【soi kèo romania】Khẩn trương cứu trợ 12 hộ dân ở Na Rì
Đặc biệt, tại thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì, hiện 12 hộ dân ở xóm Cốc Khe thuộc thôn Lủng Pảng vẫn đang bị nước lũ cô lập; nước lũ lên cao đã chia cắt đường vào thôn.
Để vào được thôn chỉ có cách duy nhất là dùng những chiếc bè mảng do người dân tự đóng từ những cây tre. Khu vực đang bị cô lập nằm trên một gò đất rộng với 12 nóc nhà, xung quang bao bọc là núi cao. Đây chính là khu vực vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.
Trưởng xóm Cốc Khe Lý Đặng Sinh cho biết: Toàn khu vực bị cô lập có 12 hộ, 47 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Dao; người dân ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông và đa số là hộ nghèo, cận nghèo. Trời mưa to, nước dâng lên cao, con đường đất duy nhất vào khu vực trên hiện đã bị ngập nước sâu tới 4 - 5m. Nước dâng lên ngập cả cánh đồng, bốn bề xung quanh đều là nước, người dân không thể đi ra ngoài. Từ năm 1992 đến nay người dân ở đây mới chứng kiến một đợt lụt lịch sử thế này.
Gia đình anh Lý Văn Say ở xóm Cốc Khe có ngôi nhà nằm chênh vênh bên sườn đồi, trong nhà anh không có gì là đáng giá. Mở hũ gạo của gia đình chúng tôi thấy gạo cũng đã hết, mắm muối cũng không còn. Anh Say cho biết, mấy hôm nay gia đình phải đi vay gạo, mắm muối của hàng xóm. Tuy nhiên, do các gia đình không dự trữ nhiều nên cũng đã hết.
Theo người dân nơi đây, phải mất khoảng 1 tuần nữa nước mới rút hết được, vì nước ở trên các khe suối vẫn đổ về và không có chỗ thoát. Đợt mưa lũ đã làm cho hơn 5ha ngô của người dân trong xóm bị ngập nặng không thể thu hoạch, hơn 1ha lúa mới cấy cũng đã bị vùi lấp.
Ngay sau khi mưa lũ xảy ra và nắm được thông tin người dân trong xóm Cốc Khe, thôn Lủng Pảng bị cô lập, UBND huyện Na Rì và xã Côn Minh đã hỗ trợ các nhu yếu phẩm như gạo, mỳ tôm, mắm, muối, dầu hỏa... cho người dân. UBND xã Côn Minh huy động lực lượng dân quân túc trực 24/24 giờ, dùng bè mảng để vận chuyển nhu yếu phẩm cho người dân.
Đoàn công tác của UBND tỉnh Bắc Kạn do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Văn Chí dẫn đầu cũng đã đến thăm hỏi, động viên người dân vùng bị nước lũ cô lập.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn chỉ đạo các lực lượng chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho người dân, không để xảy ra tình trạng đói, rét, dịch bệnh. Khi nước rút, các lực lượng chức năng cần hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi để khôi phục sản xuất; tổ chức vệ sinh nơi ở, cấp phát thuốc kịp thời cho người dân, cử cán bộ y tế đến trực chiến tại chỗ. Chính quyền địa phương và ngành chức năng có phương án di dời người dân khi có tình huống cấp bách xảy ra, điều động xuồng chuyên dụng để đưa nhu yếu phẩm và phục vụ việc đi lại của người dân vì để người dân đi bằng bè mảng tự đóng rất nguy hiểm.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, đến hết ngày 3/8, toàn tỉnh Bắc Kạn đã có 136 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở; 92,7 ha lúa, 6,1 ha ngô bị vùi lấp, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 3,15 ha; 8 cầu tạm bị cuốn trôi, một số tuyến giao thông bị sạt lở, 30 công trình thủy lợi bị ảnh hưởng, hư hỏng...
Đối với người dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, chính quyền địa phương đã tổ chức di dời dân đến nơi an toàn, đến thời điểm hiện tại đã di dời được 94 hộ dân đến nơi an toàn. Với các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ bị sạt lở, Sở Giao thông Vận tải Bắc Kạn đã huy động máy móc phương tiện để thông xe.
Đến sáng 4/8, hầu hết các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ ở Bắc Kạn đã được thông xe trở lại, riêng tỉnh lộ 258B Cổ Linh- Bộc Bố hiện vẫn chưa được thông tuyến. Với các tuyến giao thông nông thôn, chính quyền địa phương đã huy động nhân dân thông tuyến để phục vụ việc đi lại. Các địa phương vẫn đang tiếp tục thống kê, cập nhật tình hình thiệt hại và giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ./.
Theo TTXVN