【bxh bóng đá y】Khuyến công theo Nghị quyết 35/NQ
Vẫn gặp khó
Từ năm 2004, chính sách khuyến công đã được Chính phủ ban hành và có tác động mạnh mẽ đến sự phát triển công nghiệp cho các DN tại địa phương. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chương trình khuyến công quốc gia đến năm 2020 với tổng kinh phí 1.212 tỷ đồng, trong đó yêu cầu huy động các nguồn lực trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ các cá nhân, tổ chức sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tại các địa phương một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nhận thức được tầm quan trọng, vấn đề này đã tiếp tục được nhắc đến tại Nghị quyết 35/NQ-CP mới đây.
Mặc dù chương trình khuyến công đã có “tuổi” hơn chục năm, nhưng nhiều DN tại các địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa vẫn còn phàn nàn về những ưu đãi mình nhận được chưa xứng với kỳ vọng.
Chia sẻ về khó khăn của DN hiện nay, ông Trần Đức Tân, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (Bát Tràng, Hà Nội) cho biết, DN muốn chuyển sang sản xuất XK để hưởng giá thành sản phẩm cao hơn nhưng DN lại đang thiếu vốn để mở rộng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị. Với chính sách khuyến công như hiện nay, DN được thuê đất tại cụm công nghiệp trong 50 năm với giá ưu đãi, nhưng vốn để đầu tư trang thiết bị, nhà xưởng lên tới 10 tỷ đồng, trong khi DN chỉ được vay tối đa 500 triệu đồng.
Cũng có khó khăn tương tự, ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Công ty Cổ phần cơ khí đúc Cửu Long (Nam Định) cho hay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải “mạnh ai nấy lo” do ít nhận được hỗ trợ từ địa phương. Nhiều vấn đề như thay đổi thiết bị sản xuất, tìm phương hướng kinh doanh mới, tìm nguồn nguyên liệu mới… đều do DN tự tìm hiểu, phía các cơ quan địa phương vẫn chưa có nhiều chỉ đạo sâu sát đến từng việc cụ thể như vậy.
Bên cạnh đó, không ít DN còn cho biết, mặc dù đã có thông báo triển khai chính sách khuyến công, nhưng DN còn gặp nhiều khó khăn trong các thủ tục hành chính hay vướng mắc tại các thủ tục liên quan đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của DN.
Thay đổi mạnh hơn
Mặc dù trong Nghị quyết 35, việc đẩy mạnh khuyến công chỉ được nhắc đến khoảng 3 dòng, nhưng với sự kết hợp từ chương trình khuyến công quốc gia thì công tác này được kỳ vọng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh và đạt được hiệu quả cho DN.
Trên thực tế, nhiều địa phương đã tích cực triển khai công tác khuyến công, hỗ trợ DN phát triển sản xuất. Theo đó, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, khuyến khích phát triển làng nghề, kinh tế tập thể, đào tạo nghề, cắt giảm thủ tục hành chính… đã được các địa phương triển khai khá quyết liệt. Trong đó, nhiều địa phương đã chú trọng hơn đến việc tập hợp các DN thành cụm công nghiệp để được hưởng ưu đãi từ địa phương và có thể giúp đỡ nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đây cũng là kỳ vọng của nhiều DN, bởi như ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các DN vừa và nhỏ Hà Nội cho rằng, các DN có quy mô vừa và nhỏ nên sản xuất còn manh mún, thương hiệu và uy tín chưa có nên việc tiếp cận vốn hay buôn bán, kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, với Nghị quyết 35/NQ-CP, các DN kỳ vọng sẽ có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa từ Chính phủ, địa phương để hỗ trợ liên kết hợp tác giữa các DN vừa và nhỏ và giữa những DN ngành công nghiệp hỗ trợ, xây dựng thành những cụm công nghiệp tại các địa phương để làm tăng quy mô sản xuất
Bên cạnh hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ông Hoàng Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và XNK tổng hợp Tiến Thành (DN chuyên sản xuất và XNK các sản phẩm giấy, bột giấy, bao bì…) cho biết thêm, những vấn đề mà các cơ quan, ban, ngành có thể hỗ trợ giúp DN thường xuyên là cải cách thủ tục hành chính, phát triển cơ sở hạ tầng công cộng, nâng cao hoạt động giao thương hay có những buổi gặp gỡ, đối thoại để giải quyết vướng mắc giúp DN. Sau những vấn đề này, DN mới cần được giải quyết về vốn và công nghệ.
Nhìn chung, chính sách khuyến công, phát triển cụm công nghiệp theo Nghị quyết 35/NQ-CP nếu thực sự phát huy được hiệu quả sẽ tạo động lực cho các DN tại địa phương phát triển, từ đây sẽ thành động lực và “làn sóng” tăng tốc cho toàn bộ DN nói chung. Tuy nhiên, từ Nghị quyết đi vào thực tế luôn cần một quá trình dài và cần sự thay đổi đồng bộ từ các cấp bộ ngành cho đến từng DN. Do đó, để thực hiện hiệu quả theo chủ trương của Nghị quyết và đánh đúng, đánh trúng vào nhu cầu của DN, các cơ quan quản lý cần tìm hiểu, lắng nghe ý kiến từ DN và đặt ra kế hoạch trung và dài hạn trong sự phát triển chung của nền kinh tế.