(CMO) Đò phải tắt máy ở ngã ba để vòng vào nhà Quê, hai bên cây cỏ um tùm, rau muống và lục bình giăng đầy mặt nước. Nước mấp mé tràn bờ, hai người đàn ông dùng hết sức dỡ cây cầu bắc qua mương. Quê dáng người nhỏ bé, gầy còm nhưng nhanh tay và thành thạo cầm cây dầm chống vào mé bờ, đẩy chiếc xuồng qua cái eo nhỏ. Mấy năm nay, chị em Quê vẫn đi lại trên con đường này đến lớp.Vậy là sau 2 năm theo cha mẹ đi làm ăn xa và dở dang việc học, chị em Quê đã được về lại xứ sở tiếp tục thực hiện ước mơ đi tìm con chữ của mình. Nhà Quê (Danh Thị Mỹ Quê) nằm giữa ruộng lúa mênh mông thuộc ấp Đá Bạc A, cách Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) khoảng 3 km, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn nên mỗi ngày đi học, chị em Quê chỉ được người bác đưa đến trường một buổi, sau một ngày học mệt mỏi, hai cô bé lại vượt đường ruộng, đi bộ về nhà.
Quê năm nay 13 tuổi và là chị cả trong gia đình, cùng 2 đứa em nhỏ sống với ông bà nội trong căn nhà chật hẹp. Điều kiện khó khăn, cái ăn, cái mặc còn phải chật vật và thiếu thốn, đường đến trường là những ngày phải đối mặt hiểm nguy nhưng chị em Quê luôn cố gắng học tập thật tốt, mong tương lai tươi sáng. “Ban đêm gia đình phải chong đèn cóc để sinh hoạt, có cái bóng đèn xài bằng bình điện để dành cho mấy đứa nhỏ học bài. Điều kiện học hành rất khó khăn, nhưng nếu cho nghỉ học thì tương lai các cháu lại mù mịt như cha mẹ chúng. Ở xứ này, chuyện trẻ em mù chữ hiếm lắm, bởi khó khăn mấy cha mẹ cũng ráng cho con đến trường", chị Nguyễn Thị Diễm, bác của Quê, cho biết. Trò chuyện với cô học trò nghèo vượt khó học giỏi, Quê có vẻ bẽn lẽn và buồn buồn: “Em chỉ mong có tiền học hết lớp 9 rồi đi làm phụ cha mẹ nuôi em. Chớ nhà em nghèo lấy tiền đâu mà ăn học tới nơi tới chốn”. Ngồi trên đò, nhìn lên hai bên bờ vắng vẻ hằng ngày chị em Quê vẫn đến lớp, người lạ đi lần đầu đều lo ngại. Hỏi Quê, hằng ngày đi học trên con đường này, em có sợ không? Quê bình thản trả lời: “Ban đầu mới đi em cũng sợ, riết rồi quen. Mấy tháng nước lên hay trời mưa, bờ ngập, sình lầy thì bác Ba đưa đi học, chiều lội bộ về”. Ở nơi đồng không hiu quạnh, không điện, không nước này có 3 ngôi nhà đều chung một khó khăn: ít đất sản xuất, phải đi làm thuê đủ nghề kiếm sống, nhưng cái khó không bó được con chữ, có đến gần chục đứa trẻ hằng ngày vẫn đến trường trong điều kiện giống chị em Quê. Thầy Phan Văn Thừa, giáo viên Trường Tiểu học A Khánh Bình Tây, cho biết: “Tuy khó khăn nhưng chị em Quê đều cần cù, chịu khó và học tốt. Năm học vừa rồi Quê đạt danh hiệu học sinh xuất sắc”. Hơn 12 giờ trưa, tranh thủ ăn vội chén cơm, chị em Quê cùng 2 đứa nhỏ ở gần xuống đò ngồi đợi. Vậy là hôm nay, nhờ có khách ghé thăm mà tụi nhỏ được về nhà giữa trưa và có bữa cơm no bụng, không phải lang thang ở trường chờ buổi học chiều. Đường đến trường của chị em Quê và gần 10 đứa trẻ xóm này khó khăn là vậy, nhưng ước mơ về tương lai tươi sáng đã tiếp thêm động lực để các em vượt qua tất cả. Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, việc học tập ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là các xã đảo còn nhiều khó khăn như Khánh Bình Tây đã chuyển biến tích cực. Các chính sách hỗ trợ học sinh vùng bãi ngang được thực hiện góp phần chia sẻ những khó khăn cho học sinh. Tuy nhiên, để thắp sáng tương lai và ước mơ, chị em Quê rất cần sự hỗ trợ, quan tâm của những cá nhân, tổ chức Kim Chi
|