Tại cuộc họp gần đây của các nhà lãnh đạo EAEC ở Astana (Kazakhstan), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra đề xuất về việc chuyển đổi sang một đồng tiền chung. Bên cạnh đó, ông Putin đã chỉ thị cho Ngân hàng Trung ương Nga và Chính phủ nước này đến ngày 1-9 tới phải trình báo cáo kinh tế về tính khả thi của bước đi trên. Tuy nhiên, Belarus đã phản đối do lo ngại nền kinh tế Nga đang phải gồng mình với các biện pháp trừng phạt kinh tế liên tiếp từ Liên minh châu Âu (EU) và việc đồng nội tệ Nga mất giá sẽ làm liên lụy tới hai nước còn lại.
Liên minh tiền tệ là hình thức liên kết kinh tế chặt chẽ nhất, cho phép sự hợp tác, tương tác sâu sắc nhất. Vì vậy, về mặt nguyên tắc, quan điểm chiến lược của ông Putin đưa ra nhằm phát triển EAEC thành một liên minh tiền tệ là hoàn toàn hợp lý. Và nếu điều này trở thành hiện thực, mà ngay cả sự tồn tại hiện nay của EAEC cũng đã được coi là một thành công quan trọng về hội nhập trong không gian hậu Xô viết. Tuy nhiên, không đơn giản để có thể nâng cấp một liên minh kinh tế thành một liên minh tiền tệ.
Một trong những mục tiêu của EAEC là mở cửa thị trường cho các nước thành viên. EAEC đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng doanh thu, tăng cường đầu tư trong không gian các quốc gia thành viên và đó là một thành tựu đáng kể trong hoạt động kinh tế. Nhiều chuyên gia kinh tế đều nhận thấy triển vọng phát triển của EAEC, các quốc gia hoàn toàn có thể tận dụng hiệu quả nhất lợi thế của các nền kinh tế thành viên.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cũng lo ngại nếu hội nhập diễn ra quá nhanh, trong khi nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, liệu quốc gia yếu kém hơn trong liên minh có bị thiệt thòi, và liệu nguy cơ khủng hoảng kinh tế Nga cùng với sự mất giá của đồng ruble có dẫn đến sự mất giá của đồng tiền Kazakhstan và Belarus. Và liệu các cơ chế cấm vận kinh tế hiện nay đối với Nga có vô hình chung được áp đặt lên EAEC, gây ảnh hưởng tới hoạt động của liên minh này. Đó là chưa kể đến những vấn đề liên quan sự phát triển của mỗi quốc gia, như khả năng cạnh tranh thấp của nền kinh tế, sự thích ứng với các tiêu chuẩn quốc tế, sự mất cân bằng giữa các ngành kinh tế....
Trong bối cảnh đó, dường như các quốc gia thành viên mới chỉ xem đề xuất phát hành đồng tiền chung của Nga như một lời tuyên bố về ý định tiếp tục hội nhập mà không ảnh hưởng tốc độ tổng thể của nó.
Phát hành đồng tiền chung là một nhiệm vụ khó khăn bởi một số yếu tố như việc chuyển đổi sang đồng tiền mới, phải tính lại các chỉ số kinh tế trên cơ sở đồng tiền chung. Việc phát hành và đưa vào lưu thông đồng tiền chung đòi hỏi phải có sự hài hòa của chính sách kinh tế vĩ mô hơn nhiều so với mức độ hợp tác hiện nay trong EAEC.
Theo thống kê, kim ngạch thương mại giữa ba nước trong năm qua giảm 11%, chỉ đạt 57,4 tỷ USD. Con số này giảm sút trước hết là do những rào cản thuế quan. Vì vậy, nâng mức độ hợp tác giữa các thành viên lên tầm cao hơn là đòi hỏi cấp bách và chính đáng. Việc cắt giảm thuế trong EAEC, tăng cường hoạt động kinh doanh, tạo việc làm mới, thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, đấu tranh chống tham nhũng... là những vấn đề cần sớm giải quyết. Chìa khóa cho vấn đề này chính là cần xây dựng một chiến lược phát triển mới, gia tăng thương mại với các cơ chế giám sát chung của các cơ quan thuộc EAEC.