Đẩy mạnh ứng dụng CNTT và trang thiết bị hiện đại trong kiểm tra, giám sát hải quan vừa giúp nâng cao hiệu quả quản lí hải quan vừa hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp giữa CBCC hải quan với DN. Ảnh: T.Bình. Đồng bộ giữa phòng và chống Tổng cục Hải quan đánh giá, với tổ chức và hoạt động trên khắp đất nước, địa bàn hoạt động chủ yếu là các cửa khẩu quốc gia, quốc tế, các cảng biển, sân bay… công việc lại luôn tiếp xúc với tiền, hàng, quan hệ tiếp xúc với nhiều thành phần kinh tế trong cơ chế cạnh tranh, có không ít đối tượng luôn tìm cách lợi dụng mua chuộc cán bộ, công chức (CBCC) hải quan để gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế. Thời gian qua, đại đa số CBCC hải quan vượt qua khó khăn, rèn luyện phẩm chất đạo đức, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm để vượt qua cám dỗ, cạm bẫy để hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong một môi trường hoạt động có nhiều cám dỗ nên lãnh đạo Tổng cục Hải quan xác định công tác phòng, chống tham nhũng là hoạt động thường xuyên và luôn phải ở thế chủ động. Trong các dịp làm việc với Tổng cục Hải quan, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng luôn nhắc nhở và chỉ đạo Tổng cục Hải quan phải chú trọng công tác xây dựng lực lượng. Bởi vấn đề này có vai trò then chốt vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay, vừa đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển lâu dài. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Tổng cục Hải quan, một trong những chỉ đạo quan trọng của Bộ trưởng đối với ngành Hải quan chính là tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng lực lượng xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2014. Có thể nói những năm qua, ngành Hải quan luôn chủ động, quyết liệt trong thực hiện phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh việc quán triệt, triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, với đặc thù hoạt động, ngành Hải quan cũng có những biện pháp hết sức cụ thể. Điểm nổi bật trong công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013, chính là việc Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan kí Quyết định 1417/QĐ-TCHQ (ngày 26-4-2013) thành lập Đội Giám sát, kiểm tra đột xuất (Đội đặc nhiệm) của Tổng cục và công bố rộng rãi số điện thoại đường dây nóng của Đội đặc nhiệm để tiếp nhận, xử lí thông tin phản ánh tiêu cực của công chức hải quan hoặc các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Thời gian qua, Đội đặc nhiệm đã tiếp nhận nhiều thông tin phản ánh của các DN XNK, hành khách XNC, công chức Hải quan... qua đường dây nóng tố giác hành vi tiêu cực cũng như hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại. Qua đó đã kịp thời kiểm tra, ngăn chặn và xử lí nhiều vụ việc sai phạm trong việc làm thủ tục hải quan của một số đơn vị, đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, tạo được lòng tin của cộng đồng DN. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành một số văn bản tăng cường kỉ cương, liêm chính hải quan như: quy định chế độ trách nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trong ngành khi để xảy ra vụ việc sai phạm; Quy tắc ứng xử của CBCC viên chức hải quan... “3 chiếc vòng kim cô” Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cho biết, năm 2014, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, bên cạnh các biện pháp đã và đang được triển khai, ngành Hải quan sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 giải pháp bao gồm: Giải pháp để CBCC không muốn tham nhũng, trong đó cần công khai, minh bạch hơn nữa trong hoạt động; đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho CBCC; tăng cường giáo dục truyền thống để khơi dậy lòng tự hào về ngành Hải quan và nâng cao ý thức bảo vệ “màu cờ sắc áo” Hải quan. Giải pháp để CBCC không thể có cơ hội tiêu cực là hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa CBCC hải quan và DN; thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS; đồng thời tăng cường công tác luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác... Giải pháp thứ ba, chủ động đấu tranh phòng, chống tham nhũng, trong đó phải chỉ ra được các hành vi vi phạm, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan và có biện pháp xử lí nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe. T.Bình |