88Point88Point

【dự đoán bỉ】Khắc sâu tâm khảm lời chú Sáu

Báo Cà Mau

Trước khi về làm Bí thư Khu uỷ Khu Tây Nam Bộ, đồng chí Võ Văn Kiệt ra Hà Nội để báo cáo tình hình với Trung ương và nhận nhiệm vụ mới. Ðể về Nam nhanh nhất, đồng chí xin Trung ương đi theo đường Hồ Chí Minh trên biển bằng thuyền hai đáy: phía đáy thuyền chứa vũ khí và tài liệu quan trọng. Phía trên nguỵ trang thành tàu buôn hoặc tàu đánh cá tuỳ theo tình hình thực tế mỗi chuyến. Trong chuyến đi này, chú Tám Thuận (tên bí danh của đồng chí Võ Văn Kiệt lúc đó) có niềm trăn trở trong lòng: Sức chứa của thuyền thì có hạn, phải ưu tiên chở vũ khí và tài liệu, nhưng thư từ của cán bộ chiến sĩ tập kết gởi về Nam khá nhiều, có thể phải bớt lại. Chú nói: Mỗi lá thư là sự động viên tinh thần và gởi niềm tin vô giá với đồng bào miền Nam. Thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc đó, thuỷ thủ đoàn làm hết sức mình để thu xếp được hết thư vào nơi kín đáo. Chú Tám mừng hiện rõ trên nét mặt. Trong số thư từ đó có cả tập thơ của Nhà thơ Nguyễn Bá do Nhà xuất bản Văn học ấn hành. Khi họp cán bộ chủ chốt Khu Tây Nam Bộ để triển khai nghị quyết đồng loạt đánh phá bình định, bức hàng bức rút đồn bót, đập tan mưu đồ lấn đất, giành dân của giặc, mở rộng vùng giải phóng, tạo tiền đề tiến lên giải phóng miền Nam, trong lúc giải lao, chú Sáu đến thẳng chỗ Nhà thơ Nguyễn Bá trao tận tay tập thơ và cả nhuận bút. Chú nói: "Tui mang cái này về cho ông đây". Nhà thơ Nguyễn Bá rưng rưng nghẹn lời.

Về chủ trương tấn công địch giai đoạn 1972, đồng chí Võ Văn Kiệt trên cương vị Uỷ viên BCH Trung ương Ðảng, Bí thư Khu uỷ Khu 9 (còn gọi là Khu Tây Nam Bộ) không chỉ trực tiếp ở cấp khu, cấp tỉnh, mà chính ông đã trực tiếp đến nắm tình hình nhiều vùng ven đô, vùng địch tạm chiếm đóng đồn bót sâu trong vùng giải phóng. Anh Phạm Minh Phượng, nguyên Huyện uỷ viên huyện Tư Kháng (nay là huyện Ðầm Dơi của Cà Mau), kể: Năm 1972, Tư Kháng là huyện cuối cùng của Khu Tây Nam Bộ còn vùng giải phóng rộng nhất, nhưng nguỵ quân Sài Gòn đã thọc sâu đóng đồn bót, hòng khoá chặt những tuyến giao thông huyết mạch của ta, lấn đất giành dân, để mặc cả với ta trên bàn đàm phán ở Paris. Lúc này, có lần chú Tám về làm việc với Huyện uỷ Tư Kháng. Cuộc họp diễn ra trong nhà Má Sáu ở ngọn Tân Hoà, xã Ba Viễn, nay là xã Tân Tiến. Căn nhà lợp lá dừa nước hẹp nhưng dài trong vườn dừa, có hầm trú ẩn khá kiên cố. Chú Tám ngồi trên võng, đại biểu ngồi bao quanh trên nền đất. Sau khi khai thông ý nghĩa, mục đích, chú Tám động viên mọi người phát biểu. Nhiều ý kiến biểu hiện tinh thần quyết tâm và lạc quan, không dám nói khó khăn. Duy có một ý kiến thẳng thừng: Quyết tâm thì cao rồi, nhưng giải quyết sao đây khi đồn bót giặc kiên cố, bộ đội chủ lực lên hết chiến trường trọng điểm, dân quân du kích mình thì trang bị rất kém, không có hoả lực mạnh để đánh đồn. Nghe tới đây, chú rời võng đứng phắc dậy: "Tôi biểu dương đồng chí đã mạnh dạn nêu thẳng vấn đề khó khăn để chúng ta tìm giải pháp. Phải nhìn toàn cục, phải nắm bắt thời cơ. Chúng đóng đồn dày đặc, chiếm giữ vùng giải phóng của ta nhưng chúng không mạnh do không còn hậu thuẫn như trước đây. Quân chủ lực của chúng bị ta kéo hết ra chiến trường Quảng Trị và miền Ðông Nam Bộ. Thời cơ này chúng ta phải dốc hết lực lượng tại chỗ, huy động dân quân du kích, kể cả lực lượng bảo vệ có trang bị vũ khí trong cơ quan các cấp ra chiến trường, bao vây tiêu diệt, bức hàng bức rút các hệ thống đồn bót của chúng".

