游客发表
发帖时间:2025-01-10 15:24:48
Ứng vạn biến “chặn đầu - khóa đuôi” địch
Bên những kỷ vật quý báu về Chiến dịch Nguyễn Huệ còn lưu lại, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 2 Nguyễn Văn Hợi kể rằng: Trong trận Tàu Ô - Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, cùng với các tiểu đoàn khác, Tiểu đoàn 2 bấy giờ được giao nhiệm vụ chốt chặn ở Tàu Ô. Thực hiện chốt cứng, chặn đứng, giữ vững trận địa dài ngày và không để địch cùng xe tăng, xe cơ giới vượt qua chốt, Tiểu đoàn 2 cùng các tiểu đoàn khác của Sư đoàn 7 lập thế trận bao vây chia cắt, chặn bộ binh, cơ giới địch lên tăng viện và ngăn không cho địch tháo chạy về Sài Gòn. Tiểu đoàn được biên chế 3 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo, 1 trung đội vận tải, 1 trung đội thông tin, 1 trung đội trinh sát và được tăng cường thêm 1 đại đội pháo, đại đội 12 ly 8 và 1 trung đội nữ du kích.
Theo lời kể của ông Hợi, được giao nhiệm vụ chốt chặn phía Tây Đường 13, các đại đội của Tiểu đoàn 2, nhất là Đại đội 6 không rời vị trí dù đây được coi là chảo lửa, cứ 10 quả bom địch ném xuống thì đều trúng hết, gây thương vong vô cùng lớn. Do đó, “những ngày đầu tiếp cận trận địa, cả một vùng đất đá sỏi, các đồng chí tuổi mới 20 đầy trai tráng vận dụng hết sức lực giữa muôn vàn khó khăn đào công sự dài hơn 400m xuống cống Tàu Ô, luồn qua đường 13 để dễ dàng tác chiến”.
Ông Nguyễn Văn Hợi, phường Tiến Thành, TP. Đồng Xoài xem lại bức ảnh hiếm hoi về các đồng đội của mình trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972
Đỏ hoe đôi mắt và giọng bắt đầu lạc đi, ông Hợi cố ngăn sự xúc động: “Sau ngày thứ 3 tiếp cận trận địa với những thương vong lớn mà nhiều đồng chí còn rất trẻ vẫn cương quyết xung phong ra trận. Tôi và đồng chí tiểu đoàn trưởng, tiểu đoàn phó phụ trách tiền phương, quyết định cho anh em đào hầm chữ A, chữ Z và sử dụng cây le thông hơi hết các hầm để tạo khí cho đồng đội, đồng chí dưới lòng đất. Có những ngày, tình thế nguy kịch, sát thương quá lớn, chúng tôi buộc phải giảm biên chế ra cắm chốt để bớt thương vong”.
Không chỉ vậy, khi chiến sự ngày càng khốc liệt, ban chỉ huy tiểu đoàn buộc phải dời toàn bộ cối 60 ly tập trung về tiểu đoàn để chỉ huy tập trung, thay vì biên chế cho từng đại đội như trước. Do đó, trong lần địch tập kích định chiếm chốt Đại đội 6, quân ta dùng toàn hỏa lực vừa bộ binh, cối và đại đội pháo được tăng cường tập trung diệt địch không cho chúng lên chiếm chốt.
Ông Hợi còn cho biết, không chỉ trang bị lực lượng hùng hậu với vũ khí tối tân hiện đại, hằng ngày địch ném bom, rải thảm B52 xuống trận địa, còn trên Đường 13 chúng xảo quyệt tung ra một lực lượng nữ trinh sát xinh đẹp để thám thính tình hình chiến sự của ta. Sau khi biết được đó là trinh sát của địch, ta giăng dây thép gai. Đến khi giăng hàng rào thép lần thứ 3, ta mới chặn đứng và bắt gọn được nhóm trinh sát này.
Những khốc liệt của chiến trường, xảo quyệt trong dùng người để trị của địch vẫn không làm lung lay được ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Những đêm động viên tinh thần đồng chí, đồng đội trước ngày ra trận, ban chỉ huy tiểu đoàn luôn nhận được những câu trả lời đầy khẳng khái, kiên cường: “Thủ trưởng cứ yên trí, dù có chết tôi cũng không bỏ vị trí”, “Thủ trưởng hãy cho em ra cắm chốt, em không sợ chết, em sẵn sàng chiến đấu”.
