【ltd bd bundesliga】Băn khoăn vì "xử phạt đèn vàng" theo Nghị định 46/2016/NĐ
Từ ngày 1-8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực. Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP, có 115 hành vi, nhóm hành vi tăng mức xử phạt so với các văn bản cũ. Một trong những nội dung được bổ sung, sửa đổi là hành vi vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ. Điều này đã gây nên những ý kiến trái chiều.
Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông chấp hành đúng luật
* Ông ĐỖ VĂN BA (tài xế, ngụ phường Chánh Mỹ, TP.Thủ Dầu Một):
Mức phạt vi phạm lỗi đèn vàng khá nặng!
Với Nghị định 46/2016/NĐ- CP, từ khi được báo chí cập nhật, tôi đã nghiên cứu rất kỹ. Trong những nội dung được đề cập trong nghị định, tôi quan tâm đến mức phạt tiền đối với các nhóm hành vi như vi phạm về nồng độ cồn, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu, đi xe ô tô ngược chiều trên cao tốc… Riêng với mức xử phạt vi phạm vượt đèn vàng, tôi đồng thuận vì quy định được thay đổi nhằm bảo đảm tình hình trật tự giao thông cũng như tránh tình trạng có đèn vàng báo hiệu vẫn cố tình vượt.
Tuy nhiên, về mức xử phạt hành chính vi phạm lỗi đèn vàng tương đương với mức xử phạt lỗi vượt đèn đỏ thì tôi thấy hơi nặng. Vì đèn vàng quá nhanh nên đôi khi chúng ta cũng khó tránh khỏi vi phạm. Khi đèn xanh vừa tắt, đèn vàng hiện ra rất nhanh, tâm lý người đi đường ai cũng muốn chạy nhanh để né đèn đỏ nên rất dễ vi phạm. Nếu thấy đèn vàng bật sáng, đi tiếp thì bị phạt mà dừng lại thì bị xe sau tông vào. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cũng nên căn cứ vào từng trường hợp, từng mức độ vi phạm để xử lý cho phù hợp.
* Chị NGUYỄN THỊ LOAN, phường Phú Thọ, TP.Thủ Dầu Một:
Dừng đèn vàng chỉ sợ bị xe sau tông!
Hàng ngày, tôi đều chạy xe máy đi làm, đưa rước con đi học, đi chợ... nên di chuyển rất nhiều trong nội ô TP.TDM, đặc biệt qua lại nhiều ở các ngã ba, ngã tư. Theo tôi, nếu vượt đèn vàng mà bị xử phạt như vượt đèn đỏ thì gây khó cho người đi đường. Thực tế, khi tham gia giao thông, đến ngã tư, thấy đèn vàng tôi thường đi chậm lại. Nếu dừng đèn vàng lỡ xe sau húc vào thì càng nguy hiểm. Không phải ai cũng tuân thủ luật giao thông nên xe trước dừng, xe sau ùn tới là chuyện bình thường.
Tôi đã thấy rất nhiều vụ tai nạn thương tâm khi xe trước dừng chờ đèn đỏ bị xe sau tông vào, nay dừng đèn vàng thì càng nguy hiểm hơn. Chưa kể, theo tôi hiện nay các trục đèn xanh, đèn đỏ ở Bình Dương không đồng bộ, đèn vàng nơi có nơi không, nơi hoạt động, nơi không hoạt động, nơi có đồng hồ đếm ngược, nơi không thì làm sao chúng tôi quan sát được để mà chấp hành luật? Tuy vậy, khi đã được báo chí cung cấp về quy định mới, chúng tôi sẽ cố gắng tuân thủ đúng luật để tránh bị xử phạt.
* Ông ĐỒNG THANH BÌNH, người dân xã Tân Thành, huyện Bắc Tân Uyên:
Phụ thuộc nhiều vào ý thức người tham gia giao thông!
Là một người thường xuyên lái xe, khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP ra đời, tôi rất quan tâm. Tôi hoàn toàn ủng hộ những nội dung của nghị định, thậm chí là những nội dung mới vừa được bổ sung, sửa đổi có hình thức xử phạt hành chính nặng hơn mức phạt cũ. Với quy định phạt lỗi vượt đèn vàng như đèn đỏ, tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi đã nghe nhiều người bày tỏ bức xúc với quy định này, tuy nhiên cá nhân tôi thì cho rằng mức xử phạt này hoàn toàn hợp lý.
