Chống hàng giả trên mạng không thể “tay không bắt giặc” Thương mại điện tử tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, với doanh thu B2C (thương mại từ doanh nghiệp tới người tiêu dùng) năm 2023 đạt 20,5 tỷ USD và hơn 2,2 tỷ đơn vị sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử. Những con số này đưa Việt Nam vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này cũng đặt ra nhiều thách thức cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2023, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia - cơ quan được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã tiếp nhận 1.567 đơn thư phản ánh và khiếu nại của người tiêu dùng, trong đó 5,5% đơn có nội dung liên quan đến thương mại điện tử. Trong đó, các vấn đề phản ánh thường gặp bao gồm: Chất lượng và số lượng hàng hóa không đảm bảo, dịch vụ vận chuyển không đạt yêu cầu, không đền bù hoặc đổi trả sản phẩm, quảng cáo lừa dối và thông tin sai lệch. Nhóm đối tượng bị tác động chính là trẻ em, người cao tuổi, người dân sống ở vùng nông thôn, vùng cao, vùng xa.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường - khẳng định, bên cạnh những cơ hội, thương mại điện tử đã và đang đặt ra nhiều thách thức mới cho các lực lượng chức năng trong công tác đấu tranh phòng, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng. Để ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường mạng, lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, cần phải có nguồn nhân lực, đặc biệt là công cụ, phương pháp phù hợp chứ không thể “tay không bắt giặc”. “Chống gian lận thương mại, hàng giả trên mạng cần phải có các giải pháp công nghệ cụ thể, để định danh, xác định được người mua, người bán, người vận chuyển, sản phẩm hàng hóa... từ đó góp phần phòng ngừa các rủi ro”- ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh. Xây dựng hệ sinh thái số bảo vệ người tiêu dùng trên thương mại điện tử Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, cần áp dụng giải pháp công nghệ tiên tiến trong định danh người bán, người mua, truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong thương mại điện tử để phòng chống hàng giả. Trong những năm qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực để hoàn thiện hạ tầng, khung pháp lý và chính sách phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Mới nhất, trong năm 2023, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong đó, bao gồm hệ thống quản lý và giải quyết phản ánh, tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử giữa người dân và doanh nghiệp. “Hệ sinh thái số sẽ góp phần bảo vệ nhãn hàng trên môi trường trực tuyến, đảm bảo giao dịch trong thương mại điện tử, giải quyết khiếu nại tranh chấp, xác thực và định danh chủ thể trong thương mại điện tử...”- ông Lê Đức Anh thông tin và kỳ vọng, hệ sinh thái số tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống hàng giả trên môi trường mạng. Theo các chuyên gia, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả, rất khó kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả. Chính vì vậy, việc tìm kiếm các giải pháp chống giả sẽ giúp thống nhất quy chuẩn quốc gia để cơ quan chức năng đề xuất tiêu chuẩn kỹ thuật chung của các loại tem chống hàng giả, phục vụ cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh tránh lãng phí các nguồn lực xã hội trong việc nghiên cứu các giải pháp chống giả riêng của từng đơn vị.
Mới đây nhất, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và nền tảng Metric.vn đã hợp tác chiến lược nhằm tạo bước tiến mới trong việc bảo vệ người tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện tử. Bà Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam - cho biết, Hội luôn coi trọng vai trò của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời đại số hóa. Thương mại điện tử đang bùng nổ, nhưng đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ về chất lượng sản phẩm, hàng giả, hàng nhái và các vấn đề an ninh giao dịch. “Sự hợp tác với Metric sẽ giúp Hội tiếp tục phát huy sức mạnh của mình, mang đến cho người tiêu dùng một môi trường thương mại điện tử đáng tin cậy và an toàn” - bà Dung khẳng định. Ông Hà Thanh Tùng - Chủ tịch Metric, cho biết: “Chúng tôi tự hào là đơn vị tiên phong cung cấp các giải pháp công nghệ bảo vệ người tiêu dùng trong môi trường thương mại điện tử. Thông qua việc phân tích dữ liệu real-time, chúng tôi có thể phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, từ đó góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Sự hợp tác với Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam sẽ là một bước tiến quan trọng, không chỉ giúp đẩy mạnh việc bảo vệ người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự minh bạch của thị trường”. Theo đó, một trong những nội dung trọng tâm của sự hợp tác là việc cung cấp số liệu thị trường giữa Hội và nền tảng Metric.vn. Metric, với thế mạnh về xử lý dữ liệu real-time và công nghệ Big Data, sẽ cung cấp những số liệu thị trường chi tiết và chuyên sâu, giúp các doanh nghiệp sản xuất hiểu rõ hơn về nhu cầu và xu hướng tiêu dùng. Thông qua đó, các doanh nghiệp có thể cải thiện sản phẩm và dịch vụ, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. Đặc biệt, dữ liệu này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng cường hiệu quả sản xuất mà còn đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ người tiêu dùng. “Metric sẽ xây dựng các công cụ hỗ trợ phát hiện hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tránh mua phải những sản phẩm kém chất lượng, từ đó nâng cao niềm tin vào môi trường mua sắm trực tuyến. Điều này không chỉ giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi mua sắm mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của các nền tảng thương mại điện tại Việt Nam”- ông Hà Thanh Tùng thông tin. Được biết, ngoài việc cung cấp số liệu thị trường, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và Metric sẽ phối hợp để đẩy mạnh các chiến dịch nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về quyền lợi của mình, cũng như giới thiệu những dịch vụ công nghệ tiên tiến mà Metric cung cấp. Những chiến dịch này không chỉ giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về các quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia mua sắm trực tuyến, mà còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường một cách tối ưu. “Sự hợp tác này không chỉ mang lại giá trị cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng mà còn là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” - bà Trần Thị Dung khẳng định. |