游客发表
发帖时间:2025-01-10 01:10:04
Cân đối NSNN chuyển biến theo hướng tích cực Đến hết 31-12-2013, dư nợ công bằng 54,2% GDP, dư nợ Chính phủ bằng 42,3% GDP và dư nợ quốc gia bằng 37,3% GDP. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết. Với mức dư nợ như trên, vay nợ của Việt Nam nằm trong giới hạn an toàn an ninh tài chính quốc gia (mức trần theo Chiến lược nợ: Nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP, dư nợ của Chính phủ không quá 55% GDP, dư nợ quốc gia không quá 50%), không tác động xấu đến kinh tế vĩ mô cũng như phát triển kinh tế- xã hội. (Nguồn: Báo cáo Bộ Tài chính)
Mở rộng phạm vi thu ngân sách
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) hiện hành quy định tương đối đầy đủ về phạm vi thu NSNN. Riêng đối với các khoản thu phí, lệ phí, mặc dù Luật quy định là các khoản thu của NSNN theo quy định của pháp luật, tuy nhiên, trong thực tế triển khai cơ chế quản lý, sử dụng, hạch toán, quyết toán ngân sách đối với các khoản phí, lệ phí còn tồn tại, bất cập. Đó là chưa thể hiện rõ lệ phí là khoản thu của cơ quan quản lý nhà nước gắn với quyền lợi của quốc gia hoặc quyền lợi của địa phương hay trách nhiệm hành chính của cơ quan nhà nước. Việc cho phép một số cơ quan được để lại một tỷ lệ trên số thu lệ phí để chi, ngoài phần đã bố trí từ dự toán NSNN, dẫn đến mất công bằng giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, nếu coi phí là các khoản thu, chi NSNN thì phải tuân thủ quy trình lập, chấp hành và quyết toán như các khoản thu - chi ngân sách thông thường khác, nhưng thực tế việc quản lý hiện nay chủ yếu dưới hình thức "ghi thu, ghi chi", tức là cho đơn vị thu giữ lại để chi, sau đó mới phản ánh vào NSNN và việc phản ánh này đôi khi cũng không đầy đủ, kịp thời.
Để khắc phục những bất cập nêu trên, dự thảo Luật NSNN đã xác định: Lệ phí là khoản thu NSNN (tương tự như thu từ thuế) phải nộp toàn bộ vào NSNN. Đối với các khoản phí, sẽ xử lý theo 2 nhóm.
Thứ nhất,đối với các khoản phí thu từ các hoạt động dịch vụ do Nhà nước đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thì nộp toàn bộ vào NSNN; các cơ quan quản lý nhà nước bị thiếu kinh phí hoạt động do không được giữ lại một phần thu phí, lệ phí thì NSNN sẽ bố trí đủ trong dự toán chi của cơ quan theo chế độ, định mức; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ.
Thứ hai,đối với một số khoản phí của Nhà nước giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp Nhà nước thu, các đơn vị này được phép trích lại một phần hoặc toàn bộ số thu để bù đắp chi phí, song mức thu, đối tượng thu phải theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng nguồn thu để chi tiêu phải theo chế độ và phải hạch toán, kế toán, quyết toán, công khai theo quy định của pháp luật. Khi xây dựng Luật Phí, lệ phí, Chính phủ sẽ phân định lại danh mục các loại phí, lệ phí cho phù hợp, chuyển một số loại phí hiện nay sang giá dịch vụ (học phí, viện phí,...), và không phản ánh vào NSNN và cũng không ghi thu, ghi chi vào NSNN.
Quy định mới này nhận được sự ủng hộ của cơ quan thẩm tra Luật là Ủy ban Tài chính- Ngân sách Quốc hội. Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng Luật Phí, lệ phí, theo đó chuyển một số loại phí sang giá dịch vụ, tránh việc phản ánh ghi thu - ghi chi vào NSNN như hiện nay.
Đến nay, có khoảng trên 110 loại phí, lệ phí do cơ quan quản lý nhà nước thu và khoảng 15 loại phí, lệ phí do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp Nhà nước thu. Bộ Tài chính cho biết, nếu thực hiện theo như quy định mới này của Luật NSNN (sửa đổi), so với quy định hiện hành, số thu nộp NSNN sẽ tăng thêm, tuy nhiên, số phải bố trí chi từ NSNN cũng tăng thêm.
