Hội thảo đã đánh giá lại những tồn tại của ngành cơ khí sau nhiều năm đổi mới, chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp lớn như Lilama, Coma, Samco, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam… trong việc phát triển, từ đó đề ra giải pháp đột phá để phát triển ngành cơ khí trong bối cảnh hội nhập. Theo Hiệp hội VAMI, nhiều sản phẩm cơ khí như thiết bị đồng bộ, đóng tàu, lắp ráp ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị điện, phụ tùng cơ khí đã có thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Doanh thu về sản phẩm cơ khí tăng đều trên 20% trong khoảng 10 năm trở lại đây. Những sản phẩm cơ khí công nghệ cao cũng đã xuất hiện như: thiết kế chế tạo thủy công, thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy xi măng, chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng 90m và bước đầu thiết kế chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than… Tuy nhiên, VAMI nhận định, các sản phẩm Việt Nam tham gia có giá trị gia tăng còn thấp, chưa tạo được đầu ra cho sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch VAMI cho rằng, để tăng năng lực cho ngành cơ khí Việt Nam cần đẩy mạnh sự hợp tác sản xuất giữa các doanh nghiệp cơ khí trong nước, tránh đầu tư trùng lắp để chống lãng phí. Đặc biệt, tăng cường đầu tư và ứng dụng những thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. “Cụ thể, VAMI đã làm việc trực tiếp với các đơn vị, công ty thành viên như Vinalift, Lilama, Lisemco, Cơ khí Phổ Yên, Cơ khí Đông Anh, Máy kéo và máy nông nghiệp… để nắm bắt tình hình sản xuất, những thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tìm việc làm, ổn định sản xuất của doanh nghiệp” - ông Thụ khẳng định. Trong quý I, Hiệp hội VAMI cũng đã làm việc với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước về tăng cường hợp tác thúc đẩy ngành cơ khí phát triển; phối hợp tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế về sản phẩm sinh thái 2017, triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2017… Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Ngọc Hà - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) cho rằng, thương hiệu máy nông nghiệp, ô tô, công nghiệp phụ trợ của VEAM và các đơn vị thành viên chưa được biết đến nhiều ở thị trường nước ngoài. “Do vậy, để mở rộng thị trường, Tổng Công ty sẽ tăng cường hơn khâu quảng bá thương hiệu, sản phẩm và năng lực của mình, tạo ra sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường” - ông Trần Ngọc Hà nhấn mạnh. Theo VAMI, trong năm 2017 và những năm tới, để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của ngành cơ khí, hiệp hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động hỗ trợ về thông tin tuyên truyền, giới thiệu về sản phẩm và năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên. Việc đẩy mạnh tuyên truyền về sản phẩm và năng lực của doanh nghiệp, đặc biệt là tại các hội chợ, triển lãm sẽ giúp các doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin, những doanh nghiệp mạnh, để tìm hiểu máy móc, từ đó hợp tác sâu hơn trong ngành cơ khí, và rộng hơn với quốc tế. Ông Thụ thông tin thêm, các phần việc mà VAMI sẽ triển khai trong thời gian tới có thể kể đến như hỗ trợ bảng hiệu đại lý tại nước ngoài; quảng cáo trên các phương tiện thông tin, trục đường sân bay nước ngoài, đăng ký bảo hộ thương hiệu tại các thị trường lớn và tích cực tham gia triển lãm, giới thiệu sản phẩm tại thị trường tiềm năng như Indonesia, Nhật Bản...
|