Nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển
Bộ Tài chính cho hay, về tình hình nợ công, thực hiện Chiến lược huy động vốn cho ngân sách nhà nước (NSNN) và cho đầu tư phát triển, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tranh thủ nguồn ODA, vay ưu đãi đồng thời phát hành các loại trái phiếu ở thị trường trong nước để cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển.
Nguồn vốn vay đã bổ sung cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (73% sử dụng trực tiếp cho các chương trình, dự án giao thông vận tải, môi trường và phát triển đô thị, ngành năng lượng và công nghiệp; 9,5% sử dụng cho nông nghiệp và phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo, 4% cho y tế, xã hội; 2,9% cho giáo dục và đào tạo), thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thực tế, rất nhiều công trình kết cấu hạ tầng về giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện, cấp thoát nước, vệ sinh môi trường trên phạm vi cả nước đã hoàn thành, phát huy hiệu quả, góp phần thu hút vốn đầu tư, thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho công tác y tế chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ, kinh nghiệm quản lý và đảm bảo an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, do bội chi ngân sách còn cao, nhu cầu vốn đầu tư phát triển lớn nên nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ trong ngắn hạn lớn, hiệu quả sử dụng vốn vay của một số chương trình, dự án đầu tư còn có bất cập, thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối nghĩa vụ trả nợ, nợ đọng xây dựng cơ bản và ứng trước ngân sách còn lớn là những thách thức đặt ra trong quản lý nợ công của nước ta.
Phát hiện nhiều bất cập trong sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài
Theo Bộ Tài chính, những năm qua, công tác thanh, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn vay nước ngoài luôn được Thanh tra Bộ quan tâm thực hiện và xác định là nhiệm vụ thường xuyên, gắn liền với nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài chính về nợ công.
Từ năm 2011 đến nay, Thanh tra Bộ Tài chính đã tiến hành thanh, kiểm tra 17 dự án xi măng sử dụng vốn vay được Chính phủ bảo lãnh; thanh tra quản lý và sử dụng vốn ODA tại các dự án của TP.HCM và Bộ Giao thông vận tải; thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý nợ công và công tác quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài…
Qua thanh tra phát hiện một số tồn tại, hạn chế, bất cập trong quản lý, sử dụng nợ công. Cụ thể, tại một số dự án, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư vượt so với phê duyệt lần đầu, ảnh hưởng tới kế hoạch và phương án trả nợ của các dự án, tác động đến việc tăng nợ công
Một số dự án sử dụng vốn vay kém hiệu quả, không trả được nợ, phải tái cơ cấu tài chính hoặc chuyển sang cơ chế Nhà nước đầu tư vốn hoặc sử dụng vốn vay còn dàn trải, nhiều dự án chậm tiến độ, có dự án hoàn thành nhưng không đạt mục tiêu đề ra
Bộ Tài chính đã kiến nghị các tập thể, cá nhân liên quan chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm liên quan đến sai phạm. Đồng thời, có nhiều kiến nghị xử lý về tài chính, sửa đổi, bổ sung chính sách chế độ liên quan đến quản lý nguồn vốn vay nước ngoài.
Tăng cường hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công
Để đảm bảo hiệu quả quản lý, sử dụng nợ công, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội mục tiêu định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020; trình Bộ Chính trị Đề án chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững.
Trên cơ sở đó, Quốc hội ban hành Nghị quyết 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia (giai đoạn 2016-2020), Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Bộ Tài chính đang cùng các cơ quan liên quan tập trung triển khai quyết liệt chủ trương, giải pháp tại 2 Nghị quyết này nhằm tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả quản lý nợ công.
Đặc biệt, Luật Quản lý nợ công số 20/2017/QH14 được ban hành, thay thế Luật Quản lý nợ công năm 2009 nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quản lý nợ công an toàn, bền vững, hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mới.
Luật mới được ban hành theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ hạn mức nợ công cũng như công tác quản lý, sử dụng vốn vay nợ công từ khâu xây dựng chiến lược, kế hoạch và giám sát thực hiện.