Thuận lợi theo xu hướng
Hiện nay, thanh toán di động đang rất phổ biến và thịnh hành tại nhiều quốc gia trên thế giới, sẽ trở thành xu thế phát triển tất yếu. Vì thế, Forrester Research Inc. ước tính rằng thanh toán di động sẽ vượt mức 142 tỷ USD vào năm 2019. Còn theo Javelin, EY, tổng giá trị thanh toán qua hình thức ứng dụng di động (mCommerce) sẽ đạt mức 194 tỷ USD năm 2017 và 319 tỷ đôla vào năm 2020. Số lượng người dùng hình thức thanh toán di động ước tính là 1.476 triệu người năm 2017 và sẽ tăng 47% vào năm 2019, trong đó khu vực châu Á và châu Úc chiếm đa số. Tại Việt Nam, các chuyên gia nhận định Việt Nam có nhiều điều kiện lý tưởng thúc đẩy thanh toán di động. Việt Nam có nhiều lợi thế khi có 140 thuê bao di động/100 dân, gần 60 triệu thuê bao 3G, 4G với 99% số quận huyện trên toàn quốc đã được phủ sóng 4G. Số thuê bao di động băng rộng Smartphone dự kiến sẽ tiếp tục tăng lên 80 triệu vào năm 2020. Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết, đến nay tại Việt Nam đã có trên 41 ngân hàng thương mại triển khai cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với số lượng, giá trị giao dịch tăng trưởng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt trên 90 triệu, với giá trị giao dịch hơn 423.000 tỷ đồng (tương ứng đạt 93% và 139% so với năm 2016). Về vấn đề này, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) cho biết, tiềm năng thanh toán qua QR code tại Việt Nam rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone. Từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm. Dự báo đến hết năm 2018 số lượng này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code. Cần chung tay phát triển Mục tiêu của Chính phủ là đưa tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương diện thanh toán ở mức thấp hơn 10% vào năm 2020. Nếu như trước đây, người tiêu dùng có dịch vụ thanh toán ví điện tử thì hiện nay, việc thanh toán trên điện thoại xuất hiện làn sóng mới, nhờ mã QR code. Nhiều ngân hàng thương mại đã nhanh chóng bắt kịp xu thế này. Mặc dù có những lợi thế và tốc độ phát triển nhanh chóng, nhưng thanh toán bằng di động nói riêng và thanh toán không dùng tiền mặt nói chung tại Việt Nam vẫn còn nhiều manh mún, chưa đạt như kỳ vọng, số lượng người sử dụng vẫn chưa cao, nguyên nhân chính được các chuyên gia đánh giá là do người dân hiện chưa có nhiều hiểu biết về các phương thức thanh toán mới và vẫn giữ thói quen chi tiêu bằng tiền mặt. Theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch HĐQT M_Service (đơn vị chủ quản của ứng dụng thanh toán MoMo), tại Việt Nam, thanh toán di động mới đang ở bước đầu tiên - là công cụ giữa cá nhân với DN. Việc thanh toán các dịch vụ công của Chính phủ, cũng như phối hợp với ngân hàng để tận dụng nguồn lực trong dân cũng như đẩy mạnh tài chính tổng quát vẫn chưa diễn ra. Nhà nước vẫn đang sử dụng hệ thống tài chính truyền thống để triển khai các dịch vụ này, trong khi thanh toán di động là giải pháp công nghệ đơn giản và chi phí thấp hơn. Vì thế, để đẩy mạnh việc thanh toán di động và thanh toán không dùng tiền mặt, các chuyên gia cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết những khó khăn còn tồn tại, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là cần sự chung tay, hợp tác giữa Chính phủ và cộng đồng DN; các ngân hàng phải tăng cường cơ sở hạ tầng, an ninh, đơn giản hóa thủ tục. Riêng thanh toán bằng QR Code, ông Trần Công Quỳnh Lân cho rằng cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam; cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy các DN áp dụng phương thức thanh toán QR code. Đặc biệt, bản thân người tiêu dùng cũng cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn. “Việc dùng thanh toán di động tiện lợi, bảo mật hơn nhiều so với dùng tiền mặt”, ông Lân khẳng định.
|