Theo tôi, việc đưa vào sử dụng đèn vàng trong hệ thống tín hiệu giao thông với số thời gian ngắn vài giây là đã được nghiên cứu và ứng dụng trên toàn thế giới. Khi thấy đèn vàng bật sáng từ xa, bản thân tôi luôn chủ động rà thắng xe và giảm tốc độ, đến khi đèn đỏ sáng thì dừng xe lại. Chính tôi nhiều lần dừng đèn vàng cũng bị xe đi từ phía sau húc vào nhưng tôi vẫn chấp hành quy định. Tôi nghĩ vấn đề này phụ thuộc nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông.
Trung tá LƯƠNG VĂN THANH, Phó Đội trưởng Đội Điều tra giải quyết tai nạn giao thông, tuyên truyền và xử lý vi phạm, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh:
Nghị định 46/2016/NĐ-CP gộp chung 2 hành vi vi phạm thành một hành vi vi phạm
Trước khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1-8-2016, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đã chủ động tham mưu Giám đốc Công an tỉnh, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn NĐ 46/2016/NĐ- CP ngày 26-5-2016 Nghị định Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt cho các lực lượng thực thi pháp luật về ATGT nói chung và lực lượng CSGT trong toàn tỉnh nói riêng nhằm nắm vững tinh thần quy định của NĐ 46 để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, Phòng CSGT đã chỉ đạo và phối hợp cùng lực lượng CSGT công an các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền và công tác tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, nhất là tập trung các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây mất trật tự ATGT dễ dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
NĐ 46/2016/NĐ-CP Quy định gộp chung 2 hành vi vi phạm được quy định tại NĐ171/CP “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” và hành vi vi phạm “khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng” của người điều khiển xe ô tô, xe mô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng lại thành một hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Theo tôi nghĩ hành vi (không chấp hành tín hiệu khi đèn vàng, hay khi đèn đỏ) đều là hành vi nguy hiểm dễ dẫn đến TNGT và gây ùn tắc giao thông, Do vậy, NĐ 46/2016/NĐ-CP, quy định gộp chung 2 hành vi vi phạm trên thành một hành vi “không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông” là đúng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Qua đúc kết từ thực tiễn, có thể nói rằng Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu và dễ thực hiện hơn so với nghị định trước đây. Ngoài ra Nghị định mới đã bổ sung nhiều hành vi vi phạm mà NĐ hiện hành không quy định. NĐ 46 đã tập trung tăng nặng xử phạt đối với người điều khiển phương tiện và chủ phương tiện với một số nhóm hành vi và hành vi vi phạm là nguyên nhân gây mất trật tự ATGT dễ dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, nhằm tăng cường tính răn đe và tính khả thi khi triển khai tổ chức thực hiện, để bảo đảm trật tự ATGT trong tình hình hiện nay. Qua hơn 10 ngày triển khai tổ chức và thực hiện Nghị Định 46/2016/NĐ-CP, lực lượng CSGT Công an tỉnh đã tăng cường công tác tuần tra kiểm soát và xử lý nghiêm theo tinh thần quy định NĐ/46 của Chính phủ. Trong quá trình xử lý vi phạm theo quy định của 46/2016/ NĐ-CP từ ngày 1-8 đến nay chưa có trường hợp nào người dân khiếu nại hay thắc mắc.
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định Tín hiệu đèn giao thông có ba màu, quy định như sau:
Tín hiệu xanh là được đi;
Tín hiệu đỏ là cấm đi;
Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp; trong trường hợp tín hiệu vàng nhấp nháy là được đi nhưng phải giảm tốc độ, chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ qua đường. Như vậy, người điều khiển phương tiện không chấp hành quy định trên là vi phạm Luật Giao thông đường bộ với hành vi vi phạm là không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông.
Trong thời gian qua, công tác tuyên truyền luôn được Giám đốc Công an tỉnh luôn chú trọng quan tâm và chỉ đạo sâu sát, được các cơ quan chức năng, ban ngành, đoàn thể quan tâm và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phối hợp thực hiện. Phòng CSGT đã chủ động tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện, đồng thời Phòng CSGT đã chỉ đạo và phối hợp cùng lực lượng CSGT công an các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật ATGT nói chung và nội dung Nghị định 46/2016/NĐ-CP nói riêng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các buổi tuyên truyền miệng kết hợp cho ký cam kết không vi phạm luật giao thông đối với lái xe, chủ xe, các chủ công ty, doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh vận tải đóng trên địa bàn tỉnh, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện văn hóa giao thông của người dân. Đây là biện pháp lâu dài để bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
标签:
责任编辑:La liga