Quản chặt các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách
Luật NSNN hiện hành không quy định phạm vi điều chỉnh các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và các quỹ hoạt động theo quy định của pháp luật và điều lệ của quỹ. Tuy nhiên, trong thời gian qua có một số khoản thu của NSNN được tách ra đưa vào các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Việc thực hiện như trên tuy đã đạt được một số mục tiêu nhất định, song làm phân tán nguồn lực NSNN, một số quỹ có số dư khá trong khi quỹ NSNN có lúc thiếu hụt, phải đi vay; một số trường hợp sử dụng quỹ không đúng mục tiêu, không hiệu quả do không chịu sự kiểm soát theo quy định của Luật NSNN. Vì vậy, cần thiết phải quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn để đảm bảo việc quản lý, sử dụng các quỹ này hiệu quả.
Tuy nhiên, các quỹ hiện nay chủ yếu được thành lập theo quy định tại nhiều Luật và Nghị định có tính chất chuyên ngành. Trong phạm vi Luật NSNN chỉ có thể quy định nguồn thu nào thuộc phạm vi ngân sách thì phải nộp NSNN và điều kiện để hỗ trợ NSNN cho các quỹ tài chính nhà nước nhằm hạn chế việc thành lập mới các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và chấn chỉnh hoạt động của các quỹ hiện nay.
Vì vậy, dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) quy định: NSNN không cấp hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp NSNN cấp hỗ trợ vốn điều lệ cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phải phù hợp với khả năng của NSNN và chỉ thực hiện khi quỹ có đủ các điều kiện đi kèm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển, qua giám sát về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có rất nhiều quỹ có nguồn gốc từ NSNN hoặc bên cạnh quỹ NSNN, nhiều quỹ tài chính được để ngoài ngân sách, gây khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, làm phân tán nguồn lực quốc gia và làm giảm hiệu quả quỹ NSNN. Do đó, Ủy ban này đã đề nghị Chính phủ rà soát, thu hẹp các quỹ này theo hướng đưa vào cân đối NSNN đối với những quỹ có nguồn thu chủ yếu từ NSNN bảo đảm tính thống nhất, tập trung của NSNN.
Theo tổng hợp sơ bộ của Bộ Tài chính, đến nay, có khoảng 40 quỹ/loại quỹ tài chính nhà nước đã được thành lập ở Trung ương và địa phương. Phần lớn là các quỹ có quy mô vốn nhỏ, phạm vi hoạt động hẹp trong một lĩnh vực hoặc một địa phương nhất định; chỉ có một số quỹ có quy mô lớn (chiếm khoảng trên 95% tổng số vốn của các quỹ tài chính nhà nước), trong đó, có các quỹ do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý (chiếm khoảng trên 90%), như: Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc, Quỹ bảo hiểm y tế bắt buộc, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp...
Thời gian qua hoạt động của các quỹ tài chính chủ yếu trong các lĩnh vực an sinh xã hội, chăm sóc y tế, hưu trí, giao thông… đã thu hút thêm các nguồn lực cả trong và ngoài nước, giảm bớt sự bao cấp và gánh nặng cho ngân sách. Tuy nhiên những bất cập của nó cho thấy cần thiết phải có những quy định chặt chẽ hơn.
Theo quan điểm của Bộ Tài chính, những quy định mới trong dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) sẽ góp phần tăng cường công tác quản lý đối với các quỹ tài chính Nhà nước. Đây cũng là nguyên tắc, căn cứ pháp lý khi xem xét, thành lập các quỹ tài chính nhà nước mới.
Thực hiện Luật NSNN hiện hành, các cân đối NSNN đã chuyển biến theo hướng tích cực, tốc độ thu NSNN hàng năm tăng khá (giai đoạn 2004-2013 bình quân đạt trên 18%/năm và đến năm 2013, thu NSNN đã tăng gần 5,4 lần so với năm 2003), thu NSNN nhìn chung không những bảo đảm được chi thường xuyên và chi trả nợ mà còn dành tích luỹ ngày càng cao cho đầu tư phát triển (năm 2003 dành được 29.700 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, năm 2012 là 95.000 tỷ đồng). Cơ cấu chi NSNN đã bảo đảm ưu tiên cho chi đầu tư phát triển với tốc độ tăng bình quân trên 13,5%/năm, chiếm trên 20% tổng mức chi đầu tư toàn xã hội, đạt khoảng gần 8% GDP. Từ năm 2003-2013, NSNN đã dành 723 nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách... (Nguồn: Báo cáo Bộ Tài chính) |
相关内容
随机阅读
热门排行
友情链接