cơ sở khám, chữa bệnh bằng y học gia đình. 100% các đơn vị triển khai mô hình BSGĐ được bố trí riêng một phòng khám BSGĐ; 90% lồng ghép vào phòng khám chung của trạm y tế; 10% số trạm y tế có phòng khám BSGĐ riêng biệt. |