Trong khi chi phí đầu tư tăng cao nhưng giá trứng bán ra ở mức thấp,ấpbnhnghềnuivịtđẻtrứbayern munich chuyển nhượng dẫn đến nhiều hộ chăn nuôi vịt phải bỏ nghề.
Nghề nuôi vịt đẻ trứng hiện nay không còn mang lại hiệu quả cao như trước đây do giá cả bấp bênh.
Giá thấp
Gia đình có truyền thống gần 30 năm gắn bó với nghề nuôi vịt đẻ, nhưng gần 1 năm nay, ông Nguyễn Quang Dư, ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, không còn mặn mà với nghề nuôi vịt. Theo ông Dư, nếu trước kia giá trứng vịt ở mức 7.000-8.000 đồng/chục mà người nuôi vịt đẻ còn kiếm ăn được vì khi đó chi phí đầu tư khá thấp. Nhưng hiện nay dù giá trứng ở mức 15.000-16.000 đồng/chục, nhưng người nuôi vẫn rơi vào tình cảnh lỗ lã, nợ nần chồng chất vì giá trứng tăng thì ít nhưng chi phí đầu tư nuôi như lúa, thức ăn, đồng để chạy vịt đều ở mức khá cao. Trung bình thời điểm này nuôi khoảng 500 con vịt đẻ, mỗi ngày chi phí cho ăn mất 500.000 đồng, nếu vịt đẻ khoảng 300 trứng, cộng với giá bán như hiện nay thì mỗi ngày gia đình lỗ gần 100.000 đồng.
Ông Dư cho biết: “Năm rồi, giá trứng vịt ở mức 18.000-20.000 đồng/chục thì người nuôi còn có lời chút đỉnh. Nhưng năm nay giá trứng cầm chừng ở mức thấp nhiều tháng liền, nhiều hộ đã tính đến chuyện bỏ nghề. Do giá trứng quá rẻ nên không có chi phí đầu tư cho 500 con vịt, gia đình tôi cũng chuẩn bị “cắt hột” để theo dõi tình hình. Nếu giá trứng tiếp tục ở mức thấp sẽ tìm người sang lại đàn vịt rồi kiếm nghề khác làm ăn”.
Không chỉ giá trứng ở mức thấp mà ngay cả vịt đẻ trứng cũng ở tình cảnh tương tự, khiến cho nhiều nông hộ nuôi vịt phải suy ngẫm lại nghề này. Bởi trung bình một con vịt từ khi thả nuôi đến bắt đầu đẻ trứng mất thời gian khoảng 120 ngày, giá thành đầu tư khoảng 60.000 đồng, trong khi giá bán ra chỉ tương đương giá thành. Do đó, nếu người nuôi đạt tỷ lệ đầu con thì coi như phá huề, còn nếu hao hụt thì cũng không tránh khỏi thua lỗ. Anh Huỳnh Tuấn Công, ở xã Hòa An, cho biết: “Gia đình nhiều năm gắn bó với nghề ương nuôi vịt đẻ. Vịt con mua về nuôi đến khi “rớt hột” sẽ sang lại cho những chủ vịt lớn. Những năm trước nghề này còn kiếm ăn được, tỷ lệ đầu con ương luôn đạt từ 80-90%, nhưng vài năm gần đây dịch bệnh phát sinh nhiều nên tỷ lệ chỉ đạt 50-60%, cùng với giá cả bấp bênh nên nghề này giờ đây cũng không còn lợi nhuận nhiều”.
Nỗi lo dịch bệnh
Bên cạnh nỗi lo giá cả thì nghề nuôi vịt hiện nay cũng đối mặt với tình cảnh dịch bệnh. Vì vịt đẻ thường nuôi theo hình thức chạy đồng, từ nơi này sang nơi khác để có nguồn thức ăn cho vịt, chính vì lẽ đó mà việc lây lan mầm bệnh rất cao. Tại cánh đồng xã Tân Bình, mới vào đầu vụ thu hoạch lúa Hè thu mà nơi đây đã có đến hàng chục đàn vịt chạy đồng, với số lượng mỗi đàn từ 500 đến hàng ngàn con. Ông Trần Văn Châu, ở tỉnh Sóc Trăng có 6.000 con vịt chạy đồng, chủ yếu là vịt đẻ về cánh đồng xã Tân Bình được hơn 10 ngày. Mặc dù đàn vịt đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo khuyến cáo như cúm H5N1, dịch tả, thương hàn... nhưng cũng không thể tránh khỏi các loại dịch bệnh khác.
“Nghề nuôi vịt đẻ hiện nay gặp rất nhiều loại dịch bệnh phát sinh. Phòng ngừa được loại bệnh này thì dịch bệnh khác lại xuất hiện. Hiện nay, trung bình mỗi tháng đàn vịt của tôi có khoảng vài chục đến 100 con chết không rõ nguyên nhân. Nuôi vịt đẻ hiệu quả, tiết kiệm được chi phí thức ăn thì buộc phải chạy theo các cánh đồng lúa mới thu hoạch, nhưng khi chạy đồng gặp điều kiện thời tiết không thuận lợi thì vịt bị hao hụt. Khi vịt chết thì coi như thua lỗ, nếu chết nhiều thì mất vốn luôn”, ông Châu cho biết.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, cho hay: Nghề nuôi vịt đẻ trứng ở Phụng Hiệp gần đây đã giảm mạnh. Cách đây vài năm, khi trứng vịt ở mức 25.000-28.000 đồng/chục, nông dân ùn ùn chạy theo nuôi vịt rất nhiều. Nhưng giờ đây khi giá trứng giảm, trong khi chi phí thức ăn cao nên người nuôi vịt bỏ nghề là lẽ tất yếu. Tuy nhiên, thời gian tới, với những hộ còn duy trì với nghề, ngành nông nghiệp huyện sẽ tiếp sức thông qua việc triển khai các tiến bộ khoa học kỹ thuật, giới thiệu những giống vịt mới như: vịt siêu trứng, vịt siêu thịt… để người nuôi tiếp cận. Bên cạnh đó, hướng dẫn người dân cách phòng bệnh, tiêm phòng, tiêu độc sát trùng, quản lý đàn để hạn chế rủi ro, đảm bảo được thu nhập.
Trước thực trạng chăn nuôi vịt đang gặp khó như hiện nay, nếu ngành chức năng không có biện pháp tháo gỡ kịp thời thì ngành chăn nuôi nói chung tiếp tục có thêm một loại vật nuôi nữa tiếp tục phải giải cứu.
Huyện Phụng Hiệp từng là địa phương có số lượng vịt nuôi khá cao, với trên 1.000 hộ nuôi, tổng đàn trên 1 triệu con (vào năm 2013), nhưng hiện nay do nhiều yếu tố tác động, toàn huyện chỉ còn 40 hộ nuôi, với tổng khoảng 100.000 con, giảm rất nhiều so với cùng kỳ năm 2016. |
Bài, ảnh: DUY KHÁNH