(CMO) Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường là hướng đi tỉnh Cà Mau đang quyết tâm đạt được nhằm phát triển bền vững. Từ quy hoạch phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm, huyện U Minh, nhiều mô hình khung trên một số lĩnh vực chủ lực của tỉnh được hình thành, tạo đà.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Nguyễn Văn Tranh cho biết, sau gần 20 năm với biết bao thăng trầm, kể từ khi xuất hiện trên đồng đất Cà Mau, con tôm đã tìm được hướng đi với nhiều hứa hẹn tạo đột phá cho nghề nuôi thuỷ sản của tỉnh. Đó là loại hình siêu thâm canh, loại hình nuôi công nghệ cao 4.0 đang mang lại hiệu quả tích cực và có tốc độ tăng diện tích khá nhanh hiện nay.
Trong nuôi thuỷ sản, Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi lớn nhất nước, với khoảng 300.000 ha, trong đó có đến gần 280.000 ha nuôi tôm. Với ưu thế này, trong Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững nghề nuôi tôm tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, tỉnh đã mạnh dạn đặt ra mục tiêu với nhiều con số ấn tượng. Cụ thể, đến năm 2020, sản lượng tôm nuôi 265.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 1,8 tỷ USD; năm 2025 là 320.000 tấn, 2,5 tỷ USD từ xuất khẩu và định hướng đến năm 2030, sản lượng tôm nuôi đạt 400.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Tranh nhận định, có 2 loại hình nuôi là quảng canh cải tiến và siêu thâm canh hiện nay cho thu nhập khá, năng suất ổn định. Đặc biệt, có nhiều mô hình nuôi tôm theo hình thức siêu thâm canh ứng dụng công nghệ 4.0 nuôi tôm lót bạt ứng dụng quy trình công nghệ cao, nuôi tôm công nghiệp có hố xi-phông, nuôi tôm công nghiệp 2 giai đoạn… cho năng suất cao.
Sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, con đường đưa nông dân Cà Mau hội nhập cơ chế thị trường. |
Ngoài ra, trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 85.000 ha đất canh tác lúa, diện tích gieo trồng hằng năm đạt trên 120.000 ha, trong đó có gần 70.000 ha lúa hè thu, thu đông và đông xuân, trên 40.000 ha lúa - tôm và hơn 7.000 ha lúa mùa địa phương. Tổng sản lượng lúa hằng năm đạt trên 500.000 tấn. Tuy nhiên, sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất và chất lượng sản phẩm trồng trọt chưa cao. Chính vì vậy, việc xây dựng đề án phát triển vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại xã Khánh Lâm là rất cấp bách, nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Theo ông Nguyễn Văn Tranh, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh con tôm, nhiều mặt hàng khác của tỉnh cũng đang được tập trung triển khai với nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Theo đó, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh sẽ là đơn vị đảm đương trách nhiệm thực hiện 3 mô hình nông nghiệp công nghệ cao là lúa giống; rau, củ, quả và cây ăn trái có múi.
Được biết, theo quy hoạch, phát triển đề án vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm có diện tích 332 ha, nằm trên địa bàn Ấp 7 và Ấp 14, xã Khánh Lâm. Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Trại Giống nông nghiệp Khánh Lâm I, cho biết, trại quy hoạch 100 ha sản xuất rau, củ, quả; 100 ha sản xuất lúa giống và 100 ha sản xuất cây ăn trái. Để kế hoạch này đi vào thực tiễn, tỉnh đang mời gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hợp tác bằng nhiều hình thức.
Trong phối hợp quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cao giữa Tập đoàn GFS với tỉnh Cà Mau, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử yêu cầu Tập đoàn GFS cử chuyên gia xuống tỉnh Cà Mau phối hợp với địa phương cùng khảo sát về thổ nhưỡng của vùng đất U Minh Hạ, thích hợp với từng loại cây trồng nào có giá trị kinh tế cao, thị trường nào đang cần. Mặt khác, không chỉ trồng trong vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Khánh Lâm mà còn triển khai nhân rộng ra người dân trong toàn vùng. Song song đó là giải pháp hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng dân cư; liên kết sản xuất thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất…, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra thông qua mô hình liên kết chuỗi giá trị.
Ngoài ra, để mời gọi đầu tư vào ngành nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác như: tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất; tăng cường quản lý và nâng cao chất lượng các dịch vụ cung ứng đầu vào; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, giá thuê đất… nhằm đạt mục tiêu vùng nông nghiệp công nghệ cao đã đề ra./.
Trung Đỉnh