发布时间:2025-01-26 07:36:21 来源:88Point 作者:World Cup
Các bác sĩ khuyến cáo người dân cần quan tâm vấn đề rối loạn tâm thần hậu Covid-19 để có hướng can thiệp kịp thời. (Ảnh minh hoạ). |
Bác sĩ Trần Quang Khoá, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Theo các chuyên gia đầu ngành, về chuyên môn, hậu Covid-19 có hơn 200 triệu chứng, đặc biệt tập trung về hô hấp, tâm thần và tim mạch… Ðối với tỉnh Cà Mau, qua rà soát, còn rất nhiều người sau khi mắc Covid-19 rất lo lắng vì biểu hiện nhiều triệu chứng kéo dài, phải đi khám và điều trị tại nhiều cơ sở y tế nhưng không giảm, gây tốn kém thời gian, chi phí”.
Nói về những vấn đề sức khoẻ tâm thần thường gặp sau đại dịch Covid-19, Bác sĩ CKII Hồng Hữu Hạnh, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, cho biết, có khoảng 71 nghiên cứu được tổng hợp từ các quốc gia. Trong đó, tỷ lệ mắc chứng lo âu chiếm 32,6%; rối loạn giấc ngủ chiếm 30,3%; trầm cảm chiếm 27,6%; suy giảm nhận thức là 22% và 16,7% là các rối loạn khác.
Riêng các triệu chứng cụ thể thường gặp, về lo âu có khoảng 10 triệu chứng như sợ hãi quá mức; suy nghĩ ám ảnh về Covid-19; lo lắng, bồn chồn; mất kiểm soát cảm xúc; mất ngủ; cảm giác khó thở; sợ cô đơn, trống vắng. Biểu hiện trầm cảm thường là buồn chán, bi quan, tiêu cực; giảm hoạt động; ăn uống kém; ngủ kém; giảm tương tác xã hội và với mọi người. Ðáng lo ngại là ý tưởng tự sát và hành vi tự sát….
Ðối với người suy giảm nhận thức sẽ có các biểu hiện giảm trí nhớ gần, quên gần; suy nghĩ chậm chạp; tư duy ức chế, lú lẫn; giảm tập trung chú ý; phân tích, phán đoán, tổng hợp giảm; giảm khả năng lập kế hoạch. Nhìn chung là các triệu chứng sa sút trí tuệ.
Riêng ở Cà Mau, theo thống kê chưa đầy đủ trong 6 tháng đầu năm 2022, tại Khoa Tâm thần, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, số ca đến khám tăng 39% so với cùng kỳ. Những trường hợp rối loạn về mặt tâm thần cần nhập viện điều trị lần đầu cũng tăng 48% so với cùng kỳ.
Cụ thể, về rối loạn lo âu, tại Khoa Tâm thần Bệnh viện Ða khoa Cà Mau 6 tháng đầu năm 2021 là 421 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2022 tăng lên 586 trường hợp, trong đó nữ chiếm số lượng nhiều hơn nam. Về rối loạn tâm thần, 6 tháng đầu năm 2021 ghi nhận 86 trường hợp, 6 tháng đầu năm 2022 là 124 trường hợp; nam chiếm gần gấp đôi so với nữ.
Trong đó, có thể kể đến một số trường hợp lâm sàng “sương mù não”, như của bệnh nhân D.H.T (56 tuổi), Phường 9, TP Cà Mau. Bệnh nhân T đã bị nhiễm Sars-coV-2 ngày 22/3/2022, tới tháng 8/2022 nhập viện vào Khoa Tâm thần, Bệnh viện Ða khoa tỉnh với các triệu chứng như quên, đặc biệt quên gần; nói lòng vòng một chủ đề; diễn đạt 1 câu chuyện không hoàn chỉnh; nhận thức, hiểu biết suy giảm.
Tiếp đó, bệnh viện cũng ghi nhận ca lâm sàng trầm cảm tự tử hậu Covid-19 của bệnh nhân Ð.T.K.M, sinh năm 1995, ngụ xã Ngọc Chánh, huyện Ðầm Dơi. Bác sĩ Hồng Hữu Hạnh cho biết: “Bệnh nhân M nhiễm Sars-coV-2 tháng 10/2021 tại TP Hồ Chí Minh. Bệnh nhân nhập viện vào đầu tháng 3/2022 và được xuất viện sau hơn 2 tuần điều trị. Bệnh nhân này không có tiền căn tâm thần nhưng hơn 2 tháng trước khi nhập viện hay bị mất ngủ, mệt mỏi, buồn chán, lo lắng tiêu cực, không đi làm được vì mỏi tay chân. Và sau đó bệnh nhân có hành vi tự tử nhưng được phát hiện và cứu chữa kịp thời”.
Ðặc biệt là trường hợp của nam bệnh nhân M.B.B, sinh năm 1989, ngụ ấp Trung Cang, xã Tân Trung, huyện Ðầm Dơi, làm công nhân tại Quận 8, TP Hồ Chí Minh (không có tiền căn tâm thần). Bệnh nhân B nhiễm Sars-Cov-2 tháng 8/2021, ngày 16/6/2022 vào Bệnh viện Chợ Rẫy do thắt cổ tự tử vì trầm cảm, sau đó chuyển về Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, đến 30/6/2022 thì xuất viện. Sau khi về nhà, cảm xúc ông B ổn, ăn ngủ tốt, nhưng đến ngày 12/7/2022 thì tiếp tục thắt cổ tại nhà và tử vong.
Qua các nghiên cứu của thế giới về vấn đề sức khoẻ tâm thần hậu Covid-19 cũng như tình hình thực tế tại địa phương, cho thấy, vấn đề rối loạn tâm thần nặng, có nguy cơ tự huỷ hoại bản thân hay tự vẫn hậu Covid-19, cần hết sức quan tâm để có hướng can thiệp kịp thời.
Bác sĩ CKII Hồng Hữu Hạnh khuyến cáo một số biện pháp phòng ngừa, xử trí về điều trị cho người bệnh, như ăn ngủ điều độ, không sử dụng chất kích thích, suy nghĩ tích cực; thực hiện các hoạt động thư giãn, như nghe nhạc, tập hít thở, yoga…
Cùng với đó là các phương pháp rèn luyện cải thiện “sương mù não”, như ngủ đủ giấc, tập trung vào hiện tại, gạt bỏ những phiền muộn trong quá khứ và lo lắng về tương lai; tập thể dục hàng ngày; không sử dụng các chất tác động thần kinh trung ương...
Bác sĩ Võ Phạm Minh Thư, Trưởng khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Trường Ðại học Y dược Cần Thơ, cho biết: “Nguyên tắc cơ bản trong quản lý bệnh nhân hậu Covid-19 là hướng dẫn và hỗ trợ, phục hồi chức năng. Mệt mỏi, khó thở, sương mù não là những triệu chứng thường gặp, do vậy cần phải có kế hoạch phục hồi chức năng cho người bệnh”./.
Hồng Nhung
相关文章
随便看看