Cây khóm “bén duyên” trên vùng đất phèn của tỉnh từ rất lâu. Thương hiệu khóm Cầu Đúc của địa phương ngày càng lan xa,ỳvọngvụkhmtếfcb8. bởi hương vị thơm ngon, độ ngọt thanh giữ chân du khách trong và ngoài tỉnh.
Nông dân trồng khóm trong tỉnh bước vào thời điểm thu hoạch vụ khóm tết.
Vào mùa khóm tết
Như các năm trước, năm nay gia đình ông Lê Minh Chiến, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, vẫn tiếp tục thu hoạch vụ khóm vào đúng dịp Tết Nguyên đán. Ông Chiến cho biết: “Tôi đổ khóm vào 4 tháng trước. Với 4 công rưỡi khóm của gia đình, đợt này thu được 2 thiên khóm (1 thiên là 1.000 trái) để bán tết. Mọi năm đến tết sẽ bán được giá cao hơn so với ngày thường nên tôi chọn thời điểm này để thu hoạch, với mong muốn kiếm thêm được chút lời trang trải trong gia đình”.
Theo báo cáo từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện diện tích trồng khóm toàn tỉnh là 3.218ha, tăng 116ha so với cùng kỳ, trồng tập trung ở thành phố Vị Thanh, huyện Long Mỹ và huyện Phụng Hiệp. Trong đó, diện tích cho trái là 1.969ha, năng suất trung bình ước đạt 16-20 tấn/ha, sản lượng ước đạt 36.350 tấn.
Thời điểm này, trên cánh đồng khóm xanh ngát là những trái khóm to đã đến ngày thu hoạch. Bà con chọn thời điểm này là vì cận tết, giá khóm thường sẽ tăng nên lợi nhuận thu về cao hơn bình thường. Hiện tại, trong số 3.218ha khóm trên địa bàn tỉnh thì có 1.969ha cho thu hoạch và 1.249ha trồng mới. Đồng thời, ước tính sẽ có khoảng 240ha khóm thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán 2024, với năng suất 15-16 tấn/ha, sản lượng ước đạt 3.612 tấn.
Giá khóm giảm, nông dân lo lắng
So với mọi năm, giá bán khóm năm nay giảm nhẹ khiến người dân lo lắng lợi nhuận thu về giảm. Hiện giá bán khóm loại 1 dao động từ 10.000-12.000 đồng/trái (trái từ 1,2kg trở lên). Đối với khóm MD2, giá bán trung bình trái loại 1 (dưới 1kg/trái) có giá từ 5.000-5.500 đồng/kg, do Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm xuất khẩu Miền Tây (WestFood) đầu tư trồng và bao tiêu toàn bộ diện tích. Ngoài ra, hiện nay tỉnh đã được cấp 1 mã số vùng trồng trên cây khóm với diện tích 50,2ha/22 hộ của HTX Nông nghiệp Phúc Thịnh (huyện Long Mỹ), với sản lượng cung cấp ra thị trường là 1.506 tấn/năm.
Anh Liên Hoàng Anh, ở ấp 7, xã Vĩnh Viễn A, huyện Long Mỹ, cho biết: “Tôi vừa bán đợt khóm chín cho thương lái với mức giá 10.500 đồng/trái loại 1, loại 2 thì 2 trái kể 1. Giá này đã giảm hơn 2.000 đồng/trái so với thời điểm cách đây khoảng 3 tháng. Với mức giá này thì sau khi trừ phí đầu tư, người trồng khóm đạt lợi nhuận khá thấp”.
Có cùng nỗi niềm với anh Hoàng Anh, một người dân ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Giá bán năm nay thấp quá nên thương lái cũng không mấy mặn mà đến thu mua. Khóm của tôi hiện đã chín nhưng vì chưa chốt được giá nên chưa dám thu hoạch. Cách đây không lâu, tôi xắn hơn 10 công khóm, năng suất thu được 7 thiên/công, nhưng lợi nhuận thì chưa đạt như kỳ vọng”.
Theo ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cây khóm trên địa bàn tỉnh chủ yếu bán quả tươi, thương lái đến tận vườn để mua từ người dân, giá cả thị trường biến động theo từng thời điểm thu hoạch, không có hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất khóm trong thời gian tới, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khuyến cáo bà con nông dân quan tâm đến khâu chọn giống, cũng như khâu chăm sóc cần phải thường xuyên, kỹ càng. Dù cây khóm là cây trồng chịu hạn, tuy nhiên để cây phát triển tốt phải tưới đủ nước, kết hợp bón phân để cây phát triển trong mùa nắng. Đặc biệt, tăng cường bón phân hữu cơ để cải thiện chất lượng đất và giảm tác động tiêu cực lên môi trường, đảm bảo đất trồng giàu chất hữu cơ, thoát nước tốt và có độ pH phù hợp cho cây khóm.
Bên cạnh đó, thực hiện kiểm tra định kỳ để quản lý sinh vật gây hại, trồng mới thay thế hoặc trẻ hóa diện tích khóm đã bị già cỗi, hiệu quả kinh tế kém, kết hợp với áp dụng các biện pháp chăm sóc, xử lý cho cây ra trái rải vụ để bán được giá cao, tăng thêm thu nhập. Ngoài ra, vận động nông dân có điều kiện xây dựng và phát triển loại hình “du lịch cộng đồng” phục vụ các món ăn chế biến từ khóm nhằm thu hút du khách, quảng bá thương hiệu khóm Cầu Đúc Hậu Giang và tăng thu nhập cho nông dân.
Để tăng cường kết nối tiêu thụ giúp đảm bảo đầu ra cho nông sản, trước hết nông dân phải tham gia thành hợp tác xã, sản xuất theo vùng tập trung, quy mô lớn để có được sản lượng lớn, sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP…) nhằm nâng cao chất lượng nông sản, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm.
Ông Bạch Văn Sơn cho biết, định hướng trong thời gian tới tỉnh sẽ duy trì và phát triển diện tích trồng khóm trên cơ sở nhu cầu thị trường, chế biến, hiệu quả kinh tế... Cải tạo các diện trồng khóm không hiệu quả bằng giống và kỹ thuật canh tác mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng khóm của tỉnh, phát triển cây khóm thành vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, đồng nhất về chất lượng và mẫu mã. Tập trung hướng người dân sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, VietGAP theo nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp. Định hướng quy hoạch giai đoạn 2021-2025 phát triển vùng nguyên liệu sản xuất khóm với diện tích 3.200ha, tập trung chủ yếu ở huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh.
Bài, ảnh: MAI THANH