Ðồng chí Võ Văn Kiệt thăm và lao động cùng với thanh niên xung phong tại Kiên Giang, năm 1977. Ảnh tư liệu

Vậy là hoá giải được bài toán nan giải. Tư tưởng cán bộ các cấp, các ngành được thông suốt, lực lượng tổng hợp được tổ chức lại tạo nên sức mạnh mới. Cả vùng Tây Nam Bộ rùng rùng chuyển động. Trên chiến trường trọng điểm Cần Thơ, chủ lực Quân khu 9 đánh tơi bời lần lượt 75 tiểu đoàn nguỵ quân, khiến chúng không còn khả năng thọc sâu vào vùng nông thôn để hỗ trợ cứu nguy cho các đồn bót. Với phương châm xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện... tiến lên giải phóng miền Nam, mỗi ngày chúng ta bức hàng bức rút nhiều đồn bót giặc. Vùng giải phóng không ngừng rộng mở như cuốn chiếu, như chẻ tre. Tập trung càng đông, càng mạnh sức người, sức của cho phía trước, tạo thời cơ lớn cho tiến lên giải phóng miền Nam.

Sau ngày giải phóng, không biết từ lúc nào, chú Tám Thuận có tên thường dùng là Sáu Dân. Trong đời làm báo của tôi may mắn và vinh dự có những lần được gặp và được nghe chú Sáu nói chuyện. Lần nào tôi cũng thấy ông thật gần gũi, thân thương như người cha, người chú của mình. Trong những lời phát biểu chỉ đạo, ông thường lồng vào những mẩu chuyện thật hóm hỉnh mà chí lý. Tôi mải nghe say sưa, quên cả ghi chép, nhưng nhờ vậy mà nhớ hoài như nuốt từng lời.

Tôi nhớ hồi cuối thập niên 90, có lần Chính phủ tổ chức họp cán bộ chủ chốt Tây Nam Bộ để quán triệt nghị quyết phát triển đột phá kinh tế - xã hội cho cả vùng này. Bên cạnh những vấn đề cốt lõi đưa vào văn bản pháp quy của Chính phủ về quy hoạch lại kinh tế, xây dựng nông thôn mới, trong đó có việc phát triển giao thông nông thôn, xoá cầu khỉ, xoá cầu tiêu trên sông rạch, ao đìa... Chú Sáu nhấn mạnh, phải huy động sức mạnh và sự sáng tạo của Nhân dân. Ông nói về sức sáng tạo vô biên của quần chúng Nhân dân: "Nói điều này trước hết tôi xin lỗi một số nhà khoa học. Hầu như nhiều sáng tạo, sáng kiến đổi mới tập quán canh tác, lai tạo giống lúa, cây trồng là do nông dân Tiền Giang và một số tỉnh miền Tây làm nên. Tôi nhớ hồi tôi mới về Khu 9, Tám Phấn giờ là Phó giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang (lúc Hậu Giang chưa chia tách TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang) hồi đó bảo vệ kiêm chạy vỏ lãi giựt cái máy đuôi tôm hoài không nổ. Thấy vậy, có bà má đi ngang biểu dừng xuồng, rồi nói: Con ơi kéo cái e gió lên. Tám Phấn làm theo lời bà má, vậy là chiếc vỏ lãi chạy băng băng. Sau này tôi biểu anh em hỏi thăm về bà má thì biết bà là mẹ chiến sĩ. Hay ở Cà Mau có em nông dân học lớp ba trường làng mà sáng chế ra chiếc cầu kéo gắn động cơ di-e-den để giúp mọi người đưa xuồng ghe qua đập một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng. Miền Tây sông rạch chằng chịt, phải đắp đập ngăn mặn giữ ngọt, vậy nên mỗi lần chở lúa, vật liệu xây dựng... phải sang đồ đạc hai lần, rồi đi nhờ người kéo xuồng ghe, mất vài giờ với bao nỗi nhọc nhằn. Tôi thấy phải tổng kết biểu dương, vinh danh họ để phát huy sức sáng tạo". Về phát triển giao thông nông thôn, ông hóm hỉnh: "Tôi nghe nhiều địa phương đề bạt lộ làng thành lộ xã, lộ xã thành lộ huyện... rồi đề nghị Nhà nước đầu tư mà quên tinh thần tự lực tự cường. Chính phủ phải tập trung cho đầu tư những công trình trọng điểm chiến lược. Chúng ta phải phát huy nguồn lực trong dân và làm cho dân hưởng. Vấn đề là ngay bây giờ phải đặt quy hoạch đường sá lên hàng đầu. Trước mắt là lộ nhỏ theo khả năng, sau có điều kiện thì mở rộng trong quy hoạch đó mà không vướng vào đền bù giải toả có khi còn tốn kém hơn cả đầu tư xây dựng".

