【trận đấu vô địch ba lan】Mùa hoa Sở đơm bông
Quê anh vùng biển, nhưng công việc có đặc thù phải luân chuyển nhiều nên anh thông thuộc cả miền rừng. Và do vậy, tôi có nhiều dịp được anh cho đi thăm những mùa nước, những mùa cây, những mùa quả hay nhiều những mùa hoa… Nhờ vào những chuyến đi ấy mà vốn sống của tôi tăng lên nhiều, năng lượng cũng dồi dào thêm, lại tích cóp được vô số mảnh ký ức đẹp đẽ về con người và miền đất từng đặt chân đến để mà thỉnh thoảng viết lách theo sở thích.
Lần này là Mùa Hoa Sở vùng biên giới cửa khẩu Hoành Mô, Bình Liêu - nơi anh làm việc.
Suốt chặng đường dài mấy chục cây số đường biên toàn núi rừng là rừng núi. Những triền núi gần mướt mải xanh, những đỉnh núi xa sương giăng mờ ảo, núi tiếp núi tạo ra một bức tường thành hùng vĩ như sống khủng long bao bọc lấy đất mẹ, đầy chở che. Đôi lúc đứng trên đỉnh này nhìn sang phía núi bên kia thấy hiện ra một cung đường ngoằn ngoèo vừa hiểm trở vừa mềm mại. Có khi chỉ vừa qua một khúc cua ngắn với lổn nhổn những tảng đá lớn nhỏ ven đường chen lẫn vài bụi cây lúp xúp thì bất chợt đã hiện ra cả một cánh rừng nguyên sinh, cây cổ thụ lẫn trong sương sừng sững một dáng vẻ liêu trai ảo diệu. Đẹp nao lòng! Ngắm nhìn non xanh trời thẳm địa đầu Tổ quốc nơi đây, và đếm những cột mốc vững chãi ghi dấu sự phân tách cương vực, lòng tự hào dân tộc ẩn sau những bon chen đời thường bỗng nhiên bời bời trỗi dậy, chợt thấy xúc động vô cùng!
Thực ra khi rong ruổi trên những nẻo đường biên giới, thỉnh thoảng nhìn xa xa tôi cũng đã thấy những cây hoa trắng nổi bật giữa cánh rừng xanh nhưng lúc đó cũng chưa để ý nhiều cho lắm. Mãi đến khi anh tôi dẫn đến cánh rừng trắng một triền hoa tinh khôi trải dài từ dưới lên đến lưng chừng núi thì tôi mới vỡ oà ngạc nhiên! Loài hoa tên lạ tai đối với người dưới xuôi, nhưng hình dáng thì không lạ khi bắt gặp. Những bông hoa to có dễ bằng lòng bàn tay khum, cánh hoa trắng muốt, nhuỵ vàng tươi hơi giống với hoa bạch trà thường thấy mỗi độ nghinh đón mùa Xuân. Đã nhiều năm rồi, thỉnh thoảng lại ngân nga một câu hát quen thuộc nhưng lúc này thì tôi mới chợt hiểu thế nào là “Khi mùa đào hoa nở/Khi mùa sở ra cây…”. Thì ra đây là loài hoa lúc đã đến độ thì tất cả cùng một lượt bung xoè khoe sắc. Mỗi cây đều là một khối hoa trắng chen lẫn lá xanh, chỉ có thể chiêm ngưỡng cây hoa, rừng hoa chứ lựa ra từng bông mà ngắm nghía như bông hồng bông cúc thì thực sự chưa thể cảm nhận hết vẻ đẹp đúng nghĩa của nó. Anh tôi bảo mấy năm nay địa phương đều tổ chức lễ hội hoa sở, nhưng tôi nghĩ dù có lễ hội hay không thì những cây hoa đẹp mạnh khoẻ như sơn nữ, loài hoa chỉ đẹp nhất khi kết rừng cùng nhau này cũng thừa sức thu hút du khách. Không phải những người ồn ào chỉ yêu mùa ghé thôi, mà là những người yêu cái đẹp dù có dân dã cũng vẫn phải duyên và sâu sắc!
Thật đặc biệt, chuyến này ngoài đi dọc đường biên, ngắm rừng hoa sở, tôi còn có một trải nghiệm mới là thăm Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô, nơi anh tôi và các đồng nghiệp ngày hằng sống và làm việc.
Xưa nay người đời vẫn nghĩ Hải quan là một ngành nhiều bổng lộc, hay ít ra cũng phải oai như những người ngồi ở cửa an ninh sân bay. Nhưng khi đến đây tôi mới vỡ ra những điều rất khác. Bữa cơm tối cơ quan mà chúng tôi được ăn cùng với các anh trở thành một đỗi thời gian trò chuyện tâm tình, chuyện nhà, chuyện đời, chuyện vui buồn nghề nghiệp…
Nghe các anh nói, ở vùng biên, đồn Biên phòng thường ở sát gần với cửa khẩu Hải quan. Bố trí như vậy là để hai bên tương trợ lẫn nhau, bảo vệ nhau khi cần, cùng hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng mà Tổ quốc, nhân dân giao phó. Tuy sứ mệnh của một bên thiên về kinh tế, một bên thiên về an ninh quốc phòng nhưng trách nhiệm xã hội thì đôi khi không phân định hoàn toàn. Công việc thường ngày của họ khác nhau nhưng họ sẵn sàng chia sẻ những hoạn nạn, rủi ro thậm chí đổ máu, hy sinh khi truy bắt tội phạm, khi giúp đỡ đồng bào sở tại, khi vượt qua tất cả những khó khăn của cuộc sống thiếu thốn vùng biên ải.
