Y dược cổ truyền (YDCT) là tài sản quý của nền y học dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng của YDCT trong việc chăm sóc,áttriểnydượccổtruyềnCầngiảiphápđồngbộlâudàti so giai duc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, 10 năm qua, Bình Dương đã kế thừa và phát huy ngày một hiệu quả giá trị lĩnh vực này. Trong đó, Bình Dương đã xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ, lâu dài với những hành động cụ thể, thiết thực.
Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1 kết hợp khám, chữa bệnh y dược cổ truyền với y học hiện đại
Phát huy “kho báu” dân tộc
Nền YDCT đã có từ lâu đời, gắn liền với sự phát triển truyền thống văn hóa dân tộc, có vai trò và tiềm năng lớn trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Sau 10 năm triển khai, kế hoạch phát triển YDCT đã góp phần bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn bản sắc, phát triển văn hóa dân tộc, khẳng định vị thế nền y học cổ truyền của tỉnh nhà. Kết quả nổi bật là mạng lưới quản lý nhà nước về YDCT trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố, hoàn thiện. Trong khi đó, mạng lưới khám chữa bệnh bằng YDCT cũng mở rộng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 72/91 trạm y tế xã đạt tiêu chí tiên tiến về YDCT. Bên cạnh đó, hệ thống y tế ngoài công lập cũng phát triển mạnh, toàn tỉnh có 15 bệnh viện tư nhân, 60 phòng khám đa khoa tư nhân, 829 phòng khám chuyên khoa, 157 phòng chẩn trị y học cổ truyền và 2.585 cơ sở y tế hành nghề dược.
Cùng với hệ thống khám, chữa bệnh bằng YDCT, các trạm y tế xã còn xây dựng vườn thuốc mẫu, hướng dẫn người dân tại địa phương cách sử dụng cây thuốc sẵn có tại địa phương trong phòng và chữa một số bệnh thông thường. Số trạm y tế xã có vườn thuốc nam tăng từ 79,9% năm 2010 lên 100% năm 2019. Nhờ đó, tỷ lệ khám bệnh bằng YDCT hoặc kết hợp giữa YDCT với y học hiện đại tại tuyến tỉnh đạt 12,2%, tuyến huyện đạt 25% và tuyến xã là 32,3%.
Hiện nay, nhiều phòng chẩn trị YHCT, hộ gia đình, thầy thuốc lương y trong tỉnh đã tự dành 11,5 ha đất để trồng cây thuốc, bảo tồn gen giống, duy trì số cây sống lâu năm, nhân giống và sơ chế một số loại thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Điển hình như Phòng Chẩn trị từ thiện ấp 5, xã Vĩnh Hòa (huyện Phú Giáo), Tổ chẩn trị Long Nguyên (huyện Bàu Bàng), Phòng Chẩn trị Hưng Khánh tự, phường Tân Phước Khánh (TX.Tân Uyên)…
Cần giải pháp đồng bộ, lâu dài
Y học hiện đại (YHHĐ) hay YDCT đều có những ưu và nhược điểm riêng. Có những chứng bệnh YHHĐ giải quyết tốt nhưng cũng có những chứng bệnh YDCT lại giải quyết rất tốt; đặc biệt là các chứng bệnh mãn tính như viêm xoang, xương khớp, suy nhược, thần kinh tọa… Do đó, điều quan trọng đối với mỗi thầy thuốc, bác sĩ là cần đánh giá đúng tình trạng bệnh, xác định đúng phương pháp chữa bệnh phù hợp, tối ưu nhất. Để phát triển toàn diện YDCT, tăng cường kết hợp YDCT với YHHĐ đến năm 2030, Bình Dương đã xây dựng chiến lược phát triển đồng bộ, lâu dài nhằm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân trong tình hình mới. Ông Huỳnh Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Thực hiện chương trình phát triển YDCT, kết hợp YDCT với YHHĐ đến năm 2030, ngành y tế tỉnh quyết tâm thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Các nhiệm vụ này bao hàm từ khâu tổ chức quản lý, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực đến phát triển hệ thống khám, chữa bệnh YDCT, nâng cao chất lượng dược liệu, thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu và phát huy vai trò nòng cốt của Hội Đông y trong xu thế phát triển”.
Cũng theo ông Hà, trong các nhiệm vụ trọng tâm ấy ngành y tế đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống khám, chữa bệnh YDCT. Theo lộ trình, đến năm 2025, Bình Dương đưa vào hoạt động mô hình bệnh viện đa khoa (BVĐK) YDCT tỉnh, quy mô 150 giường bệnh nội trú. Khoa y dược của BVĐK tỉnh có giường bệnh theo tỷ lệ cơ cấu của Bộ Y tế. Trong khi đó, BVĐK tuyến huyện, thị, thành phố có khoa YDCT hoặc lồng ghép YDCT với phục hồi chức năng. Các trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia y tế xã về lĩnh vực YDCT theo mục tiêu, lộ trình xây dựng xã nông thôn mới của tỉnh. Đặc biệt, mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển quy mô BVĐK YDCT tỉnh lên 250 giường bệnh. Các tuyến, khoa YDCT còn lại đẩy mạnh phát triển trang thiết bị kỹ thuật chẩn đoán, điều trị, sơ chế biến dược liệu phục vụ khám, chữa bệnh. Cùng với mục tiêu phát triển YDCT khối công lập thì kết hợp phát triển YDCT khối tư nhân, tăng cường vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực YDCT.
Để thực hiện tốt hơn nữa mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2030, Bình Dương kiến nghị Bộ Y tế cho phép mở rộng phạm vi đào tạo các chuyên khoa, cấp bổ sung phạm vi hoạt động chuyên môn theo chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh đối với bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng chuyên khoa YDCT. Cùng với kiến nghị trên, UBND tỉnh cũng cần quan tâm, hỗ trợ hơn nữa các cấp Hội Đông y về kinh phí, cơ sở vật chất… để đẩy mạnh các mặt hoạt động của hội.