Thời gian qua,ệuquảtừchuyểnđổicytrồkết quả vô địch nhật bản nông dân xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ngoài trồng chanh không hạt, ông Trần Văn Tư (phải) còn tự ươm cây giống bán để kiếm thêm thu nhập.
Trước đây, đa phần nông dân ở xã Đông Thạnh trồng các loại cây có múi như cam sành, quýt đường. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại từ các loại cây trồng này không còn giá trị kinh tế cao và thường xuyên gặp sâu bệnh, nên nông dân mạnh dạn chuyển đổi sang cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng cho lợi nhuận cao hơn. Trong đó, cây chanh không hạt được nông dân trong xã nhân rộng diện tích nhiều nhất.
Ông Lê Vĩnh Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết: Tới thời điểm này, trên địa bàn xã không còn diện tích vườn tạp. Thay vào diện tích vườn kém hiệu quả là những loại cây ăn trái như chanh không hạt, sầu riêng, măng cụt cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, 7 tháng đầu năm, toàn xã chuyển đổi cây trồng được 46,1ha. Đến nay, tổng diện tích vườn cây ăn trái toàn xã được 990ha, với tổng sản lượng đạt 11.229 tấn. Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân là một trong những vấn đề được cấp ủy đảng, chính quyền xã Đông Thạnh luôn quan tâm thực hiện thời gian qua. Thông qua các buổi họp dân, chính quyền địa phương đã tuyên truyền cho người dân thấy lợi ích từ việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang hiệu quả, từ đó vận động người dân thực hiện chuyển đổi.
Bằng các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Đông Thạnh đã tranh thủ các nguồn hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình và nguồn vốn cho vay của ngân hàng để giúp người dân chuyển đổi phù hợp. Ông Nguyễn Long Hải, cán bộ nông nghiệp xã Đông Thạnh, cho biết: Hiện nay, cây chanh không hạt được xã chọn nhân rộng diện tích trồng, vì thời gian qua cây trồng này cho trái quanh năm, đầu ra ổn định đã đem lại hiệu quả kinh tế cao so với các loại cây trồng khác và giúp nhiều hộ nghèo thoát nghèo bền vững, hộ khá vươn lên làm giàu. Đến nay, diện tích trồng chanh không hạt trên địa bàn xã là 280ha, trong đó 190ha đang cho trái, còn lại gần 500ha là các loại cây có múi khác. Để giúp những hộ làm vườn nâng cao thu nhập, hàng năm ngành chuyên môn đều tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật cho người dân.
Bên căn nhà khang trang xây dựng vào năm rồi từ tiền tích lũy bán chanh không hạt, ông Trần Văn Tư, ở ấp Phước Tiến, xã Đông Thạnh, phấn khởi cho hay: “Trước đây, gia đình tôi trồng cam, quýt nhưng các loại cây này hay bị bệnh nên cho thu nhập thấp. Khoảng 11 năm về trước, được HTX Thạnh Phước vận động, tôi đã chuyển đổi sang trồng chanh không hạt trên diện tích 4.500m2 đất. Trước và trong quá trình trồng, tôi được sự hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật trồng và đầu ra nên tôi rất yên tâm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm cho lợi nhuận từ 50 triệu đồng trở lên. Gom góp từ tiền bán chanh, gia đình tôi cất được căn nhà mới, cả nhà ai cũng vui”.
Ông Trần Văn Ấm, ở ấp Phước Tiến, xã Đông Thạnh, thoát nghèo bền vững cũng nhờ trồng chanh không hạt, bộc bạch: “Khi mới được vận động trồng chanh không hạt, gia đình tôi cũng băn khoăn vì đây là giống mới nên chưa trồng hết trên 5.000m2 mà chỉ thử nghiệm trồng 40 cây. Nhưng qua 2 vụ thu hoạch trái, tôi thấy hiệu quả nên nhân rộng lên hết diện tích đất của gia đình. So với cây cam, quýt thì chanh cho lợi nhuận nhiều hơn. Từ khi trồng chanh không hạt đã giúp gia đình tôi thoát nghèo 8 năm nay”.
Ông Lê Vĩnh Bảo, Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh, cho biết thêm: Xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, có thu nhập cao. Theo đó, sẽ triển khai quy hoạch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn đến năm 2020, trong đó tập trung chủ lực 3 loại cây là cam sành, chanh không hạt và sầu riêng. Trước mắt, từ nay đến cuối năm sẽ chuyển đổi thêm từ 15-20ha cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.
Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã Đông Thạnh đạt 34 triệu đồng/người/năm, ước tính đến nay đạt khoảng 37 triệu đồng/người/năm. Hiện toàn xã còn 220 hộ nghèo, chiếm trên 9%, năm nay xã tiếp tục vận động, hỗ trợ hộ nghèo chuyển đổi mô hình làm ăn có hiệu quả và quyết tâm đến cuối năm kéo giảm từ 1,5-2% hộ nghèo. |
Bài, ảnh: T.XOÀN