Đây là chia sẻ về việc nâng cao chất lượng lập và kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán của Chuyên gia Phan Lê Thành Long khi trao đổi với phóng viên TBTCO.
*PV: Thưa ông, dù vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được mong đợi của thị trường, song không phủ nhận vấn đề về lập báo cáo tài chính, cũng như công bố các thông tin tài chính của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán đã có sự thay đổi tích cực hơn nhiều so với trước đây. Ông đánh giá thế nào về tình hình lập báo cáo tài chính và công bố các thông tin tài chính của doanh ngiệp trên sàn hiện nay? Ông Phan Lê Thành Long:Công bố thông tin trên báo cáo tài chính là một phần quan trọng trong trách nhiệm giải trình của hội đồng quản trị (HĐQT) và ban giám đốc (BGĐ) doanh nghiệp niêm yết trước cổ đông và các bên có lợi ích liên quan trong cấu trúc quản trị công ty. Nhìn chung, các doanh nghiệp niêm yết đã nhận thức được vai trò của minh bạch thông tin tài chính trong việc giúp cho họ tiếp cận thị trường tài chính và huy động vốn có thặng dư tốt hơn và chi phí vốn thấp hơn. Cùng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, chất lượng quản trị công ty ngày càng được cải thiện, theo đó chất lượng báo cáo tài chính và công bố thông tin tài chính của các doanh nghiệp niêm yết đã tốt hơn rất nhiều so với những năm trước đây. Tuy nhiên, do sự chưa hoàn thiện của các hệ thống chuẩn mực và chế độ kế toán, cùng với năng lực giám sát chưa đủ mạnh của doanh nghiệp niêm yết đã khiến vẫn còn tồn tại các trường hợp sai sót trọng yếu phải điều chỉnh, hoặc thậm chí hồi tố lại báo cáo tài chính nhiều năm trước. *PV: Thực tế trên thị trường vẫn có không ít các “hạt sạn” trong vấn đề lập báo cáo tài chính và công bố thông tin về vấn đề này, ảnh hưởng tới việc tiếp nhận thông tin tài chính và niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Ông bình luận gì về thực tế này? Ông Phan Lê Thành Long:Như trên đã đề cập, gần đây vẫn còn tồn tại những sai sót trọng yếu phải điều chỉnh hoặc hồi tố báo cáo tài chính nhiều năm trước mặc dù những báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Điều đó đã gây nhiều ý kiến trái chiều trên thị trường chứng khoán, ảnh hưởng đến niềm tin của không chỉ nhà đầu tư trong nước mà còn đối với nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt các quỹ đầu tư lớn nước ngoài muốn phân bổ vốn vào thị trường Việt Nam. Với số đông nhà đầu tư cá nhân trong nước, không phải ai cũng có thể hiểu tường tận về báo cáo tài chính cũng như kiểm toán. Các sự kiện lùm xùm về báo cáo tài chính có thể khiến họ mất sự tin tưởng vào chất lượng thông tin và không sử dụng báo cáo tài chính như một nguồn thông tin quan trọng trong việc ra quyết định đầu tư. Với các nhà đầu tư nước ngoài, chất lượng báo cáo tài chính kém sẽ ảnh hưởng đến việc phân bổ vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bởi họ không cảm thấy được bảo vệ đúng mức khi giá cổ phiếu bị sụt giảm mạnh khi báo tài chính bị buộc phải điều chỉnh hay hồi tố. Tại các thị trường chứng khoán phát triển, việc hồi tố báo cáo tài chính là sự việc nghiêm trọng, phản ánh tiêu cực về tính minh bạch của doanh nghiệp cũng như tính chính trực của HĐQT và BGĐ, mà các tiêu chí này tác động lớn đến quá trình lọc cổ phiếu của nhà đầu tư.
*PV: Có ý kiến cho rằng, đầu tiên và gốc rễ là từ phía doanh nghiệp, song trên thực tế chỉ ra, nhiều báo cáo tài chính thiếu sự trung thực về thông tin, số liệu tài chính. Có hay không sự “bắt tay” của một số đơn vị kiểm toán hoặc kiểm toán viên. Theo ông, thực tế đó tồn tại thế nào và vai trò của các đơn vị kiểm toán trong việc nâng cao chất lượng báo cáo, thông tin tài chính trên thị trường chứng khoán? Ông Phan Lê Thành Long: Trước hết, chúng ta phải hiểu rằng, theo chuẩn mực kế toán và kiểm toán hiện hành, trách nhiệm lập báo cáo tài chính một cách trung thực và hợp lý thuộc về BGĐ doanh nghiệp niêm yết. Công ty kiểm toán có trách nhiệm đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính mà doanh nghiệp lập dựa trên kết quả cuộc kiểm toán. Theo đó, sai sót trên báo cáo tài chính phải điều chỉnh hoặc hồi tố thì cần phải xem xét trách nhiệm của BGĐ doanh nghiệp niêm yết, sau đó xem xét ý kiến của kiểm toán đưa ra trên báo cáo kiểm toán bị điều chỉnh hoặc hồi tố có phù hợp hay không. Tôi cho rằng, những “hạt sạn” trong báo cáo tài chính trên thị trường chứng khoán nếu có, là do những hạn chế vốn có của công việc kiểm toán là khả năng tiếp cận thông tin, cũng như sự chưa hoàn thiện của các hệ thống chuẩn mực kế toán và kiểm toán Việt Nam thay vì có sự “bắt tay”. Để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết, các công ty kiểm toán đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp sự đảm bảo thông qua nâng cao tính độc lập trong kiểm toán, cải thiện chất lượng đội ngũ nhân sự. Hiện nay các công ty kiểm toán cũng đang đóng góp vào việc chuyển đổi và áp dụng các chuẩn mực quốc tế theo đề án được Bộ Tài chính phê duyệt. *PV: Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp có nhiều sai sót, sai lệch, chậm trễ về tình hình tài chính, cũng như các doanh nghiệp kiểm toán trên thị trường chứng khoán. Ông đánh giá thế nào về động thái này từ cơ quan quản lý? Ông Phan Lê Thành Long: Tôi cho rằng, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, cũng như xử lý vi phạm của Bộ Tài chính đã phát đi thông điệp rất rõ ràng cho thị trường chứng khoán về cam kết nâng cao chất lượng công bố thông tin báo cáo tài chính để đảm bảo cải thiện niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với tính minh bạch trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Điều này rất cần thiết trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên hạng mới nổi. Thông điệp và cam kết nâng cao chất lượng báo cáo tài chính cũng sẽ góp phần giảm những hành vi thao túng báo cáo tài chính có chủ đích, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các công ty kiểm toán trong việc tuân thủ các chuẩn mực và quy định hiện hành khi kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp niêm yết. *PV:Xin cảm ơn ông! |