【keo bing da】Không tròn cũng chẳng dài
(CMO) Một vài năm trở lại đây, vào những đợt cao điểm của lễ chùa, ngày rằm lớn, thể nào cũng có hàng loạt thiên phóng sự ảnh được tung lên với hàng hà váy áo của các bà, các cô gái trẻ… thi nhau khoe da thịt, hở trước hụt sau khi viếng cảnh chùa, đền đài gây nhức mắt cho người trong cuộc lẫn ngoài cuộc.
Người trong cuộc - là những người ít nhiều trực tiếp đến chuyện váy áo hở hang kia, có thể đó là ban quản lý đền chùa, các ni, sư, thầy, những khách cùng viếng lễ… rơi vào tình cảnh nói không được mà không nói cũng không xong với cảnh váy áo, da thịt phấp phới, vô tư với những khoảng hở, cắt xẻ… quỳ lạy trước thiền môn, tới lui thắp nhang trong khuôn viên đền chùa, nhẩn nha vãn cảnh, tạo dáng chụp hình trong khung cảnh cần sự trang nghiêm, chừng mực.
Minh hoạ: Hoàng Vũ. |
Người ngoài cuộc - là những người tuy không có liên quan gì đến chuyện vãn chùa, viếng cảnh nhưng đôi lúc cũng phải chặc lưỡi, lắc đầu ngán ngẩm khi vô tình nhìn thấy váy ngắn cũn cỡn, áo trống trên, hụt dưới, giày cao gót vào ra lễ đền, chùa chiền như thể đó là sàn diễn thời trang… Nam giới thì “thoát” khỏi cảnh hở hang nhưng cảnh quần ngắn, áo ba lỗ, đi dép kẹp... không phải là cảnh hiếm gặp dù mục đích ban đầu của họ là đi chùa, viếng lễ hẳn hoi chứ không phải là những ngẫu hứng bất chợt theo kiểu “Ra đi gặp vịt cũng lùa/Gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu” thì quả thật, khó mà lý giải được suy nghĩ của những người có những thói quen, hành vi như trên.
Cũng vì lý do đó, các di tích, đền chùa… đã phải đưa ra các biện pháp, nhẹ thì nhắc nhở chuyện ăn mặc, đi đứng… bằng các bảng hiệu đặt trước lối vào, “nặng” thì để sẵn một số áo khoác dài để khách viếng có thể khoác bên ngoài, cứng rắn hơn là cương quyết từ chối nếu khách viếng không chịu hợp tác… nhưng dường như cho đến giờ, kết quả không khả quan là mấy.
Thậm chí, không hiếm người không những chống đối, mà còn lăng mạ, xô xát để thực hiện cho bằng được việc viếng đền đài, chùa chiền trong trang phục hở hang, phản cảm chứ cương quyết không chịu khoác thêm áo khoác dài hoặc lựa chọn những trang phục khác phù hợp hơn cho những lần sau.
Bởi thế, không có gì lạ trước việc Ban Tổ chức Lễ hội Đền Hùng năm nay đã phải huy động đến lực lượng công an để “can thiệp” đến một vấn đề tưởng chừng như rất giản đơn, dễ giải quyết trên - một vấn đề đơn thuần liên quan đến cách ứng xử và ý thức cơ bản của mỗi người.
Dẫu vẫn biết chuyện ăn mặc vốn là quyền tự do của mỗi người. Và cũng không thể “bắt” một người nào đó phải ăn mặc theo ý riêng của mình, nhưng người xưa có câu “nhập gia tuỳ tục”, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”… Thực sự, không cần phải “nhớ” đến những thành ngữ ấy thì vẫn có những bảng nhắc nhở. Và nếu như vẫn cố tình lờ đi thì sẽ có những lời nhắc nhở nhẹ nhàng từ ban quản lý hoặc những người xung quanh, chỉ cần tuân theo, biết “tuỳ tục” khi “nhập gia”, biết ý thức theo hoàn cảnh mà cư xử cho phù hợp thì có lẽ, đã và sẽ không xảy ra những màn phô diễn “thời trang phang… hoàn cảnh” đến mức vượt xa cả sự ngán ngẩm, bức xúc, thậm chí trở thành vấn đề nan giải, phải nhờ đến lực lượng thực thi pháp luật can thiệp chỉ vì một số người ứng xử không đúng mực hoặc ý thức kém khi tham gia những hoạt động lễ hội, những sự kiện văn hoá… mang tính cộng đồng.
Tự do ăn mặc nhưng quy tắc ứng xử chung rõ ràng nên được tuân theo, bởi đó không chỉ là chuyện “ở bầu thì tròn” hay “ở ống thì dài” mà đó là không gian văn hoá, tín ngưỡng chung, nơi có những giá trị nhất định cần phải được tôn trọng và gìn giữ./.
Ngọc Lợi