(CMO) Tăng cường liên kết, hợp tác, góp phần để Thái Nguyên và Cà Mau phát triển nhanh, bền vững là mục tiêu được thống nhất tại buổi tọa đàm trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số giữa hai tỉnh Cà Mau và Thái Nguyên, được tổ chức vào chiều nay (ngày 28/3) tại Tỉnh ủy Thái Nguyên.Dự tọa đàm, đại diện lãnh đạo tỉnh Cà Mau có đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu chào mừng đoàn công tác của tỉnh Cà Mau Phát biểu chào mừng đoàn công tác của tỉnh Cà Mau tới thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên khái quát với đoàn một số thông tin về vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế, truyền thống lịch sử và những thành tựu nổi bật của tỉnh thời gian qua. Đáng chú ý, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid – 19, dịch bệnh bùng phát diện rộng, tuy nhiên với độ phủ vắc-xin cao và việc thích ứng linh hoạt, an toàn, hiệu quả trước dịch bệnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vẫn có chuyển biến tích cực, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế. Quý 1/2022, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 158 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ; Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 7 tỷ đô la Mỹ, bằng 21,6% kế hoạch; Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 4.100 tỷ đồng, bằng 23% dự toán. Về thu hút đầu tư, năm 2022, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục khẳng định là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, với 1 dự án được cấp mới và 2 dự án được điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn đăng ký tăng thêm gần 1 tỷ đô la Mỹ. Trong lĩnh vực chuyển đổi số, Thái Nguyên là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai, thực hiện. Nền tảng kinh tế số, chính quyền số, xã hội số được tăng cường; nhiều ứng dụng công nghệ, nền tảng số dùng chung của tỉnh như: Trung tâm điều hành thông minh (IOC), Ứng dụng Sổ tay đảng viên điện tử; Ứng dụng công dân số ThaiNguyen ID, C-ThaiNguyên, Phòng họp không giấy tờ E-Cabinet; các giải pháp công nghệ trong phòng, chống dịch Covid-19 được triển khai thực hiện hiệu quả đã đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Kết thúc năm 2021, tỉnh đã hoàn thành cung cấp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện cấp độ 4 trên cổng dịch vụ công của tỉnh, vượt mục tiêu đề ra. Xếp hạng mới nhất về chuyển đổi số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố: Thái Nguyên đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố về chuyển đổi số, trong đó chỉ số chính quyền số xếp thứ 3 toàn quốc. Mức độ đảm bảo an toàn thông tin mạng của tỉnh Thái Nguyên thuộc nhóm 7 địa phương xếp loại A, nhóm dẫn đầu của cả nước. Công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực, các chỉ số đo lường, đánh giá của người dân, doanh nghiệp đối với đảng bộ, chính quyền của tỉnh (như chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS) đều đạt thứ hạng cao. Những kết quả bứt phá trong chuyển đổi số đang mở ra một hướng đi mới, tiên phong, sáng tạo với kỳ vọng thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng chí Nguyễn Tiến Hải,UVBCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau phát biểu tại buổi tọa đàm diễn ra trong không khí trang trọng, cởi mở, ấm áp Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu, nhiệt tình và ấm cúng của tỉnh Thái Nguyên dành cho Đoàn công tác của tỉnh Cà Mau khi đến thăm, làm việc và trao đổi kinh nghiệm tại địa phương. Chúc mừng những thành tựu đáng ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được thời gian qua, đồng chí Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cũng thông tin nhanh tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Là mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, với vị trí địa lý nằm ở tâm điểm vùng biển các nước Đông Nam Á, có đường bờ biển dài, Cà Mau có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch và mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không nhỏ đối với địa phương trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đối với lĩnh vực chuyển đổi số, tỉnh Cà Mau đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực. Theo đó, học tập, trao đổi kinh nghiệm của một trong những địa phương đi đầu cả nước về chuyển đổi số như Thái Nguyên là một trong những giải pháp nhằm cụ thể hóa mục tiêu đó. Trên tinh thần cầu thị, tại buổi tọa đàm, lãnh đạo và đại diện các sở, ngành của hai tỉnh đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và làm rõ những kết quả đạt được, một số khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện chuyển đổi số ở địa phương. Theo đó, tập trung vào: Giải pháp để áp dụng có hiệu quả các thủ tục hành chính cấp độ 4; Giải pháp xây dựng và phát huy hiệu quả các nền tảng số dùng chung trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, những vướng mắc gặp phải và giải pháp khắc phục; Việc đảm bảo tính đồng bộ, tránh chồng chéo trong áp dụng các nền tảng số dùng chung; Tính xác thực trong giải pháp định danh điện tử; Kinh nghiệm trong đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị thông minh; Giải pháp nhằm huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, nhất là các tầng lớp nhân dân trong tham gia quá trình chuyển đổi số, thông qua các nền tảng, tính năng gần gũi nhất với đời sống của người dân; Cơ chế, chính sách đặc thù về nguồn lực, con người cho lộ trình chuyển đổi số,… Kết luận buổi tọa đàm, người đứng đầu hai địa phương thống nhất sẽ tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số, qua đó tạo tiền đề để Thái Nguyên và Cà Mau cùng phát triển nhanh và bền vững. Tỉnh Cà Mau mong muốn trên cơ sở những kinh nghiệm của Thái Nguyên, sẽ tạo động lực, thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số cho Cà Mau. Cũng trong chương trình thăm và làm việc tại Thái Nguyên, đoàn công tác của tỉnh Cà Mau đã đến dâng hương tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia, địa điểm lưu niệm các Thanh niên xung phong (TNXP) Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái, tại phường Gia Sàng, Tp. Thái Nguyên và đi thực tế, tham quan tại một số điểm du lịch của tỉnh Thái Nguyên, như: Khu Du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc; Không gian văn hoá Trà, xóm Soi Vàng, xã Tân Cương (Tp. Thái Nguyên)./. Tin và ảnh: Thành Chung |