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của chú Sáu, nhiều địa phương làm tốt quy hoạch sau này xây dựng giao thông nông thôn rất thuận lợi, nhưng ngược lại không ít nơi đến nay việc xây dựng này vẫn cứ ì ạch.

Xin nhắc thêm vài chuyện khác. Về trồng, bảo vệ và khai thác rừng, chú Sáu có nói một điều nghe thật tâm đắc. Ðại khái là, nếu chúng ta không làm được việc trồng, bảo vệ và khai thác rừng như người Pháp thì phải học họ. Thật vậy, rừng đước hồi đó bạt ngàn, hàng trăm ngàn héc-ta. Người Pháp khai thác gỗ hầm than và thu mật ong, sáp ong quanh năm. Có điều là không tốn kinh phí vệ sinh thực bì, mua trái giống và thuê người trồng. Cây gỗ tới lứa khai thác họ cho người vào rừng lấy nước sơn đánh dấu những cây cần chừa lại. Sau khi khai thác xong, những cây còn chừa lại, trái giống rụng ghim thẳng xuống đất tái sinh. Luân phiên khoảng 20 năm sau khai thác lại. Việc này nghe cán bộ lâm nghiệp Cà Mau báo cáo thiếu trái đước làm giống, ông nói vui: "Lên Cần Giờ người ta bán cho. Hồi đó cũng mua trái giống của Cà Mau mà". Thực tế thì rừng Cần Giờ nay là khu bảo tồn sinh quyển được thế giới công nhận. Có lần, hồi thập kỷ 80, trong một buổi họp cán bộ chủ chốt của Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), một lãnh đạo ngành thuỷ sản báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của ngành, có đoạn: "... việc nuôi cá nước ngọt như cá trắm, cá chép, cá mè phát triển khá mạnh". Nghe vậy, chú Sáu phán một câu: "Vừa phải thôi anh T. ơi. Việc đó là để cho vùng miền núi, trung du. Mình ở đây cá đồng nhiều vô kể, không cần cho ăn, tới mùa thu hoạch làm giàu". Rồi ông tấm tắc khen: "Thử hỏi có gì ngon hơn cá rô đồng kho tộ".

    Chú Sáu ra đi để lại cho đất nước những công trình như mốc son in đậm vào lịch sử: đường dây tải điện Bắc - Nam, thoát lũ Tứ giác Long Xuyên, khai thác Ðồng Tháp Mười, Nhà máy lọc dầu Dung Quốc, Khu Công nghiệp Khí - Ðiện - Ðạm Cà Mau… Riêng chương trình ngọt hoá bán đảo Cà Mau đang tiếp tục hoàn thiện. Khi tiến hành thực hiện công trình này, nhiều nơi xuất hiện việc đưa nước mặn vào nuôi tôm. Ðiều này khiến chú Sáu băn khoăn, trăn trở bởi tính bền vững lâu dài và nhất là môi trường. Ðại ý ông nói, ông cha ta qua nhiều thế hệ mới ngọt hoá đất đến tận chân sóng, giờ mình đưa nước mặn vào nuôi tôm, thật đáng lo cho con cháu sau này. Gần đây Nhà nước mới cho khánh thành đập thuỷ lợi sông Cái Lớn ở Kiên Giang, xây Âu thuyền Tắc Thủ 2 ở Cà Mau… Ðộng thái này tôi nghĩ trong tương lai bán đảo Cà Mau sẽ được ngọt hoá theo đúng nghĩa của nó nếu quy hoạch lại vùng chuyên tôm: giảm bớt vùng nuôi tôm quảng canh chiếm nhiều diện tích đất canh tác mà năng suất thấp, đẩy mạnh nuôi công nghệ cao, năng suất, sản lượng vượt trội, nhường lại diện tích để phát triển kinh tế nông nghiệp tuần hoàn theo xu thế mới.

Với Cà Mau, có lần chú Sáu gợi ý nên quy hoạch rồi đền bù giải toả khoảng 5.000 ha của Cà Mau và một phần Thới Bình để xây dựng công viên sinh thái thu hút du lịch, quy hoạch và xây dựng thị trấn U Minh thành thành phố xanh. Có lẽ vì nhiều lý do khác nhau, gợi ý ấy vẫn chưa thành hiện thực. Ðiều đó có lần chú lấy làm tiếc và nói: “Tiến hành càng chậm cơ hội càng ít”. Giờ đây, dù chưa thực hiện một công viên sinh thái với quy mô như điều kiện lúc đó nhưng Cà Mau cũng có thể xây dựng một công viên lý tưởng với quy mô khiêm tốn hơn và một thành phố xanh cho U Minh.

Khắc sâu tâm khảm những lời chú Sáu, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của chú, không chỉ riêng mình, tôi muốn bày tỏ niềm hy vọng về một góc của Cà Mau trong tương lai, gắn liền với niềm tin - tâm huyết của Người./.

 

Nguyễn Bé Ngân Phương

 

赞(71678)
未经允许不得转载:>88Point » 【dự đoán bỉ】Khắc sâu tâm khảm lời chú Sáu