Vụ cô giáo "tác động vật lý": Những tổn thương tâm hồn khó chữa lànhHạnh Linh(Dân trí) - Theo chuyên gia tâm lý, hành vi của nữ giáo viên đánh học sinh ở thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa là bạo lực học đường, gây ảnh hưởng đến tâm lý, tổn thương tâm hồn con trẻ.Ngày 20/10, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang làm rõ vụ việc cô V.T.T., giáo viên Trường Tiểu học Ba Đình, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa "tác động vật lý" khiến học sinh N. bị sứt tai, bầm lưng. Trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Phạm Thị Thu Hòa, Thạc sĩ Tâm lý học, khoa Tâm lý giáo dục, Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), cho biết qua theo dõi vụ việc, bà nhận định hành động của cô giáo T. đối với học sinh là bạo lực học đường. Theo bà Hòa, bạo lực học đường là hành vi đánh đập, ngược đãi, xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây tổn hại thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập. Bạo lực học đường không chỉ xảy ra giữa các học sinh, mà còn giữa giáo viên với học sinh. Tùy vào mức độ vi phạm, cơ quan chức năng sẽ đưa ra hình phạt cụ thể. "Sau khi bị bạo lực, các em bị ảnh hưởng tâm lý, tổn thương tâm hồn. Song, mức độ ảnh hưởng như thế nào thì không ai có thể kiểm soát và rất khó chữa lành", bà Hòa nói. Thạc sĩ Hòa cho biết, hành động xoắn tai, đập vào lưng, đầu học sinh sẽ khiến các em bị ám ảnh, ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi. "Mỗi lần nghĩ về nó, các em lo lắng, ngại chia sẻ, sống trong "khung" sợ hãi, thậm chí mắc chứng lo âu, trầm cảm, từ đó dẫn đến rối loạn nhân cách. Việc giáo viên đánh các em cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh và xã hội", bà Hòa phân tích. Theo bà Hòa, sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Ba Đình một phần trách nhiệm thuộc về ban giám hiệu nhà trường, vì buông lỏng trong công tác quản lý. Nguyên nhân cô T. "tác động vật lý" đối với học sinh N., có thể do áp lực công việc và cuộc sống dẫn đến kiệt quệ về tâm lý, mất kiểm soát cảm xúc. Bà Hòa cho rằng, thầy, cô giáo mang sứ mệnh "trồng người", dạy học sinh cả năng lực lẫn phẩm chất. Bởi vậy, trong mọi trường hợp không nên lấy lý do áp lực rồi lựa chọn bạo lực để giải quyết vấn đề. "Trẻ là nạn nhân hoặc chứng kiến hành vi bạo lực, có thể sau này lớn lên các em sẽ trở thành thủ phạm của bạo lực", bà Hòa chia sẻ. Theo bà Hòa, để đẩy lùi bạo lực, nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn. Bên cạnh đó, giáo viên nên học cách kiềm chế cảm xúc, giải tỏa áp lực, căng thẳng. Nhà trường cùng với gia đình kiểm soát, giám sát học sinh, giáo viên và dạy các con cách phòng, chống bạo lực. Trước đó, báo Dân tríđã thông tin, ngày 10/10, trong tiết học toán, cô T. phát hiện em N. sử dụng đồ chơi. Không kiềm chế được cảm xúc, cô T. dùng tay xoắn tai, vỗ vào lưng, đầu khiến em N. bị thương. Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường báo cáo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Bỉm Sơn. Chiều 15/10, Công an thị xã Bỉm Sơn đã có buổi làm việc với ban giám hiệu nhà trường. Trích xuất camera giám sát tại trường đã phát hiện cô T. không chỉ đánh em N., mà còn có hành vi bạo lực đối với nhiều học sinh lớp 1B. Theo lãnh đạo Trường Tiểu học Ba Đình, đây không phải lần đầu tiên cô T. "tác động vật lý" học sinh. Năm học 2023-2024, cô giáo này dùng thước đánh một học sinh thâm, bầm cánh tay. |