Sự tập trung sản xuất chất bán dẫn tiên tiến ở Đài Loan đã làm dấy lên lo ngại ở Mỹ về tính dễ bị tổn thương của chuỗi cung ứng. Đạo luật Khoa học và CHIPS của Mỹ tìm cách giải quyết lỗ hổng đó bằng khoản trợ cấp 52 tỷ USD để khuyến khích các nhà sản xuất chất bán dẫn chuyển đến Mỹ. Nhưng đạo luật này sẽ không đạt được mục tiêu đó, thậm chí có thể làm suy yếu ngành công nghiệp quan trọng nhất của Đài Loan. Ngành công nghiệp bán dẫn ngày nay bị chi phối bởi các công ty chuyên biệt có trụ sở trên khắp thế giới. TSMC tại Đài Loan chỉ tập trung vào sản xuất theo đơn đặt hàng, chủ yếu là chip cao cấp, trong khi các bộ phận quan trọng không kém khác của hệ sinh thái bán dẫn còn bao gồm các công ty Mỹ như AMD, Nvidia và Qualcomm (thiết kế chip), chuyên gia in thạch bản ASML ở Hà Lan, Tokyo Electron của Nhật Bản (sản xuất thiết bị sản xuất chip) và Arm của Anh (sản xuất phần mềm dùng để thiết kế chip). Tất cả chuyên môn này cung cấp hai lợi ích chính. Đầu tiên, mỗi bộ phận của chuỗi cung ứng toàn cầu có thể tập trung và cải thiện những gì mình làm tốt nhất, mang lại lợi ích cho các bộ phận khác trong chuỗi cung ứng. Thứ hai, năng lực toàn cầu đã tăng lên ở tất cả các phân khúc của chuỗi cung ứng khiến ngành này trở nên bền vững hơn trước những cú sốc về nhu cầu. Cái giá của việc chuyên môn hóa là ngành dễ bị tổn thương trước những cú sốc về nguồn cung. Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đưa ra các khoản trợ cấp lớn để TSMC di dời và TSMC hiện có kế hoạch xây dựng các cơ sở mới ở Kumatomo, Nhật Bản và Phoenix, Arizona. Cơ sở ở Nhật Bản sẽ được hoàn thành theo kế hoạch nhưng dự án Phoenix đã bị chậm tiến độ đáng kể và ngày càng ít nhà cung cấp của TSMC có kế hoạch đặt trụ sở ở đó. Kinh nghiệm của TSMC ở Camas, Washington (Greater Portland) trong 25 năm qua càng làm tăng thêm sự nghi ngờ về lời hứa với dự án ở Phoenix. Bất chấp hy vọng ban đầu rằng cơ sở ở Portland sẽ trở thành đầu tàu của TSMC tại thị trường Mỹ, công ty vẫn phải vật lộn để tìm đủ công nhân nhằm duy trì tính cạnh tranh. Sau một phần tư thế kỷ với cùng một chương trình đào tạo và cùng thiết bị, chi phí sản xuất ở Mỹ vẫn cao hơn 50% so với ở Đài Loan. Do đó, TSMC đã quyết định không mở rộng hoạt động ở Portland. Vấn đề cơ bản là dù nhân lực ở Mỹ có tay nghề cao trong việc thiết kế chip nhưng nước này lại thiếu nguồn nhân lực có mong muốn hoặc kỹ năng cần thiết cho việc sản xuất chip. TSMC Phoenix sẽ tiếp tục gặp khó khăn vì có quá ít công nhân Mỹ có kỹ năng cần thiết cho sản xuất chất bán dẫn. Do đó, việc tìm kiếm sự đảm bảo kinh tế bằng cách chuyển hoạt động sản xuất chất bán dẫn sang Mỹ là một “bài tập về nhà tốn kém nhưng vô ích”, như người sáng lập TSMC Morris Chang cảnh báo vào năm 2022. Con số 52 tỷ USD trong Đạo luật CHIPS nghe qua có vẻ như là một con số lớn nhưng không đủ để tạo ra một hệ sinh thái bán dẫn tự duy trì ở Phoenix. Chính sách công nghiệp có thể phát huy tác dụng nhưng chỉ trong những hoàn cảnh thích hợp. TSMC là minh chứng cho điều đó. Các nhà quy hoạch công nghiệp của Đài Loan rõ ràng đã chọn một thị trường ngách dựa trên thế mạnh hiện có của họ về sản xuất. Họ không cố gắng sao chép Intel, công ty bán dẫn hàng đầu lúc bấy giờ, vì quá ít công nhân Đài Loan có kỹ năng thiết kế cần thiết để làm việc đó. Các khoản trợ cấp của Nhật Bản để thu hút TSMC có khả năng thành công vì Nhật Bản đã nhiều công nhân sản xuất có tay nghề cao. Giống như chiến tranh, chính sách công nghiệp có nhiều hậu quả không lường trước được. Sự sẵn có của nguồn tiền miễn phí có nguy cơ thay đổi TSMC từ một công ty không ngừng tập trung vào đổi mới thành một công ty quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo có được nguồn trợ cấp. Càng cố gắng khắc phục các vấn đề của mình ở Phoenix thì ban lãnh đạo TSMC càng ít chú ý đến các vấn đề khác. Những vấn đề đó nghiêm trọng đến mức được cho là đã dẫn đến việc Chủ tịch TSMC Mark Liu phải từ chức hồi tháng 12/2023. Đạo luật CHIPS đặt ra ba rủi ro lớn. Đầu tiên, nếu TSMC mất tập trung vào đổi mới, người thua cuộc lớn nhất sẽ là khách hàng và nhà cung cấp của họ, hầu hết là các công ty Mỹ. Cuộc cách mạng AI rộng lớn hơn - phần lớn được cung cấp bởi các chip do TSMC sản xuất - sẽ dừng lại. Hơn nữa, TSMC có thể giảm đầu tư vào việc gia tăng công suất tại Đài Loan, khiến toàn ngành kém khả năng phục hồi trước những đột biến về nhu cầu. Cuối cùng, TSMC có thể mất phương hướng đến mức một công ty khác sẽ thay thế nó để dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn tiên tiến. Nhiều người ở Đài Loan đã coi Đạo luật CHIPS là nỗ lực của Mỹ nhằm chiếm đoạt công nghệ của Đài Loan. Theo bài viết, mặc dù có thiện chí nhưng Đạo luật CHIPS được thiết kế kém. Thay vì tạo ra một cụm sản xuất chất bán dẫn bền vững ở Mỹ, nó có thể gây ra thiệt hại lâu dài cho TSMC và cuối cùng là cho nền kinh tế Đài Loan. Việc xây dựng năng lực ở các quốc gia như Nhật Bản (nơi các hoạt động ít có khả năng gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh của TSMC) có thể là một chiến lược khôn ngoan hơn. (dịch và giới thiệu) |