Theo bà Phạm Châu Giang, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, các thị trường có tần suất điều tra nhiều là Mỹ, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU, Australia và Canada. Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại đánh giá: “Việc bị điều tra và áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại khiến một số mặt hàng xuất khẩu phải chịu mức thuế cao, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu cả ngành hàng, làm suy giảm vị thế là quốc gia xuất khẩu hàng đầu trong khu vực của Việt Nam”. Trên thực tế, xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình. Bà Phạm Châu Giang thông tin thêm, cùng với sự phát triển của thương mại toàn cầu, các biện pháp phòng vệ thương mại cũng ngày càng được các nước sử dụng nhiều hơn. Thậm chí, nhiều nước coi phòng vệ thương mại là "van an toàn" trong chính sách ngoại thương để ổn định sản xuất trong nước, bảo vệ công ăn việc làm của người lao động. Dự báo, thời gian tới rủi ro hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt sẽ ngày càng lớn hơn. Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp cần tăng tính chủ động. Cụ thể, các hiệp hội cần phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp trong ngành, giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, đại diện tiếng nói để bảo vệ lợi ích chung của ngành. Các doanh nghiệp phải luôn theo sát thông tin; thường xuyên trao đổi thông tin với đối tác nhập khẩu, đặc biệt là cả những thông tin về rào cản thương mại có nguy cơ áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu; tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu, thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo sớm từ Bộ Công Thương. Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần hoàn thiện hệ thống sổ sách kế toán theo chuẩn mực kế toán quốc tế, quản trị hệ thống sổ sách để đạt hiệu quả kháng kiện cao hơn nữa; phối hợp với Bộ Công Thương trong việc ngăn chặn các hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp, xử lý nghiêm minh, triệt để nhằm bảo vệ lợi ích chung của ngành. “Trong trường hợp bị khởi xướng điều tra, doanh nghiệp cần tham gia vụ việc một cách tích cực, đầy đủ, tránh việc bị cơ quan điều tra nước ngoài sử dụng các dữ liệu sẵn có khi đánh giá, phân tích trong kết luận vụ việc; có thể xem xét sử dụng luật sư tư vấn am hiểu pháp luật phòng vệ thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và nước điều tra (nếu cần)”, bà Phạm Châu Giang nói. Thủy sản là một trong những ngành hàng có nhiều kinh nghiệm trong ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, ngoài đoàn kết, chủ động nâng cấp hệ thống truy xuất, quản lý, kế toán..., đa dạng thị trường xuất khẩu cũng là một trong những biện pháp hóa giải, hạn chế những biện pháp phòng vệ thương mại. Mỗi thị trường sẽ có những quy định, văn hóa tiêu dùng khác nhau, gặp đối tác cạnh tranh khác nhau... Để làm tốt đa dạng hóa thị trường, theo kinh nghiệm ngành thủy sản, cần nâng cao năng lực của doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, số lượng hàng hóa. Khi hội nhập, đa dạng hóa thị trường, cần đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là các hệ thống quản lý chất lượng khác nhau. Đây cũng là điều các doanh nghiệp phải lưu ý. Ví dụ, muốn tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Đông, các quốc gia Hồi giáo cần có chứng nhận hoặc tìm hiểu quy cách đóng gói khác nhau cho hàng hóa. “Như với mặt hàng cá tra, đối với thị trường châu Âu đa số sử dụng size cá khoảng 0,9 kg/con, phải lóc da, thịt trắng. Tuy nhiên, tại thị trường Trung Đông lại sử dụng size cá lớn hơn, không cần lóc da”, ông Nam chia sẻ thêm.
|