* Có một thực tế các chủ đầu tư hiện nay chỉ chăm đưa dự án hoàn thành đi vào sử dụng và rất ngại quyết toán. Ông nhận định sao về thực tế này và hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn còn bao nhiêu dự án đã hoàn thành mà chưa thực hiện quyết toán?
- Đúng là có tình trạng này, các chủ đầu tư hiện nay rất thích triển khai các dự án mới, nhưng quyết toán họ lại rất ngại, nhất là đối với các dự án đã khởi công từ nhiều năm, hoặc những dự án hoàn thành chưa được phê duyệt quyết toán, nhưng chủ đầu tư, ban quản lý dự án có thay đổi về cơ cấu tổ chức (như sáp nhập, giải thể...) thì việc quyết toán lại càng khó hơn nhiều.
Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn vẫn còn 61 dự án chậm được phê duyệt quyết toán trên 6 tháng và 78 dự án hoàn thành chậm nộp hồ sơ quyết toán trên 6 tháng.
Trong năm 2014 - 2015, tỉnh Bắc Kạn cương quyết xử lý các chủ đầu tư nợ đọng quyết toán. Ông Hoàng Việt Dũng |
Số dự án tồn đọng, chưa quyết toán này so với các địa phương khác là không lớn, vì tổng mức đầu tư của Bắc Kạn cũng không nhiều. Tuy nhiên cũng có nhiều dự án tồn tại khá lâu, ví dụ có những dự án khởi công từ năm 2006, 2007 cho đến nay vẫn chưa thực hiện quyết toán.
* Đâu là nguyên nhân của việc chậm quyết toán này, thưa ông?
- Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu do năng lực của các chủ đầu tư còn yếu, lúng túng trong việc thực hiện các thủ tục trình duyệt điều chỉnh giá hợp đồng, điều chỉnh dự toán công trình, thiết kế, điều chỉnh tổng mức đầu tư nên kéo dài thời gian lập hồ sơ quyết toán, thậm chí không lập được hồ sơ quyết toán, dẫn đến kéo dài thời gian thẩm tra quyết toán.
Bên cạnh đó cũng phải kể đến sự chậm trễ từ các doanh nghiệp thực hiện thi công xây lắp. Về nguyên tắc, các doanh nghiệp này phải thực hiện quyết toán phần xây lắp khi xong công việc, nhưng họ cũng chậm trễ không làm dẫn đến toàn bộ công trình cũng bị chậm trễ theo.
Thêm vào đó các dự án thường có thời gian thực hiện kéo dài so với quy định, cho nên có nhiều chính sách, chế độ đã bị thay đổi dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức, dự toán..., vì thế, các thủ tục để thực hiện các bước điều chỉnh cũng rất lâu.
Và một nguyên nhân nữa là do Bắc Kạn là một tỉnh miền núi, mới được tái lập cách đây không lâu, nên năng lực của các cán bộ làm công tác thẩm tra quyết toán cũng còn có những hạn chế. Chính điều này cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quyết toán.
* Vậy thời gian qua, Bắc Kạn đã có động thái gì để thúc đẩy công tác quyết toán?
- Từ những nguyên nhân trên, đặc biệt từ sau khi có Chỉ thị số 27 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra các văn bản tập trung giải quyết tồn đọng của các dự án chậm nộp quyết toán.
Đồng thời, với những chủ đầu tư nào còn chậm trễ công tác quyết toán dự án hoàn thành, tỉnh cũng có những biện pháp để đôn đốc, giúp đỡ để họ sớm hoàn thành quyết toán. Nếu chủ đầu tư nào vẫn còn chậm trễ, tỉnh cũng áp dụng những biện pháp xử lý cương quyết để làm sao các chủ đầu tư phải thực sự quan tâm tới công tác này để thực hiện cho đúng tiến độ.
Ngoài ra, các cơ quan thẩm tra cũng tăng cường lực lượng hướng dẫn, giúp đỡ các chủ đầu tư chậm quyết toán có nguyên nhân vướng mắc từ các thủ tục để họ sớm hoàn thành công tác quyết toán để đủ điều kiện đưa vào thẩm tra.
Về phía Sở Tài chính Bắc Kạn cũng đã chỉ đạo các phòng tài chính huyện tập trung đẩy nhanh quyết toán dự án hoàn thành trong thời gian tới. Đặc biệt, trong năm 2014 và 2015, cương quyết xử lý các chủ đầu tư nợ đọng quyết toán. Các chủ đầu tư này sẽ không được nhận dự án mới. Chỉ chủ đầu tư nào có điều kiện, có năng lực quản lý dự án tốt từ khâu đầu đến khâu cuối mới được giao dự án.
* Bắc Kạn là tỉnh đi đầu trong triển khai Chỉ thị số 27 tại địa phương. Vậy Bắc Kạn đã vào cuộc như thế nào?
- Để đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức hội nghị giao ban về đầu tư xây dựng cơ bản. Trong hội nghị này có phổ biến việc thực hiện Chỉ thị, đồng thời, UBND tỉnh cũng ra các văn bản sau Chỉ thị để đôn đốc các chủ đầu tư và yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về việc quyết toán dự án hoàn thành. Hàng tháng, hàng quý trong giao ban, các chủ đầu tư phải tự báo cáo tiến độ thực hiện quyết toán dự án của mình.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng giao cho các ngành chức năng để đôn đốc, hướng dẫn, quản lý, đồng thời xem xét đến việc có tiếp tục giao cho làm chủ đầu tư nữa hay thôi đối với những chủ đầu tư chậm quyết toán dự án.
Hiện các ngành cũng đã vào cuộc, các chủ đầu tư đến thời điểm này cũng đã có những chuyển biến tích cực tập trung quyết toán cho những dự án hoàn thành, đặc biệt là các dự án tồn đọng quyết toán từ khá lâu.
* Xin cảm ơn ông!
Hạnh Thảo