Qua câu chuyện, các anh đưa tôi hết từ ngạc nhiên nọ đến ngạc nhiên kia. Tôi thật sự bất ngờ về ý thức cập nhật thông tin, cập nhật công nghệ phục vụ cho công việc của “những người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế” thời nay. Và còn bất ngờ hơn nữa về nhân phẩm nghề nghiệp của những người nhân viên – chiến sĩ ấy. Khi đã thân tình, trò chuyện được một hồi lâu, anh Ngô Hồng Hải - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoàng Mô trầm giọng nói: “Nghề nghiệp của chúng tôi thật ra là một nghề nhạy cảm, nhiều cám dỗ; và thực tế thì trong ngành cũng có những “con sâu làm rầu nồi canh” như các bạn đã biết. Nhưng tại cửa khẩu này, chúng tôi quán triệt rất kỹ một tinh thần phục vụ vô tư, hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra để giữ nghiêm kỷ luật, không gây ách tắc khó khăn, không sách nhiễu tiêu cực. Chúng tôi quyết tâm xoá đi định kiến sai lệch của xã hội về nghề mình”.
Tôi được biết, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp và cá nhân giải quyết công việc được nhanh chóng, một ngày làm việc của các anh nơi đây không phải 8 giờ vàng ngọc như mọi công chức bình thường, mà luôn luôn là 24/7. Làm việc không quản ngày đêm, chuyện các anh phải giám sát hàng xuất khẩu xuyên đêm dưới trời Đông giá rét, nhiệt độ xuống tới 2 - 3 độ C là chuyện không hiếm. Rạng sáng hôm sau mới giải quyết xong việc của ngày hôm trước, chỉ kịp nghỉ vài tiếng rồi lại tất bật vào vị trí để lo công việc của ngày hôm sau cũng là thường gặp . Đó là chưa kể nhiều lúc các anh còn phải tăng ca, hỗ trợ đồng đội để cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Tất bật là vậy nhưng các anh lại có một đời sống tinh thần thật sự đáng ngưỡng mộ. Ngay từ khi mới bước vào cổng cơ quan, chúng tôi đã reo lên thích thú trước một giàn hoa lan nhiều màu khoe sắc. Mùa Đông mà những giò hoa vẫn hết sức tốt tươi, cứ như chủ nhân của chúng là những nhà nông học hay những người chơi hoa sành điệu vậy. Trước cửa cơ quan, ven con suối mà chỉ cách một lòng suối mấy chục mét sang phía bên kia là cương thổ nước khác có một rặng tre luôn được cả đội thay nhau tưới tắm, thăm nom. Mùa Đông mà tre vẫn vi vu hát, tốt tươi, xanh ngắt, đầy sức sống! Ai cũng biết rằng cây tre là hồn cốt của dân tộc Việt Nam. Trồng ở rẻo đất thiêng đó vừa là để ngày ngày chúng chở che, bầu bạn với các anh.
Được cái ở đây đất rộng nên sân chơi tennis, cầu lông cũng tiêu chuẩn, bài bản ra trò. Thiết bị âm thanh, ánh sáng cho những giờ phút thư giãn cũng không thiếu thốn. Đó không những là nơi để giải trí mà còn là nơi rèn luyện cho những người làm một công việc cần nhiều đến sự khoẻ mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần…
Nhân tiện lại nói luôn về ẩm thực, các anh sành điệu lắm nhé! Ai có dịp qua đây, đừng quên hỏi anh Ngô Hồng Hải về món cà phê pha theo một công thức đã nâng lên thành nghệ thuật, không nên bỏ qua những món ăn nấu ngon còn hơn đầu bếp lâu năm của anh Mạc Văn Thành - Phó Chi cục trưởng, và nếu là chị em thì nhất thiết nên hỏi thăm người chụp ảnh vừa có tầm vừa có tâm - anh Lê Thành Hưng cùng những bụi hoa lau phơ phất dọc con suối lãng mạn sát với đường biên…
Tôi được biết nhân viên cửa khẩu thì 2 tuần được về thăm gia đình một lần, nhưng lãnh đạo thì phải làm gương, 3 tuần mới được cấp 2 ngày phép. Tôi đã hiểu vì sao anh tôi là một người sống rất tình cảm, về tới gia đình là chả phân biệt nặng nhẹ, đỡ đần hết việc nhà cho vợ con, quan tâm mọi người từng ly tùng tí. Hoá ra không phải mình anh, ai ở đây khi về với gia đình cũng đều là “người chồng nhân dân” như vậy!
Chỉ hơn một ngày đến với các anh ở Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô, tôi đã trải qua thật nhiều cung bậc cảm xúc. Không hiểu sao, lúc chia tay ra về, giai điệu bài hát quen thuộc bất giác cứ ngân lên trong tôi:
“Mà tôi vẫn nhớ hoài về một loài cây
Sống gần nhau thân mới thẳng
Có một cây là có rừng
Và rừng sẽ lên xanh
Rừng giữ đất quê hương…”
Loài cây ấy phải chăng chính là các anh, những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế luôn sát cánh cùng những người lính biên cương giữ đất quê hương trên tuyến đầu của Tổ quốc!
Mùa Đông năm nay, chuyến về biên Mùa Hoa Sở ngẫu nhiên mà lại thành một chuyến thăm thân quý giá của tôi!