Giải pháp tạm thời
Tự vệ là một trong ba biện pháp phòng vệ thương mại (hai biện pháp khác là chống bán phá giá và chống trợ cấp) được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép sử dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có sự gia tăng của hàng NK và sự gia tăng đó đã và đang gây ra (hoặc có thể gây ra) thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước. |
“Sau khi cân nhắc toàn diện các mặt và tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan, để bảo đảm hài hòa quyền lợi giữa ngành sản xuất trong nước và nông dân, Bộ Công Thương quyết định áp dụng mức thuế tự vệ chính thức bằng với mức chênh lệch giữa giá bán thực tế và giá bán tại điểm hòa vốn của ngành sản xuất trong nước là 1.128.531 đồng/tấn, tức là chỉ bằng 60% mức thuế mà Việt Nam được quyền áp dụng theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và pháp luật Việt Nam. Mức thuế này có thể sẽ làm chi phí trồng trọt tăng thêm nhưng theo tính toán của Bộ NN&PTNT thì tối đa sẽ không quá 0,72%”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Dễ thấy, trong câu chuyện này, lập luận để áp thuế tự vệ phân bón NK là nhằm bảo vệ ngành sản xuất phân bón trong nước. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia lâu năm trong ngành phân bón, TS. Nguyễn Đăng Nghĩa nêu quan điểm: Động thái trên chủ yếu nhằm bảo vệ cho một số DN sản xuất phân bón nhà nước, thậm chí có yếu tố lợi ích nhóm, gây ra thiêt hại lớn cho người nông dân. “Áp thuế tự vệ phân bón với mặt hàng phân bón DAP và MAP NK xuất phát từ việc muốn tạo hàng rào kỹ thuật để bảo vệ cho hai DN của Nhà nước đang thua lỗ nặng là DAP Đình Vũ (Công ty Cổ phần DAP – VINACHEM) và DAP Lào Cai (Công ty Cổ phần DAP số 2 – Vinachem). Khi áp thuế, giá phân bón lên cao. Các DN sản xuất, thương mại phân bón trong nước sẽ đẩy giá lên, thua thiệt cuối cùng chính người nông dân phải gánh chịu”, chuyên gia Nguyễn Đăng Nghĩa nhấn mạnh.
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam nêu quan điểm: Hiện nay, sản xuất phân bón DAP đang gặp khó khăn nên Nhà nước áp thuế tự vệ để “cứu” DN. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không thể dài lâu.
Tôn trọng cơ chế thị trường
Dễ thấy suốt thời gian dài, phân bón NK dù phải chịu thuế, song vẫn cạnh tranh gay gắt, thậm chí “bóp nghẹt” phân bón trong nước. Đi sâu phân tích yếu tố này, chuyên gia Nguyễn Đăng Nghĩa cho hay: Ngoài giá cả cao, chất lượng không bằng hàng ngoại nhập là điểm mấu chốt khiến phân bón nội địa yếu thế. “Sản phẩm của DAP Đình Vũ hay DAP Lào Cai rất khó tan nên nông dân không ưa chuộng. DAP và MAP vốn là nguyên liệu được dùng để sản xuất phân NPK. Trước đây, ngay cả các DN sản xuất phân bón trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cũng phải ép mới mua phân từ DAP Đình vũ và DAP Lào Cai để sản xuất phân NPK, bởi khi sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa này, sản phẩm sản xuất ra bị nông dân tẩy chay, mất khách khiến DN mất thị phần trên thị trường”, ông Nghĩa nói.
Ở thời điểm hiện tại, đại diện nhiều DN sản xuất phân bón cũng cho hay: Áp thuế tự vệ phân bón DAP và MAP NK không phải là điều DN mong muốn. Điều này khiến giá phân bón NK đội lên, DN có thể phải lựa chọn sản phẩm trong nước do áp lực về giá cả, trong khi chất lượng phân bón nội địa kém hơn hẳn hàng NK. Theo ông Nghĩa đánh giá: Về bản chất, sản phẩm trong nước kém cạnh tranh với các sản phẩm phân bón DAP và MAP NK xuất phát từ công nghệ sản xuất yếu kém, đặc biệt là bộ máy các DN cồng kềnh, cách quản lý thiếu hợp lý, chưa tiết giảm tối đa chi phí.
Liên quan tới thời gian áp dụng biện pháp tự vệ, Bộ Công Thương nêu rõ: WTO cho phép áp dụng biện pháp tự vệ trong thời gian 4 năm nhưng Bộ Công Thương quyết định chỉ áp dụng trong thời gian 2 năm. Sau 2 năm, Bộ Công Thương sẽ xem xét, đánh giá lại tác động kinh tế - xã hội để quyết định việc có gia hạn biện pháp tự vệ hay không. Nói như vậy, có thể hiểu rằng, nếu sau 2 năm, sản xuất phân bón DAP và MAP trong nước vẫn yếu kém, lẹt đẹt, không cạnh tranh nổi với hàng ngoại nhập thì việc gia hạn biện pháp tự vệ hoàn toàn có thể tiếp diễn.
Không đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Nguyễn Đăng Nghĩa cho hay: Để giải quyết vấn đề, cần nhanh chóng thúc đẩy cổ phần hóa các DN phân bón nhà nước như DAP Đình Vũ, DAP Lào Cai. “Trong khi DN phân bón nhà nước khá yếu kém thì các DN phân bón tư nhân lại khá nhanh nhạy, thậm chí giỏi so với các DN cùng ngành trong cùng khu vực. Hãy để mọi thứ vận hành theo cơ chế thị trường, xây dựng một môi trường cạnh tranh lành mạnh cho các DN”, ông Nghĩa nói.
Xung quanh câu chuyện nâng cao năng lực cạnh tranh cho phân bón nội địa với hàng ngoại nhập, theo ông Thúy, việc quan trọng là sửa đổi Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT), trong đó đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT ở mức 0%, nhằm được khấu trừ thuế GTGT đầu vào. Trước đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế (Luật 71/2014/QH13) quy định các mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT, thay vì mức 5% như trong năm 2014. Điều này khiến các DN phân bón không còn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dẫn tới chi phí sản xuất gia tăng đáng kể.