Với tinh thần quả cảm, gan dạ và vận dụng sáng tạo trong chiến đấu, sau 150 ngày, đêm chiến đấu tại Chốt chặn Tàu Ô, Tiểu đoàn 2 cùng các tiểu đoàn khác của Sư đoàn 7 và quân dân tỉnh Bình Phước đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn, nhỏ với nhiều hình thức khác nhau như: Đánh phục kích, tập kích, vây ép... tiêu diệt hơn 8.100 tên địch, bắt 211 tên địch, bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại, phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, thu 390 súng các loại… Địch thiệt hại nặng nề buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa Đường 13. |
Quân dân địa phương sát cánh
Đã 50 năm trôi qua, ông Hợi vẫn nhớ rõ hình ảnh và lời nói của một nữ thanh niên xung phong nhận tải thương ở trận Tàu Ô bấy giờ. Ông kể: “Khi ấy, đồng đội bị thương nhiều, tôi là chính trị viên cũng đã động viên đồng đội và thanh niên du kích địa phương rằng đều là người Việt Nam, người Bắc cũng như người Nam hãy yêu thương, đùm bọc lấy nhau. Khi vừa thấy một thương binh nặng được đưa lên từ hầm, nữ thanh niên xung phong khóc thét lên rồi ôm lấy, bế thương binh lên cáng để về phía sau, đồng thời nói “các đồng chí yên tâm, chúng tôi sẽ đưa thương binh về sau an toàn và không bỏ vị trí”.
Ông Nguyễn Văn Hợi, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141 động viên các xạ thủ trước ngày ra trận (ảnh nhân vật cung cấp)
Ông Lê Bá Phán khi đó là y tá thuộc Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7 cho biết: Trong nhiều trận đánh khi ở tiền phương hay lui về phía sau rừng, chúng tôi cũng được bộ đội địa phương, thanh niên du kích hỗ trợ tải gạo, cứu thương. Tôi vẫn không quên được trong lần cuối chiến dịch, khi đang cứu thương cho một đồng chí quê ở tỉnh Cao Bằng bị trúng pháo cụt chân nhưng do nhiệm vụ cứu thương ở vị trí tiền phương, tôi kêu cứu bộ đội địa phương. Họ là người Tân Khai đang đi tải gạo đã không ngần ngại di chuyển thương binh nặng về vùng an toàn để chữa trị.
Sát cánh và phối hợp nhịp nhàng với bộ đội chủ lực để góp phần làm nên chiến thắng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, Đảng bộ Bình Phước đã có sự chuẩn bị từ sớm. Từ tháng 11-1971, Đảng bộ Bình Phước tổ chức hội nghị kiểm điểm việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên, vạch kế hoạch hành động cho toàn Đảng bộ trong thời gian tới. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ cho từng vùng, từng đơn vị trực thuộc, nhấn mạnh phương châm vừa cùng quân chủ lực đánh tiêu diệt địch vừa hỗ trợ quần chúng phá ấp, phá kìm làm tan rã, sụp đổ lực lượng kìm kẹp và hệ thống phòng thủ của địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế và lực cho ta, huy động lực lượng địa phương vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược về nơi tập kết theo kế hoạch, bố trí lực lượng vũ trang địa phương hiệp đồng với quân chủ lực tiến công địch.
Lịch sử cũng ghi lại, sau 32 ngày đêm ta tiến công (đợt 1) của Chiến dịch Nguyễn Huệ, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương chuyển sang bao vây, tiêu diệt địch bên ngoài và đánh ngăn chặn tại Chốt Tàu Ô. Phối hợp với toàn chiến dịch, quân dân Bình Phước đã khẩn trương xây dựng và ổn định các cấp chính quyền, đặc biệt chính quyền các xã vừa giải phóng. Phân khu Bình Phước tổ chức thành lập thêm một số đơn vị bộ đội địa phương, phối hợp bộ đội chủ lực, du kích đánh địch, phá ấp chiến lược, đào hầm, hào, vật cản, đưa dân công vận chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược cho lực lượng chiến đấu ở các chốt… dọc theo trục lộ 13, xây dựng làng xã chiến đấu tại chỗ, dẫn đường cho bộ đội chủ lực truy kích địch. Trong quá trình chiến đấu, lực lượng thanh niên xung phong, dân công đã đưa liệt sĩ về nơi chôn cất an toàn; băng bó, vận chuyển thương binh về tuyến sau để cấp cứu kịp thời.
Tinh thần thép của bộ đội chủ lực và quân dân địa phương Bình Phước ở Tàu Ô đã chặn đứng và vây ép quân địch, gây cho chúng nhiều thiệt hại nặng nề và thương vong. Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô mãi là chiến thắng của tinh thần tự lực, tự cường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh; của tinh thần đoàn kết, khắc phục khó khăn, gian khổ, đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cẩm Liên
(Bài viết có tham khảo sách “Chiến thắng Tàu Ô - Bình Long trong Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân)
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接