Ngân hàng truyền thống khẳng định vai trò trước khủng hoảng tiền điện tử | |
Thách thức trong quản lý giám sát tài sản ảo | |
Những biến động “hoành hành” các siêu cường trên thế giới |
Sự sụp đổ của sàn FTX khiến thị trường tiền số chao đảo |
Các nhà đầu tư đã gặp không ít khó khăn, như phải đối mặt với cú sụp đổ của thị trường tiền ảo, lạm phát tăng cao kéo dài. Tạp chí The Economist đã dự báo về những xu hướng tài chính sẽ kết thúc trong năm nay.
Trong năm qua, lạm phát cao kéo dài đã khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh nhất kể từ những năm 1980, nâng phạm vi mục tiêu cho lãi suất chuẩn thêm hơn 4 điểm phần trăm, lên 4,25-4,5%. Các ngân hàng trung ương khác đều bước theo sát sau Fed. Khả năng lãi suất quay trở lại con số không là rất nhỏ. Thời đại của tiền miễn phí đã qua.
Thị trường giá cổ phiếu tăng cao trong thời gian dài đã chấm dứt, do chính sách của các ngân hàng trung ương. Từ hậu khủng hoảng tài chính năm 2009 đến đỉnh điểm vào cuối năm 2021, chỉ số S&P 500 của các cổ phiếu hàng đầu Mỹ đã tăng 600%. Tuy nhiên, sự sụt giảm năm nay đã được chứng minh là kéo dài. S&P500 đã giảm 25% xuống mức thấp nhất trong năm nay vào giữa tháng 10. Chỉ số cổ phiếu toàn cầu của MSCI đã giảm 20%. Giá cổ phiếu giảm một phần do lãi suất tăng và khiến các tài sản rủi ro trở nên kém hấp dẫn hơn khi so sánh. Cơ chế tương tự đã đẩy giá trái phiếu xuống để điều chỉnh lợi suất của chúng với lãi suất hiện hành. Cho dù giá có giảm sâu hơn nữa hay không thì “thị trường giá lên trong mọi thứ” đã kết thúc.
Vốn không chỉ rẻ trong những năm cuối cùng của thị trường giá lên, mà dường như nó có ở khắp mọi nơi. Các chương trình nới lỏng định lượng (QE) của các ngân hàng trung ương, được đưa ra trong cuộc khủng hoảng tài chính để ổn định thị trường, đã trở nên quá tải trong thời kỳ đại dịch. Giờ đây, Fed và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã đảo ngược các chương trình mua trái phiếu của họ; Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chuẩn bị làm điều tương tự. Thanh khoản đang cạn kiệt và không chỉ từ phần cuối đầy rủi ro của thị trường nợ. Các đợt chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) của Mỹ chuẩn bị bước vào năm khó khăn nhất kể từ năm 1990. Giá trị của các vụ sáp nhập và mua lại cũng giảm, mặc dù ít nghiêm trọng hơn. Vốn dồi dào đã chuyển sang khan hiếm vốn.
Tháng 11/2022, sàn giao dịch tiền điện tử FTX do Sam Bankman-Fried sáng lập đã phá sản với khoảng 8 tỷ USD tiền của khách hàng bị mất. Các nhà chức trách Mỹ hiện gọi đó là một vụ lừa đảo lớn kéo dài nhiều năm. Bankman-Fried đã bị bắt và đối mặt với cáo buộc hình sự. Nếu bị kết tội, Bankman-Fried có thể phải ngồi tù đến hết đời. Sự sụp đổ của sàn FTX đánh dấu sự bùng nổ của bong bóng tiền điện tử gần đây nhất. Vào thời kỳ đỉnh cao trong năm 2021, giá trị thị trường của tất cả các loại tiền điện tử là gần 3.000 tỷ USD, tăng từ mức gần 800 tỷ USD vào đầu năm. Giá trị này đã giảm trở lại khoảng 800 tỷ USD. Giống như nhiều thứ khác, nguồn gốc của vụ việc nằm ở thời đại tiền rẻ, dồi dào và tâm lý muốn làm gì thì làm mà nó tạo ra.