Tồn tại 10 năm và lạc hậu Theo tờ trình, Nghị định 27 quy định chi tiết biện pháp thực hiện Luật Giao dịch điện tử năm 2005 trong hoạt động tài chính, tạo cơ sở pháp lý để ngành Tài chính triển khai các dịch vụ công trực tuyến, cải cách mạnh mẽ thủ tục tài chính, hành chính công; đồng thời thúc đẩy áp dụng giao dịch điện tử trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Nghị định 27 đã ban hành hơn 10 năm. Cho đến nay, phần lớn quy định của nghị định này không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành. Năm 2016, để giải quyết yêu cầu cấp bách của việc triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2015 - 2016 và Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử, Chính phủ đã phê duyệt đề xuất của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 27 theo trình tự, thủ tục rút gọn. Kết quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 27, giải quyết vướng mắc về áp dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử giữa tổ chức, cá nhân với cơ quan tài chính; đồng thời bãi bỏ các quy định về tổ chức cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng để phù hợp với Danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, Nghị định 156 mới chỉ giải quyết một phần các vấn đề cần xử lý. Các quy định chưa được sửa đổi của Nghị định 27 thiên về mô phỏng thực hiện theo phương thức giấy tờ truyền thống trên môi trường điện tử, chưa mạnh dạn khai thác lợi thế của phương thức điện tử (xử lý tự động, giảm thao tác thủ công và can thiệp của con người), do đó hạn chế tính hiệu quả của việc triển khai giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính. Các bất cập cụ thể Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Nghị định 27 còn chung chung, thiếu cụ thể. Quy định về chấp nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử theo hướng mô phỏng áp dụng đối với phương thức giấy tờ truyền thống, không phù hợp với phương thức xử lý của giao dịch điện tử, làm phức tạp hóa việc ứng dụng giao dịch điện tử, không khả thi áp dụng rộng trong thực tế hiện nay. Nếu tuân thủ đúng các quy định này, giao dịch điện tử sẽ không phát triển được. Trong nhiều công đoạn thực hiện giao dịch điện tử đòi hỏi phải thực hiện chuyển đổi hồ sơ, văn bản giấy sang dạng điện tử. Tuy nhiên, quy định của Nghị định 27 về vấn đề này chưa cụ thể và chưa sát với thực tế, do đó gây lúng túng khi áp dụng. Trong khi trên 97% doanh nghiệp (DN) đã tham gia sử dụng giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, hải quan thì các cơ quan quản lý liên quan khác ngoài cơ quan tài chính vẫn yêu cầu DN cung cấp các hồ sơ thực hiện thủ tục thuế, hải quan dạng giấy. Điều này dẫn đến DN thường xuyên phải chuyển đổi từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy, gây phiền hà cho DN, giảm tác dụng của việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Nghị định 27 chưa đề cập xử lý vấn đề này. Nghị định 27 đã quy định về việc hủy tác dụng (hiệu lực) của chứng từ điện tử, tuy nhiên chưa quy định điều kiện cụ thể, dẫn đến khó áp dụng trong thực tế. Giao dịch điện tử được thực hiện trên các hệ thống thông tin, tuy nhiên quy định về hệ thống thông tin của Nghị định 27 còn ít nội dung và thiếu cụ thể, đặc biệt về khía cạnh bảo đảm an toàn cho giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, hầu hết chứng từ điện tử yêu cầu phải minh bạch thời gian khởi tạo chứng từ và các xử lý tác động lên chứng từ. Trong đó, có một số loại chứng từ mà thời gian khởi tạo và xử lý chứng từ bị ràng buộc các quy định quản lý chuyên ngành, có thể gây tranh chấp giữa các bên tham gia giao dịch điện tử. Nghị định 27 chưa quy định về bảo đảm tính chính xác về thời gian cho giao dịch điện tử. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tham gia giao dịch điện tử cần đáp ứng một số điều kiện tối thiểu để giao dịch có thể thực hiện một cách tin cậy, hiệu quả. Nghị định 27 chưa quy định về vấn đề này. Nghị định 156 đã hủy bỏ quy định dịch vụ giá trị gia tăng trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính là kinh doanh có điều kiện, để phù hợp với Luật Đầu tư năm 2014. Tuy nhiên chưa có quy định thay thế đối với loại hình dịch vụ này trong khi thực tế rất cần có loại hình dịch vụ tương tự để phục vụ nhu cầu của người dân, DN, cũng như hỗ trợ đảm bảo, nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan tài chính. Một số quy định của Nghị định 27 có nội dung chung chung, không cụ thể. Một số quy định không khả thi, không áp dụng được vào thực tế (về niêm phong, tạm giữ, tịch thu chứng từ điện tử). Vũ Long |