Bốn đơn vị đồng hành bán nông sản cho nông dân
Chiều ngày 7/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan trực tiếp thị sát điểm tiêu thụ nông sản an toàn phòng dịch Covid-19 do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tổ chức tại số 489, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội.
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, từ ngày 7/6, tại Hà Nội, 5 điểm ban đầu của Bộ NN&PTNT nhằm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản đã chính thức được triển khai.
Các điểm hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản theo mô hình trên có địa chỉ tại: số 489 đường Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy; số 68B đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa; Điểm bán Xanh, 34 Khúc Thừa Dụ, quận Cầu Giấy; Cửa hàng thực phẩm sạch Chợ Quê, B23, X3, Khu đô thị Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm; Cửa hàng liên hiệp Hợp tác xã OCOP Việt Nam, 186 phố Hồng Tiến, Đình Cổ Linh, Bồ Đề, quận Long Biên.
Ngoài ra, để dễ dàng mua và thưởng thức nông sản, đặc sản nông sản các vùng, miền, người tiêu dùng có thể đặt và mua hàng qua hệ thống bán hàng thương mại điện tử và hotline 1900 866 630 (thời gian từ 7h30 – 19h30 hàng ngày). Phương thức vận chuyển tận nhà trong vòng 24h.
Những nông sản được cung cấp, kết nối tiêu thụ theo mô hình giữa Bộ NN&PTNT với các đơn vị sẽ cam kết thực hiện theo đúng quy trình, quy định, từ khâu thu hái, sơ chế, đóng gói, bảo quản để đảm bảo chất lượng tươi, ngon; có thông tin rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ, thời gian thu hái, đóng gói..., có giấy xác nhận an toàn dịch Covid-19. Các sản phẩm này cũng được kết nối, tiêu thụ đến bếp ăn của các cơ quan, đơn vị và các gia đình.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, Bộ NN&PTNT muốn giới thiệu các mô hình này để xã hội cùng đồng hành với nông sản Việt nói chung và nông sản mùa dịch nói riêng - giảm thiểu tình trạng ùn ứ cục bộ trong khoảng thời gian ngắn, giúp người nông dân hướng tới quy trình sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng.
"Quan điểm của Bộ NN&PTNT là ngay cả trong đại dịch thì việc tổ chức tiêu thụ nông sản cũng phải đảm bảo sự an toàn, minh bạch, vừa phòng ngừa dịch bệnh vừa thể hiện đúng giá trị nông sản mà nông dân làm ra chứ không phải hình ảnh lộn xộn, mất an toàn, mất đi giá trị nông sản Việt" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Cùng phối hợp để nông sản xuất khẩu lưu thông nhanh hơn
Cũng trong chiều 7/6, Bộ NN&PTNT đã có cuộc họp với các bộ, ngành: Công thương, Ngoại giao, Y tế, Công an, Giao thông vận tải bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển nông sản ra cửa khẩu và luân chuyển nông sản giữa các địa phương.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, khó khăn trong vận chuyển, lưu thông nông sản giữa các địa phương là các chốt kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương áp dụng biện pháp phòng dịch quá mức cần thiết khi không cho phép phương tiện vận chuyển nông sản của địa phương khác đi qua, mặc dù có giấy xác nhận an toàn dịch bệnh đối với lái xe và hàng hóa. Ngoài ra, việc tiêu thụ nông sản còn gặp khó khăn do cước phí vận tải tăng, nhu cầu thị trường giảm, chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí cầu đường và lưu thông vận chuyển tăng...
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ này đã chỉ đạo các đơn vị ở địa phương tăng cường xét nghiệm nhanh để thông thương hàng hóa cho các đối tượng tham gia vận chuyển, tuy nhiên, cũng gặp một số khó khăn liên quan đến vấn đề cách ly y tế và Bộ Y tế đang cùng với các địa phương giải quyết những vướng mắc này.
Đại diện Bộ Giao thông vận tải đề xuất, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cần yêu cầu các địa phương có nhu cầu vận chuyển thì thông tin đến Sở Giao thông vận tải trên địa bàn để đáp ứng nhu cầu vận chuyển lưu thông hàng hóa. Một số ý kiến khác cho rằng, cần phối hợp chặt chẽ về thông tin với các tỉnh giáp biên giới để nắm bắt kịp thời những thay đổi trong việc thông quan hàng hóa giữa 2 bên, chủ động các kịch bản và giải pháp tiêu thụ nông sản.
Nhấn mạnh đến nhiều loại nông sản chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch ngoài vải thiều, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương cho rằng, trong chỉ đạo sản xuất cần hướng dẫn nông dân và địa phương trồng rải vụ để giảm bớt áp lực trong khâu tiêu thụ.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, thực tế các bộ, ngành đã có những văn bản chỉ đạo rất chặt chẽ, tuy nhiên, khi Bộ NN&PTNT có các đoàn công tác đi các tỉnh biên giới thấy rằng, ở địa phương các cơ sở sản xuất, người sản xuất không biết ai là người hướng dẫn và cũng không biết ở đâu, bắt đầu từ đâu. Bởi vậy, chúng ta cần có cơ chế để tháo gỡ cho nông sản lưu thông nhanh hơn. Nếu Bộ NN&PTNT cùng Bộ Công thương và Bộ Y tế cùng phối hợp tạo cơ chế kiểm duyệt và ngành y tế cấp giấy xác nhận nông sản được ưu tiên sẽ lưu thông nhanh hơn trong bối cảnh dịch Covid 19. Khi các sở chuyên ngành ở địa phương phối hợp có giấy xác nhận là hàng đã được kiểm dịch Covid-19 thì đề nghị cảnh sát giao thông ưu tiên để di chuyển thuận lợi, vì vậy các bộ nghiên cứu, đồng ý theo cơ chế này để sớm hướng dẫn cho địa phương.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị Bộ Ngoại giao họp bàn với phía Trung Quốc có thể có cơ chế cho phép tạm thời sử dụng “Hộ chiếu vắc-xin” đối với lái xe vận chuyển để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Y tế xem xét thống nhất đề nghị các địa phương nên ưu tiên tiêm vắc xin cho các lái xe vận chuyển để họ có thể lưu thông dễ dàng. Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu việc giảm phí, có cơ chế tạo điều kiện cho các xe vận chuyển nông sản thuận lợi hơn./.
(Bài thực hiện tuyên truyền theo Nghị quyết 84/NQ-CP của Chính phủ)
Phúc Nguyên